Mục tiêu tổng quát là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Thông qua Nghị quyết, Quốc hội cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể như GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%...
Ngoài ra, Quốc hội đưa chỉ tiêu số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%...
465/466 đại biểu Quốc hội (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội) đã tán thành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. |
Để đạt mục tiêu đề ra, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cần tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Mặt khác, Chính phủ cần bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bàn về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, mục tiêu này là khá cao, song cũng có ý kiến đánh giá mức này là thấp so với mức 8,83% trong 9 tháng năm 2022. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2023, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Như vậy, chỉ tiêu 6,5% thể hiện rằng Chính phủ quyết tâm phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, song vẫn bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2023. |