Doanh nhân và sách

Quyết liệt sống

Thủy Cúc 21/06/2024 19:45

Chị là một trong số ít nhà báo lãnh đạo nữ ở TP.HCM được nhắc tới với sự nể trọng. Với một vẻ ngoài “tiểu thư”, mềm mại nhưng chị là người quyết liệt yêu, quyết liệt đấu tranh tới cùng với cái xấu, cái ác... Đời làm báo của chị “lên thác xuống ghềnh”, nhưng hình như chưa đủ, tạo hóa trớ trêu còn giáng xuống cuộc đời chị căn bệnh ung thư. Để từ đó, người ta còn thấy thêm ở chị một khả năng kỳ diệu: Quyết liệt sống.

Đam mê nghề nghiệp

Ngày nay sự xuất hiện của những bài điều tra, chống tiêu cực trên mặt báo là chuyện bình thường, nhưng vào đầu những năm 1990, khi báo chí bắt đầu đổi mới, mỗi lần đăng được một bài như thế là cả một vấn đề.

Thế mà báo Phụ Nữ TP.HCM lúc bấy giờ đã tham gia vào những cuộc đấu tranh chống tiêu cực không mệt mỏi: Tamexco, Đông lạnh Hùng Vương, Trần Xuân Hoa, Phạm Công Tước... (trong đó có nhiều vụ phối hợp với báo Tuổi Trẻ).

Trong đội ngũ nhà báo giỏi giang của báo Phụ Nữ lúc ấy, chị Minh Hiền - Phó tổng biên tập - chỉ là một người thầm lặng, song chị đã khẳng định là một nhà báo có thái độ rất rõ ràng đối với tiêu cực xã hội, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm…”.

* Ông Trương Quang Vĩnh, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: “Quan điểm, thái độ của chị Minh Hiền đối với tham nhũng, tiêu cực là rất rõ ràng. Đấu tranh chống cái xấu, cái ác đến cùng”.

* Ông Đặng Tâm Chánh, Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Chị sống chân thành và ngay thẳng. Yêu, ghét rõ ràng. Quyết liệt với tiêu cực và cũng quyết liệt bảo vệ cái mới, cái đúng”.

* Ông Trần Hữu Bảo, nguyên phóng viên báo Phụ nữ TP. HCM, từng là Thư ký tòa soạn báo Doanh nhân Sài Gòn: “Hình dung ban đầu, chị là một người khoan hòa, mềm mỏng, khi xử lý công việc đều cẩn trọng hỏi ý kiến anh em. Nhưng làm việc chung một thời gian mới thấy khi cần thì chị rất cứng rắn. Lúc đó, tôi nhận ra chị rất “đáng sợ”. Thực tế ngày càng chứng minh chị còn là người có tầm nhìn xa, phát hiện rất tốt vấn đề. Tôi chứng kiến trong những lúc hữu sự, nhiều người “thay mặt nạ” xoành xoạch, chị Minh Hiền không làm thế”.

* Nhà báo Huỳnh Thanh Diệu: “Với người làm báo và anh em trí thức Sài Gòn thì Đại Đoàn Kết Cuối tuần là “một bản quyền nhan sắc” của người làm báo tâm huyết”.

quyet1.jpg
Chị Nguyễn Minh Hiền, Tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn và các đồng nghiệp tại tòa soạn. Ảnh: N.C.T.

Đối mặt với cái chết

* Chị Minh Hiền: “Ngày 28/4/1996 tôi nhận quyết định “thôi giữ chức Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM Các chị trong Thành hội Phụ nữ bảo sẽ bố trí tôi làm phó một ban nào đó ở Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, nhưng tôi xin nghỉ để tìm việc ở một tờ báo khác.
Về làm tờ Đại Đoàn Kết Cuối tuần được một thời gian thì Đại Đoàn Kết Cuối tuần lại chuyển toàn bộ nội dung, in ấn, phát hành ra Hà Nội theo quy hoạch chung. Đầu năm 1999, tôi được anh Tư Tạo (Trần Văn Tạo – lúc bấy giờ là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM) đề nghị làm tờ tin Công Thương. Tờ tin đã tạm đình bản, nhưng mê làm báo quá nên tôi cũng nhận làm. Công việc đang chưa đâu tới đâu thì tháng 8 năm đó tôi phát hiện mình bị ung thư. Ung thư mà đã di căn xa rồi. Ánh nhìn và những trao đổi của các bác sĩ với nhau cho tôi hiểu rằng thời gian sống của mình không còn bao nhiêu nữa. Tôi như người vô cảm, chẳng vui, chẳng buồn.

Trưa về tới nhà, một mình đối diện bốn bức tường vôi trắng, mới thấm. Mấy lần gặp lại anh Nguyễn Chấn Hùng (Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh) sau đó, tôi xin anh ráng giúp cho tôi sống được năm năm, tới lúc con tôi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Anh Hùng bảo sẽ làm hết sức nhưng tôi cũng phải ráng. Mổ, hóa trị... một năm trời, tóc rụng hết. Mỗi lần vô thuốc mệt mỏi, đau đớn, nhức từng lóng tay, ăn vô ói ra, chỉ còn thiếu có nước bò ra đất thôi.
Đến mức tôi nghĩ như vầy thì sống làm gì! Tôi có may mắn được chồng, con, các chị tôi, các bạn đồng nghiệp lo lắng, chăm nom từng chút… Nhưng căn bệnh này khủng khiếp quá. Lâu lâu lại nghe tin một người cùng bệnh với mình chết.

Anh Chấn Hùng động viên tôi rất nhiều, ảnh nói: “Minh Hiền đã từng đi kháng chiến, gặp nhiều hiểm nguy, từng làm báo, đối diện bao nhiêu bất trắc còn được, giờ với bệnh này, mình cũng phải đối diện với nó…”.

* Ông Trần Hữu Bảo: “Lúc đó, người thân của chị đã nghĩ đến chuyện phải đổi nhà vì sợ cầu thang căn nhà trong chung cư của chị hẹp, quan tài không đưa xuống được. Trong thời gian bệnh, chị vẫn điện thoại hỏi thăm, cố gắng để chứng tỏ mình không sao, nhưng anh em biết chị khủng hoảng lắm. Tôi biết ban ngày chị hò hét, quyết đoán, trông cứng rắn vậy, chứ tối nằm xuống là giấu nước mắt. Đã một chân trên bờ cái chết nhưng chị vẫn không bỏ tờ báo, dù chỉ là một tờ tin loe hoe vài ba người, không biết đóng cửa lúc nào”.

“Sống lạc quan, tích cực. Cống hiến không ngơi nghỉ”

Gặp chị Minh Hiền những ngày này sẽ thấy một người bận rộn và vui vẻ. Tờ tin Công Thương “loe hoe” ngày nào giờ đã lột xác thành tuần báo Doanh nhân Sài Gòn và thêm một Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Chị rất hạnh phúc khi kể về đứa con trai duy nhất đang du học ở Pháp.

* Ông Đặng Tâm Chánh: “Từ tay trắng chị đã xây dựng được một tuần báo có số phát hành khá và ổn định. Làm “báo đàng hoàng” mà sống được trong thời buổi “trên trời, dưới báo” này không phải dễ”.

* Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, chuyên viên Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP.HCM: “Minh Hiền có một nghị lực sống rất mạnh, không chỉ trong chuyện đối mặt với bệnh tật. Vô hóa chất, đầu tóc trọc lóc, không ai nghĩ Minh Hiền còn làm được gì nữa, vậy mà giờ chị ấy xây dựng được một tờ báo như thế.

Công việc của một Tổng biên tập rất nặng nề. Những hoạt động của Doanh nhân Sài Gòn như Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nghiệp, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa... thì nhiều báo cũng làm, riêng tôi đánh giá cao hai sáng kiến đặc biệt của Doanh nhân Sài Gòn.

Một là chương trình trợ giúp những người bị ung thư, từ bi kịch cá nhân của mình, Minh Hiền đã biến thành lợi ích cho cộng đồng bằng cách xây dựng chương trình này.

Hai là từ ý tưởng và đề xuất của Minh Hiền trên Doanh nhân Sài Gòn mà Thủ tướng đã ra quyết định công bố lấy ngày 13 tháng 10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Hoạt động này cũng đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM tặng bằng khen”.

* Bà Huỳnh Thanh Diệu: “Lúc Doanh nhân Sài Gòn đăng mấy loạt bài chống tiêu cực, trong đó có vụ Công ty Dược Minh Hải, tôi bảo chị: “Em không thích chị đánh đấm ai hết, kệ người ta đi chị”.
Tôi nói vậy là vì từ khi chị bị bệnh, tôi nguyện nếu làm được chuyện tha thứ cho ai đó, bỏ được một mối thù ghét nào đó là tôi sẽ được sống gần chị lâu hơn, tích thêm cho chị được ít nhiều sức mạnh.Trước thái độ “trẻ con” của tôi, chị chỉ cười, nói rất nghiêm: “Làm báo như mấy người, nhát mà nhân danh rộng lượng, tha thứ thì trả thẻ nhà báo đi”.

* Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: “Trường hợp của Minh Hiền là hy hữu, điều trị hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của thầy thuốc. Sống lạc quan, tích cực, cống hiến không ngơi nghỉ. Chính thái độ đó của chị đối với cuộc sống đã mang lại điều tuyệt vời. Một điều đáng quý nữa ở Minh Hiền là chị đã đồng ý công khai căn bệnh của mình.

Thông tin về một người bệnh ung thư sống khỏe, sống tốt sẽ có tác dụng rất tích cực. Ở các nước phát triển điều đó bình thường, song ở nước ta tâm lý e ngại còn nhiều. Tôi đã đề nghị với nhiều người nhưng trước giờ không ai đồng ý cả. Vậy đó, người phụ nữ ấy vẫn tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến không nghỉ ngơi..., cả ở những điều tưởng chừng không thể…”.
Nguồn: Tuổi Trẻ, 18/6/2005

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của cố nhà báo Minh Hiền - Nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn), ra mắt sách "Quyết liệt sống" viết về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Trong sách, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã chia sẻ những ký ức về nữ nhà báo dành cả đời cống hiến cho nghề báo. Đây là một trong những bài viết trong sách "Quyết liệt sống".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyết liệt sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO