Phòng vệ thực phẩm - bài toán khó cho DN

THANH NGÂN| 05/08/2015 01:34

Sau những bê bối của các doanh nghiệp (DN) liên quan đến phòng vệ thực phẩm (PVTP) tại Việt Nam thời gian qua, xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn là điều các DN cần đặc biệt quan tâm.

Phòng vệ thực phẩm - bài toán khó cho DN

Sau những bê bối của các doanh nghiệp (DN) liên quan đến phòng vệ thực phẩm (PVTP) tại Việt Nam thời gian qua, xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn là điều các DN cần đặc biệt quan tâm.

Đọc E-paper

PVTP là thuật ngữ dùng để chỉ những hoạt động bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm chống lại những hành động lây nhiễm hoặc đầu độc có chủ đích. Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công Tây Ninh cho biết, những rủi ro dẫn đến các vụ lây nhiễm thực phẩm chủ yếu xuất phát từ quá trình sản xuất, bán hàng.

Ở khâu sản xuất, có rất nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất có thể bỏ được các vật lạ vào nên mức độ lây nhiễm cao. Lâu nay, các DN Việt Nam chưa chú trọng chống hàng giả, bao bì còn sơ sài nên dễ bị kẻ gian lợi dụng cho vật lạ vào sản phẩm.

Việc lây nhiễm cũng có thể đến từ các lỗ hổng trong quản lý. Đó là do DN không có các thiết bị giám sát, không có hàng rào cách ly, dẫn đến việc người lạ có thể ra vào khu vực sản xuất để phá hoại.

Ngay cả nhân viên lái xe, nhân viên trực chuyền sản phẩm hay người dọn vệ sinh cũng có thể là nguy cơ trở thành nguồn đầu độc có chủ ý nếu DN không giám sát tốt. Bên cạnh đó, những rủi ro này cũng có thể xảy ra ở khâu bán hàng nếu DN lơ là việc kiểm soát.

Vụ con ruồi trong chai nước Number One của Tân Hiệp Phát là bài học đắt giá về PVTP. Dù cơ quan điều tra kết luận rằng chai nước có ruồi là do sự tác động từ bên ngoài nhưng Tân Hiệp Phát vẫn lãnh hậu quả nặng nề. Mất 2 tháng DN này mới chứng minh được với dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty thì "ruồi không thể lọt vào chai".

Tuy nhiên, sự việc này đã khiến doanh thu của Công ty sụt giảm nghiêm trọng và quan trọng hơn, uy tín thương hiệu của DN bị chao đảo. Mất 10 năm Tân Hiệp Phát mới xây dựng được hình tượng của một DN đứng đầu ngành giải khát Việt Nam nhưng đã bị tác động xấu nặng nề bởi sự cố này.

>>Xây dựng thương hiệu: Cần uy tín và sự khác biệt

Không khủng hoảng nặng nề như Tân Hiệp Phát nhưng Thành Thành Công Tây Ninh năm ngoái cũng tốn khá nhiều tiền khi gặp sự cố sản phẩm. Ông Dương kể, tháng 9/2014, khách hàng phản ảnh với Công ty là có hai cây tăm trong bao đường.

Sau khi tìm hiểu, Thanh Thành Công Tây Ninh phát hiện đây là một trong những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ và nhanh chóng bắt tay vào việc xử lý sự cố.

Sự việc sau đó đã được dàn xếp êm thấm nhưng Công ty cũng tiêu tốn hết 3,7 tỷ đồng. "Thành Thành Công của chúng tôi có thâm niên 46 năm, Acecook có gần 20 năm, Liên Thành cũng cả trăm năm, nếu chúng ta không gìn giữ, không có các biện pháp PVTP thì cũng sẽ dễ dàng bị phá hoại", ông Dương nói.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc DN Việt Nam cần rút ra bài học xây dựng kế hoạch PVTP để tránh những rủi ro không đáng có. Khi DN không có kế hoạch PVTP thì sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ khủng hoảng thực phẩm, sự phá hoại của đối thủ hoặc nhân viên bất mãn.

Và sự tấn công đó có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, như trong quá trình trồng trọt, chế biến, phân phối, lưu trữ, bán lẻ, vận chuyển... có thể gây hại hoặc gây chết người cũng như ảnh hưởng đến DN và nền kinh tế, vì vậy, rất cần thiết phải xây dựng kế hoạch PVTP.

Để giảm thiểu tối đa các rủi ro gây nhiễm hoặc đầu độc có chủ ý, DN cần có kế hoạch giám sát tỉ mỉ từ trang trại đến bàn ăn để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cho đến nay, mới chỉ có duy nhất Mỹ là quốc gia có Luật Phòng vệ thực phẩm (ban hành năm 2008). Hầu hết các DN sản xuất ở Mỹ đã thực hiện kế hoạch PVTP ở tất cả các khâu từ trang trại đến bàn ăn.

Tại Việt Nam, các DN chưa chú trọng kế hoạch PVTP. Trên thực tế, chỉ một số DN lớn như Vinamilk, Vissan, Thành Thành Công, TH True Milk và một vài trường đại học có cơ hội tiếp cận Luật Phòng vệ thực phẩm của Mỹ thông qua các lớp đào tạo.

>>An toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của Vissan

Theo ông Dương, kế hoạch PVTP được xây dựng dựa trên 5 bước: đánh giá phạm vi PVTP, phân tích lỗ hổng và giải pháp, đánh giá mức độ tổn thương, kế hoạch hành động, kế hoạch đào tạo và văn bản lập quy.

Trong đó, phạm vi PVTP gồm: khu vực an ninh bên ngoài (vành đai nhà máy, vành đai xưởng sản xuất, khu vực xe giao nhận hàng), khu vực an ninh bên trong (cơ sở nhà máy, khu vực chế biến, hệ thống gas, điện, nước...), khu vực nhân sự (hệ thống giám sát, kiểm soát khách, nhân viên; hệ thống lưu trữ thông tin), khu vực hậu cần (nhà cung ứng, kho hàng...).

DN phải phân tích, đánh giá những thiếu sót (lỗ hổng), những điểm cần hoàn thiện để đưa ra những biện pháp và hành động cần thiết để xử lý. Ngay sau khi tìm ra được những "lỗ hổng", DN cần nhanh chóng thực hiện những giải pháp chi tiết về chi phí, nhân sự, thời hạn...

Sau những công đoạn này sẽ là kế hoạch đào tạo cụ thể đồng thời với việc đưa ra những quy định, quy trình thực hiện cũng như kiểm soát công tác PVTP.

Chỉ khi có kế hoạch PVTP bài bản, DN mới có thể bảo vệ chính mình, bảo vệ khách hàng và cộng đồng xã hội.

>>Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phòng vệ thực phẩm - bài toán khó cho DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO