Kịch lịch sử hướng đến khán giả trẻ

Khánh Bình| 14/09/2022 07:20

Bên cạnh các vở kịch đương đại, nhiều sân khấu ở TP.HCM đang lựa chọn tái diễn hay dàn dựng vở mới về đề tài lịch sử nhằm góp phần lan tỏa tình yêu sử Việt đến với khán giả trẻ.

Sân khấu rộn ràng... sử Việt 

Từ tháng 8 rồi, Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) có điểm diễn mới là sân khấu Trường Múa TP.HCM. Nơi đây đã và sẽ tái diễn vở Thành Thăng Long thuở ấy về cuộc đối đầu giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng, vở Yêu là thoát tội (đạo diễn NSND Hoàng Yến) với câu chuyện chính là vụ án Lệ Chi viên và vở Vụ án cậu trời trong chuỗi kịch lịch sử dành cho lớp giới trẻ. Sân khấu Trường Múa vốn là điểm diễn dành cho diễn viên trẻ tài năng và khán giả trẻ của Kịch Hồng Hạc do đạo diễn - NSƯT Việt Linh tâm huyết sáng lập.

Sau nhạc kịch Tiên Nga (2017), Sân khấu kịch Idecaf đang phối hợp cùng Đồng ấu Bạch Long dàn dựng các trích đoạn sử Việt với chủ đề Ngọc sáng trời Nam về các anh hùng như Bùi Thị Xuân, Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt, Trưng Nữ Vương... để biểu diễn vào tối cuối tuần tại Nhà hát Nón lá (Cung văn hóa Lao động) phục vụ khán giả thiếu nhi. Ban giám đốc Cung văn hóa Lao động cũng đang hỗ trợ cho Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân (thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang) biểu diễn tại Hội trường A chương trình Sắc màu thời gian bắt đầu từ ngày 10/9/2022, với các trích đoạn trong vở kịch Thái hậu Dương Vân Nga. Đây là chương trình khởi động cho dự án nghệ thuật phục vụ miễn phí cho khán giả công nhân, mỗi tháng một suất diễn tại Hội trường A. Bên cạnh vở này, Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân sẽ trình diễn các vở sử Việt như Trần Quốc Toản ra quân, Dũng tướng Nguyễn Địa Lô, Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng Giang, Ngọn lửa Thăng Long...

-8552-1663038322.jpg

Cảnh trong vở Khóc giữa trời xanh

Sân khấu Đại Việt vừa công diễn vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) và chọn mang vở ra tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022 - lần V vào cuối tháng 9 tới. Sân khấu Sen Việt cũng đưa lên sàn tập vở Vương triều (đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt), dự kiến công diễn tại rạp Hồng Liên (quận 6) vào ngày 16/9/2022 trước khi đi dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022. Sau liên hoan, hai vở này sẽ được lên lịch diễn phục vụ khán giả trẻ ở TP.HCM. Ngoài ra, Sân khấu kịch Hồng Vân đang tập vở Công chúa Ngọc Hân cho dàn diễn viên trẻ mà nơi này trực tiếp đào tạo... 

Xem kịch để học sử Việt 

Những năm gần đây, khá nhiều đạo diễn hay “ông bầu” của sân khấu TP.HCM quan tâm đưa vở diễn đề tài lịch sử đến với khán giả trẻ, học sinh, sinh viên. Ngay buổi đầu công diễn Yêu là thoát tội tại Nhà hát Thế Giới Trẻ, đạo diễn Hoàng Yến đã mời các thầy cô giáo dạy môn văn, sử trong các trường trung học phổ thông ở TP.HCM đến xem để cảm nhận và đánh giá chất lượng nghệ thuật của vở theo hình thức học ngoại khóa, có viết bài cảm nhận... Đến nay, Yêu là thoát tội đã được trình diễn tổng cộng hơn 100 suất và vừa được tái diễn (ở sân khấu Trường Múa) chủ yếu phục vụ cho học sinh và sinh viên ở TP.HCM. 

Công diễn từ năm 2017-2019 (hơn 49 suất diễn) vở nhạc kịch Tiên Nga đã phục vụ khoảng 25.000 khán giả ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận. Trong đó, có nhiều trường trung học phổ thông, đại học, công ty... đã “bao” trọn suất diễn ở Nhà hát Bến Thành cho học sinh, sinh viên, công nhân đến xem. Sau khi tham gia thiết kế phục trang và diễn xuất trong Yêu là thoát tội, nhà thiết kế Sĩ Hoàng và Công ty CP Sử Việt đầu tư vở mới Khóc giữa trời xanh theo hướng phù hợp với chương trình học ngoại khóa, với mong muốn góp phần hình thành một lớp khán giả trẻ biết yêu sân khấu kịch và hiểu biết lịch sử nước nhà. Khóc giữa trời xanh đã diễn được trên 100 suất theo mô hình liên kết với trường học, doanh nghiệp. Hiện nay, vở diễn đang được giới thiệu đến các trường để đi vào mùa diễn khi khai giảng năm học mới trong tháng 9 tới. 

Để có được sự ủng hộ của các trường học, doanh nghiệp là nhờ các ê kíp đầu tư kịch lịch sử “mạnh chi” và dám “làm mới”. NSƯT Lê Thiện đã nhận xét: “Đêm trước ngày hoàng đạo vẫn giữ chuẩn mực cải lương truyền thống, nhưng tiết tấu vở diễn rất hiện đại, cuốn người xem theo mạch kịch dồn dập”. Sân khấu của Khóc giữa trời xanh, Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy... có thiết kế bài bản, mang tính ước lệ cao, trang phục sang trọng, tinh tế và thuần Việt, diễn xuất chỉn chu. Nhạc kịch Tiên Nga gây ấn tượng đặc biệt với một kịch bản có nhiều đột phá, cách dàn dựng mới mẻ và sự lột xác của từng diễn viên; cùng đầu tư công phu từ cảnh trí, trang phục và âm nhạc với mỗi đêm diễn có hẳn một dàn nhạc live (sống) để hỗ trợ cho vở kịch. 

Trong tọa đàm “Nội lực sân khấu kịch nói hiện nay” (tháng 6/2022) do Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức, nhà thiết kế Sĩ Hoàng hiến kế rằng các “ông bầu” cần năng động, chủ động với nhiều giải pháp như tìm mối quan hệ với các doanh nhân, doanh nghiệp, mở rộng ở các lực lượng quân đội, trường học, ngoại giao... sẽ duy trì “sức sống” cho các vở lịch sử cũng như sân khấu kịch nói chung. “Điều công chúng quan tâm ở vở diễn là cái nhìn về lịch sử trong lăng kính của con người đương đại. Cần sớm có một hội đồng thẩm định kịch bản sử Việt, Nhà nước cũng cần có chiến lược tạo điều kiện, làm “bà đỡ” cho sân khấu sử Việt tồn tại, phát triển”, NSND Trần Minh Ngọc từng bày tỏ. Qua các vở Yêu là thoát tội, Tiên Nga, Khóc giữa trời xanh... cho thấy, dù khai thác đề tài lịch sử thì những thông điệp mà các vở diễn chuyển tải về đạo trị quốc, đạo làm người, tinh thần yêu nước, sức mạnh của tình đoàn kết dân tộc... vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho thời nay. Nếu các vở diễn luôn được đầu tư tốt, khai thác câu chuyện chuẩn mực, không sa vào “minh họa lịch sử” thì sức hấp dẫn của kịch lịch sử sẽ khiến khán giả trẻ xóa bỏ định kiến “khô khan” của môn sử học, từ đó góp phần tạo nên một thế hệ khán giả kế thừa cho tương lai của sân khấu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kịch lịch sử hướng đến khán giả trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO