Đại dịch Covid-19 hoành hành, gây thiệt hại về kinh tế là rất lớn, khó có thể đong đếm được. Trong lịch sử loài người chưa có một cuộc khủng hoảng dịch bệnh nào để lại hậu quả to lớn và sâu sắc về kinh tế - xã hội như vậy.
Ngoài biện pháp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), theo các chuyên gia y tế, giải pháp có tính căn bản nhất vẫn là tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, có như thế mới hạn chế tối đa lây lan virus SARS-Cov-2, đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, nếu chậm trễ triển khai vaccine ngừa Covid-19 thì kinh tế thế giới không thể phát triển, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch nếu như kiểm soát được dịch Covid-19.
Nhận thức tầm quan trọng của vaccine, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt cho tìm mua nguồn vaccine từ nước ngoài và khuyến khích sản xuất trong nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng phát biểu, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19, khẳng định vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để chống đại dịch, vaccine là vũ khí lợi hại nhất, là tiên quyết để cuộc chiến đi đến thắng lợi toàn diện.
Thời gian gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung vaccine. Chủ tịch nước kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tùy theo điều kiện và khả năng, tham gia đóng góp ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần để cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sớm chiến thắng dịch bệnh.
Cùng với việc thương lượng nhập khẩu từ nước ngoài, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện công nghệ sản xuất vaccine. Trong đó vaccine NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã thử nghiệm giai đoạn 1. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vaccine ngừa Covid-19 "made in Vietnam" đầu tiên dự kiến sẽ có vào cuối tháng 9/2021.
Theo tính toán của Bộ Y tế, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí khoảng hơn 25.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, "sống chung với dịch bệnh" trở thành thường trực, hiệu lực của vaccine lại không kéo dài, việc tiêm vaccine phải tiến hành định kỳ, càng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp.
Trong bối cảnh đó, ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 779 thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, giao Bộ Tài chính quản lý, với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với ngân sách nhà nước mua vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm cho người dân; bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên phát động quyên góp gây quỹ mua vaccine phòng Covid-19. Tính đến ngày 7/6/2021, tại TP.HCM, số tiền đăng ký ủng hộ đã lên đến hơn 2.190 tỷ đồng từ người dân và doanh nghiệp, như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty CP Bất động sản Kim Oanh, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Tập đoàn Nova Land, Tập đoànBamboo Capital (BCG)... Theo báo cáo vào ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã có 16.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 3.000 tỷ đồng từ đóng góp của người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 tối ngày 5/6/2021 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, mọi khoản kinh phí đóng góp dù nhiều hay ít, mọi lời góp ý, mọi sự ủng hộ cho công cuộc phòng, chống Covid-19 nói riêng đều được nâng niu, trân trọng. Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp, nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của quỹ công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tiêm vaccine cho người dân.
Chúc mừng Chính phủ Việt Nam ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, bà Carollyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 nhanh và hiệu quả là biện pháp cần thiết và quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Nền kinh tế chỉ an toàn khi tất cả mọi người dân đều an toàn. Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 sẽ là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu kép "chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế".