Công nghệ

PimEyes: Mặt trái của công nghệ tìm kiếm kết hợp nhận diện khuôn mặt

Bảo Quân 24/10/2023 11:00

Khả năng nhận diện khuôn mặt kết hợp tìm kiếm của PimEyes được so sánh với công nghệ mà Google cho là quá nguy hiểm để đưa ra công chúng.

pimeyes-mat-trai-cua-cong-nghe-tim-kiem-ket-hop-nhan-dien-khuon-mat.jpg
Công nghệ nhận diện khuôn mặt tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân

Nếu một người thường xuyên hiện diện, công khai hình ảnh bản thân và lưu giữ chúng trên mạng xã hội, thì việc danh tính của họ được nhiều người biết đến là đương nhiên. Dù vậy, với sự phát triển của công nghệ ở thời điểm hiện tại, người dùng Internet thậm chí vẫn có thể nhận ra khuôn mặt của một người kể cả khi họ không sử dụng mạng xã hội. Và PimEyes là một công cụ cho phép điều như thế.

Chỉ cần tải ảnh khuôn mặt lên phần mềm tìm kiếm, nhấn đồng ý, bạn sẽ nhận được một chùm ảnh dạng lưới được cho là có khuôn mặt giống bạn, với các liên kết đến vị trí chúng xuất hiện trên Internet.

Là công cụ tìm kiếm (search engine) kết hợp nhận diện khuôn mặt, PimEyes sử dụng công nghệ tìm kiếm hình ảnh hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép người dùng tải lên hình ảnh của bất cứ ai rồi sau đó trả về kết quả là các hình ảnh dưới dạng lưới được AI nhận định là giống với khuôn mặt của người trong ảnh, cùng với liên kết dẫn đến nơi mà chúng xuất hiện trên Internet.

Ảnh chụp mà bản thân cũng... không biết

Điểm đáng chú ý là sức mạnh tìm kiếm và độ mở với công chúng của PimEyes, khi nó có thể tìm ra các bức ảnh tưởng như đã biến mất vĩnh viễn trên Internet chỉ trong vài giây, kể cả những bức ảnh mà chủ nhân của nó thậm chí chưa từng biết đến.

Trên thực tế, tờ New York Times vào năm ngoái từng thử tìm khuôn mặt của hơn 10 nhà báo trực thuộc để kiểm tra "sức mạnh" của công nghệ này. Kết quả là PimEyes thực sự đã trả về hình ảnh của mỗi người cùng nơi chúng xuất hiện và kể cả một số tấm ảnh mà họ chưa từng thấy trước đây.

Ví dụ, công cụ này nhận ra một nữ phóng viên tại một sự kiện ở bảo tàng nghệ thuật cách đó 10 năm và đã khóc sau khi được cầu hôn. Một phóng viên khác thấy mình trong tình huống nhạy cảm với một người hâm mộ tại lễ hội âm nhạc Coachella năm 2011. Một nhân viên khác thấy mình trong vô số ảnh cưới tại nhiều bữa tiệc và cả trong nền mờ ảnh chụp của người khác tại một sân bay Hy Lạp năm 2019. Quá khứ trong ban nhạc của một nhà báo cũng được "đào lên" và một ảnh khác cho thấy anh nghỉ ngơi trong trại hè của một… phụ nữ.

pimeyes-mat-trai-cua-cong-nghe-tim-kiem-ket-hop-nhan-dien-khuon-mat(1).jpg
Một ví dụ về kết quả mà PimEyes trả về khi ảnh khuôn mặt được tải lên công cụ tìm kiếm

Hiện PimEyes cung cấp miễn phí phiên bản sử dụng cơ bản cho mọi người và 3 gói thuê bao có phí hằng tháng là 29,99 USD, 79,99 USD và 299,99 USD. Một trong những tính năng đi cùng gói thuê bao cao nhất là "tìm kiếm sâu" (tìm kiếm kỹ lưỡng hơn).

Dù PimEyes cho biết dịch vụ của mình giúp người dùng theo dõi sự hiện diện của họ trên Internet, công cụ này vẫn gây ra vô số tranh cãi do độ mở của nó với công chúng có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu. Hơn nữa, bất chấp việc dịch vụ này cho biết đã áp quy tắc chỉ định rằng người dùng chỉ có thể tìm kiếm chính họ hoặc các cá nhân đã đồng ý được tìm kiếm, thì trên thực tế không có rào cản hay ràng buộc nào ngăn việc một người quyết định tìm ảnh của người khác và không xin phép cả.

Cựu CEO Google Eric Schmidt từ năm 2011 đã nói rằng đây là công nghệ mà Google đã phát triển và quyết định giữ lại, vì nó quá nguy hiểm nếu rơi vào tay kẻ xấu.

Kashmir Hill - phóng viên New York Times, tác giả sách Your Face Belongs to Us

Còn Ella Jakubowska - Cố vấn chính sách của European Digital Rights, một nhóm ủng hộ quyền riêng tư nhận xét: "Bất kể họ có giải thích ra sao, PimEyes vẫn là công cụ được thiết kế để theo dõi người khác qua việc tìm ảnh của họ".

Rủi ro từ sự tiếp cận quá rộng và dễ dàng

Ngoài ra, khác với Clearview AI - một công cụ nhận diện khuôn mặt tương tự dành cho cơ quan thực thi pháp luật, PimEyes không trả về kết quả từ các mạng xã hội. Thay vào đó, ảnh của nó đến từ các bài báo, website chụp ảnh cưới, đánh giá, blog và cả website... khiêu dâm. Và với phụ nữ, các bức ảnh không chính xác thường đến từ các website này, điều dễ gây ra hiểu lầm dù thực tế ảnh đó không phải của "khổ chủ".

Do đó, bất chấp sự thật rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể hữu ích cho cơ quan pháp luật và giải quyết tội phạm, việc PimEyes cung cấp dịch vụ của mình cho công chúng đã dấy lên nhiều tranh cãi. Trên thực tế, trước đây nhiều công cụ tìm kiếm và nhận diện khuôn mặt tương tự cũng đã xuất hiện, nhưng tệp đối tượng có thể tiếp cận chúng không quá lớn và chúng cũng không sử dụng công nghệ giống như PimEyes.

Vào năm 2016, hãng công nghệ NtechLab của Nga đã giới thiệu FindFace với tính năng tương tự PimEyes, nhưng dịch vụ này sau đó đã bị đóng cửa với người dùng bình thường để cung cấp cho chính phủ Nga.

Tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh cũng có trên Google nhiều năm qua, song nó không sử dụng thuật toán nhận diện khuôn mặt riêng biệt như PimEyes. Cụ thể hơn, tính năng tìm kiếm hình ảnh của Google dựa trên siêu dữ liệu (metadata) liên kết với hình ảnh trên website với sự giống nhau của các thành phần, phông nền và thuộc tính không phải sinh trắc học. Do đó, nếu tải ảnh chân dung mà không có phông nền, Google sẽ trả kết quả là ảnh chân dung có phông nền tương tự, nhưng là của người khác chứ không phải bạn.

pimeyes-mat-trai-cua-cong-nghe-tim-kiem-ket-hop-nhan-dien-khuon-mat.png
Việc PimEyes cung cấp dịch vụ của mình cho công chúng đã dấy lên nhiều tranh cãi

Theo Kashmir Hill, các công cụ tìm kiếm khuôn mặt siêu mạnh đã được phát triển tại nhiều ông lớn công nghệ Big Tech như Meta và Google. Tuy nhiên, khả năng chúng được vũ khí hóa lớn đến nỗi khiến một số nhà điều hành hàng đầu (như Eric Schmidt) rất miễn cưỡng đưa chúng ra thế giới - động thái gần như không thể tưởng tượng được trong một thế giới có nhịp độ nhanh và siêu cạnh tranh như Thung lũng Silicon.

Nhưng sự miễn cưỡng đó dường như không quá mạnh mẽ với các startup. Woodrow Hartzog - Giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Boston nói: "Các lợi ích của công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được sử dụng như một cái cớ để chính phủ và các doanh nghiệp đơn giản là mở rộng quyền lực, cùng lợi nhuận của họ mà không mang lại bất kỳ lợi ích có ý nghĩa nào".

Chúng ta đã trông chờ vào những nỗ lực tự kiểm soát và không sử dụng một công nghệ rủi ro như thế, nhưng giờ đây những rào cản đó đang dần bị phá vỡ vì đơn giản là có quá nhiều tiền trên bàn.

Woodrow Hartzog - Giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Boston

Theo giáo sư Hartzog, viễn cảnh công nghệ nhận dạng khuôn mặt không bị lạm dụng nghiêm trọng một khi được phổ biến hóa để khai thác lợi ích, là không thể xảy ra. Bày tỏ sự ủng hộ đối với các quy định của chính phủ hoặc thậm chí cấm các công cụ như vậy trước khi chúng trở nên phổ biến rộng rãi, Hartzog nói: "Tôi đơn giản là không thấy thế giới sẽ tốt hơn khi có công nghệ nhận diện khuôn mặt so với khi không có nó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
PimEyes: Mặt trái của công nghệ tìm kiếm kết hợp nhận diện khuôn mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO