Quảng Trị đề xuất đặc cách tiếp nhận 12 trí thức trẻ vào công chức cấp xã
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị đặc cách tiếp nhận 12 đội viên thuộc Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã miền núi vào đội ngũ công chức cấp xã, không căn cứ vào chỉ tiêu biên chế hiện hành.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, 12 cá nhân được đề xuất tuyển dụng đặc cách là những trí thức trẻ đã được tuyển chọn theo Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện tăng cường về công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2013.
Ông Trần Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Các đội viên này đã có nhiều năm công tác tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy tốt năng lực chuyên môn, đóng góp tích cực vào hoạt động của chính quyền cơ sở. Đây là lực lượng trí thức trẻ được đào tạo bài bản và có quá trình thử thách thực tế, cần được quan tâm xem xét tiếp nhận vào biên chế công chức”.
Trước khi hợp nhất tỉnh, Quảng Trị cũ có 12 đội viên và Quảng Bình cũ có 15 đội viên thuộc Đề án. Trong số này, hai người đã xin nghỉ theo nguyện vọng. Đến nay, 13 người đã được tuyển dụng vào công chức (gồm 10 người tại Quảng Trị và 3 người tại Quảng Bình).

Sau khi hợp nhất hai tỉnh để thành lập tỉnh Quảng Trị mới, tổng số cán bộ, công chức cấp xã hiện nay là 3.607 người, trong khi chỉ tiêu biên chế được giao chỉ là 3.071 người, dẫn đến tình trạng dư thừa 536 biên chế.
Do đó, dù các trí thức trẻ còn lại đủ điều kiện xét tuyển theo quy định, nhưng không thể bố trí vào công chức do không còn chỉ tiêu biên chế và không thể bổ sung thêm.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định có quy định cho phép xem xét tiếp nhận vào công chức cấp xã đối với các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ ký hợp đồng lao động trước ngày 1/7/2025.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận này phải căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao và nhu cầu vị trí việc làm tại địa phương. Chính điều này đang là rào cản khiến 12 đội viên còn lại không thể được tuyển dụng dù đã có nhiều năm đóng góp tại cơ sở.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét trường hợp đặc biệt, cho phép đặc cách tiếp nhận 12 đội viên Đề án 500 vào công chức cấp xã mà không yêu cầu phải tuân thủ các điều kiện về chỉ tiêu biên chế và vị trí việc làm như quy định hiện hành.
UBND tỉnh nhấn mạnh: “Việc đặc cách này không chỉ ghi nhận sự cống hiến thực tế của các đội viên mà còn là giải pháp để tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và tích lũy kinh nghiệm trong môi trường công tác đặc biệt khó khăn”.