Đẩy mạnh "PR" Việt Nam qua báo chí nước ngoài...

17/01/2010 01:24

30 cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đưa khoảng 200 tin, bài mỗi tuần về Việt Nam ra thế giới.

Đẩy mạnh

30 cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đưa khoảng 200 tin, bài mỗi tuần về Việt Nam ra thế giới.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của Cục Thông tin Đối ngoại, kết quả công tác mà đơn vị này đạt được trong năm qua đã thể hiện sự nỗ lực lớn của một đơn vị mới thành lập.

80% thông tin có từ báo chí nước ngoài

Theo Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Lê Văn Nghiêm, một trong những việc quan trọng mà Cục đã làm được trong năm qua là tiến hành khảo sát nhu cầu thông tin về Việt Nam của người nước ngoài tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy, 80% Việt kiều được điều tra tiếp nhận thông tin về Việt Nam từ các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài, chỉ có 20% là từ các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam. Do đó muốn đưa thông tin về Việt Nam ra thế giới thì phải lấy trọng tâm là báo chí nước ngoài. Do đó về mặt chính sách, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Hiện có khoảng 30 cơ quan báo chí của nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Qua việc điểm báo thường xuyên hàng tuần cho thấy có khoảng 200 tin bài mỗi tuần về Việt Nam, chủ yếu là do đội ngũ PV tại Hà Nội viết. Đánh giá chung là thông tin của họ tương đối khách quan, trung thực, có giá trị. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 1000-1500 PV vào Việt Nam tác nghiệp.

“Với lực lượng này, chúng ta phải quan tâm tạo điều kiện, cung cấp thông tin cho họ bởi những tin bài mà họ viết sẽ có sức thuyết phục và lan tỏa rất cao. Nếu như việc quảng bá của du lịch là quảng cáo trên các đài CNN, BBC, trên taxi ở Luân đôn rất tốn kém nhưng hiệu quả chỉ theo kiểu quảng cáo.

Còn PV các hãng thông tấn vào viết bài thì sẽ có hàng trăm báo đài khác sử dụng khai thác lại và hiệu quả sẽ vô cùng lớn, hơn thế một chương trình truyền hình của PV khi người ta xem sẽ tin hơn là quảng cáo. Thế nhưng thực tế nhiều cán bộ của mình khá dè dặt với PV nước ngoài, nên cung cấp thông tin hạn chế, ngại ngần. Chúng ta cần phải tăng cường việc này”, ông Nghiêm nói.
“Khi chiến lược thông tin đối ngoại được thông qua, phải có quy chế quản lý của Nhà nước, chương trình hành động của Chính phủ giao cho bộ nào làm gì, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay”, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục TTĐN.

Sẽ đẩy mạnh mời các đoàn báo chí nước ngoài

Thừa nhận vẫn chỉ có những đóng góp hạn chế trong công tác thông tin đối ngoại nói chung, Cục trưởng Lê Văn Nghiêm cho biết, vai trò của Cục Thông tin đối ngoại mới dừng lại ở chỗ ai quan tâm thì tạo điều kiện và giúp báo chí nước ngoài thực hiện theo đề tài họ đã định.

Trao đổi với PV Báo Bưu điện VN về công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới, ông Lê Nghiêm cho biết: “Sau này Cục sẽ tiến tới chuẩn bị sẵn một số thông tin để khi PV nước ngoài cần là cung cấp ngay, hoặc họ gặp khó khăn gì thì tác động đến các cơ quan có liên quan để họ tiếp cận thông tin dễ hơn.

Việc cung cấp thông tin cho các báo đài nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm tới nhờ sự hoạt động của trang thông tin điện tử đối ngoại đã được Cục hoàn thành trong năm 2009. Trang web sẽ thu thập thông tin một cách chính thống, chủ động, đoán trước PV nước ngoài cần gì để chuẩn bị sẵn thông tin, chỉ cho họ khi cần khai thác thông tin thì gặp cơ quan nào và tác động đến cơ quan đó để giúp PV nước ngoài tác nghiệp.

Một trong những việc làm sáng tạo và có hiệu quả cao là chủ trương mời các đoàn báo chí nước ngoài vào làm việc của Bộ TT&TT. Trong năm qua, Cục Thông tin đối ngoại đã đón 3 đoàn phóng viên truyền hình của Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Cuba vào tác nghiệp tại VN. Theo đánh giá của ông Nghiêm, nhiều đoàn vào đã làm được rất tốt, bản thân họ hiểu thêm về VN, chương trình truyền hình của họ mang về nước rất có lợi cho nước ta.

Chẳng hạn đoàn PV Nhật Bản chỉ trong vài ngày đã sản xuất được một bộ phim tài liệu về hậu quả chất độc da cam ở VN về phát tại Nhật Bản và chương trình quốc tế của Nhật Bản được rất nhiều người xem.

Đây là chủ trương đã được Chính phủ ủng hộ nên trong năm tới, Cục sẽ tiếp tục mời nhiều đoàn vào, vừa ít tốn kém nhưng hiệu quả tuyên truyền rất cao. “Đó là cách làm rất mới, năm tới Bộ sẽ chủ động mời nhiều đoàn, nhất là những tờ báo, đài truyền hình có uy tín”, ông Nghiêm khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chỉ đạo, bên cạnh việc tiếp tục kiện toàn về tổ chức, quy chế hoạt động và các văn bản quản lý, Cục TTĐT cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài bộ, đặc biệt là các đơn vị như Cục Báo chí, Xuất bản, PTTH-TTĐN.

“Công tác thông tin đối ngoại không thể chỉ tự Cục TTĐN nghĩ ra mà phải gắn kết với các hoạt động nghiệp vụ cụ thể khác, chẳng hạn như kết hợp với triển lãm sách quốc tế mà Cục xuất bản vẫn làm hàng năm, hoặc có sự phối hợp với Bộ VH-TT-DL để giới thiệu thông tin tại các trung tâm văn hóa Việt nam tại các nước”, Thứ trưởng Doãn yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh "PR" Việt Nam qua báo chí nước ngoài...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO