Quản trị viên tập sự: Ứng viên cấp cao tương lai

TRẦN THỊ KIM LOAN, Phó bộ phận Phát triển tài năng Công ty Nhân Việt| 27/08/2009 07:36

Các tập đoàn đa quốc gia và các công ty hàng đầu trong nước liên tục triển khai các chương trình Quản trị viên tập sự, thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.

Quản trị viên tập sự: Ứng viên cấp cao tương lai

Vài năm trở lại đây, các tập đoàn đa quốc gia và các công ty hàng đầu trong nước đã liên tục triển khai các chương trình Quản trị viên tập sự, hay còn gọi là Management Trainee Program (MTP), thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.

Nhiều lợi ích thiết thực

Tham gia chương trình Quản trị viên tập sự, các ứng viên sẽ có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia với mức lương hấp dẫn. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, luôn đề cao tinh thần đồng đội và sự năng động, ứng viên mới có thể phát triển tối đa khả năng cùng với sự trợ giúp từ đồng nghiệp và ban lãnh đạo công ty.

Khi chính thức được tuyển chọn, ứng viên sẽ trực tiếp tham gia các khóa huấn luyện chung được xây dựng tập trung vào kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, ứng viên cũng có được rất nhiều kinh nghiệm thực tế thông qua các công việc được giao. Lâu dần, ứng viên sẽ phát triển được nền tảng vững chắc để hỗ trợ tốt cho công việc trong tương lai.

Ví dụ, với chương trình Phát triển tài năng trẻ tại Công ty DKSH Việt Nam, các ứng viên trải qua giai đoạn đào tạo và huấn luyện kéo dài liên tục 12 tháng, nắm được nhiều thông tin về cơ cấu tổ chức cũng như quy trình hoạt động tại các phòng, ban. Đồng thời, ứng viên cũng được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết hỗ trợ cho công việc. Ở giai đoạn tiếp theo, sau khi được đánh giá và xác định khả năng, ứng viên sẽ chính thức làm việc trực tiếp cùng với các đồng nghiệp, tham gia vào những dự án lớn của công ty cũng như các chương trình khác. Giai đoạn này kéo dài 18 tháng trước khi các ứng viên có được nền tảng vững chắc để có thể được cất nhắc lên cấp quản lý.

Sự chuẩn bị cho tương lai

Theo các chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực hàng đầu thế giới, việc hoạch định chiến lược nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng bởi nó liên quan chặt chẽ với các kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh của tổ chức. Không những thế, việc hoạch định sẽ giúp DN sẵn sàng thích ứng với những thay đổi như mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm các sản phẩm mới, hay co cụm bộ máy khi kinh tế suy thoái.

Thông thường, DN có ba hướng hoạch định chiến lược: Phát triển từ dưới đi lên, tuyển dụng từ bên ngoài, hay luân chuyển trong nội bộ. Trong đó, việc bổ sung nhân sự từ bên ngoài và luân chuyển trong nội bộ thường dễ dàng thực hiện, nhưng khi DN đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao, thì nhu cầu về nguồn ứng viên làm việc hiệu quả và phù hợp với công việc, luôn trong trạng thái sẵn sàng, là rất lớn. Bởi những vị trí này hết sức quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của DN và đòi hỏi các ứng viên phải hiểu cặn kẽ về DN cũng như đủ khả năng đảm đương trọng trách.

Chính vì vậy, các DN lớn như Unilever, Coca Cola, Masan Food... đã liên tục triển khai nhiều chương trình quản trị viên tập sự để tạo dựng hình ảnh “môi trường làm việc lý tưởng” nhằm thu hút nhân tài, hỗ trợ cho các chiến lược sản xuất, kinh doanh trong tương lai.

Những vấn đề cần quan tâm

Các chương trình Quản trị viên tập sự mang lại lợi ích rất lớn, song DN vẫn cần cân nhắc nhiều vấn đề trước khi quyết định triển khai. Trong nhiều trường hợp, chương trình đã không thể đạt được mục tiêu đề ra bởi nhiều nguyên do khác nhau từ trong nội bộ DN cũng như từ bên ngoài.

Thứ nhất, chương trình Quản trị viên tập sự chính là một trong những chiến lược hoạch định nguồn nhân lực. Chiến lược ấy có thành công hay không còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế hay năng lực của DN. Do đó, DN nên chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình bằng cách xem xét và đánh giá các nguồn lực hiện tại, bao gồm những mặt mạnh cũng như hạn chế. Bởi vì, nếu các ứng viên khi gia nhập DN không có môi trường, điều kiện tốt để tập sự thì chắc chắn không thể trở thành những nhà quản trị giỏi trong tương lai. Các nguồn lực cần xem xét có thể là: sự ủng hộ từ ban quản trị - ban điều hành, cấu trúc tổ chức, nguồn lực tài chính, nguồn lực nhân sự.

Thứ hai, DN cũng cần phải quan tâm đến mối liên hệ giữa chương trình với các kế hoạch phát triển khác trong tổ chức như kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tiếp thị... Ví du, nếu DN không có kế hoạch phát triển, mở rộng quy mô hay nâng cao năng lực sản xuất trong vài năm tới, không cần phát triển nguồn lực thì không có nhu cầu bổ sung quản trị viên. Khi đó, chương trình Quản trị viên tập sự sẽ không cần thiết vì mục tiêu chính của chương trình là xây dựng nên đội ngũ những quản trị viên trong tương lai gần.

Vì thế, DN không nên triển khai chương trình này chỉ vì mục tiêu quảng bá thương hiệu trên thị thường, mà hãy xem đó là nguồn cung ứng ứng viên giá trị cho các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao trong tương lai. Để chương trình thật sự mang lại hiệu quả, DN cần tìm kiếm các đối tác am hiểu về quy trình tổ chức các chương trình tuyển dụng và phát triển tài năng trẻ. Các đơn vị tư vấn với những chuyên gia nhân sự giàu kinh nghiệm sẽ giúp DN có sự chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bên trong nội bộ cho các chiến lược phát triển nguồn nhân lực lâu dài về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản trị viên tập sự: Ứng viên cấp cao tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO