CSR không chỉ là làm từ thiện

MINH HÀO| 08/09/2016 06:55

Khái niệm doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) không còn xa lạ đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên...

CSR không chỉ là làm từ thiện

Khái niệm doanh nghiệp (DN) với trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) không còn xa lạ đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu là một chuyện thực hiện và đưa hoạt động này thành chiến lược phát triển DN còn phải xem xét. 

Đọc E-paper

Lợi thế từ CSR

Nghiên cứu mới đây của Ethical Corporation (Anh) cho thấy, có 90% DN ở châu Á cho rằng CSR ngày càng trở nên quan trọng trong việc kinh doanh của DN. Con số này tại châu Âu là 85%, Bắc Mỹ là 88%.

Điều lý thú là hầu hết người lao động, đặc biệt là những nhân viên thuộc thế hệ 8X có xu hướng thích làm việc ở những công ty có chương trình cộng đồng, có tổ chức nhiều chuyến công tác xã hội hơn.

Báo cáo về cam kết phát triển bền vững của Nielsen toàn cầu công bố vào giữa tháng 10/2015 đưa ra kết quả chi tiết hơn về vấn đề này. Có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sắm các sản phẩm, dịch vụ có cam kết về phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia khác trong khu vực như Philippines (83%), Thái Lan (79%), Indonesia (78%).

Khi nói đến mục đích mua hàng thì cam kết có trách nhiệm với môi trường sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, các cam kết trách nhiệm với các giá trị xã hội khác và cộng đồng nơi khách hàng sinh sống cũng là các yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng Việt (61%).

Năm 2014, có đến 65% doanh số của hàng tiêu dùng trên toàn cầu đến từ các nhãn hàng có chiến lược tiếp thị truyền tải thông điệp về các giá trị xã hội, môi trường.

Hiện nay, CSR đang được xem là "giấy thông hành" cho DN trong hoạt động xuất khẩu. Ở nhiều quốc gia phát triển, khi nhập khẩu hàng hóa thường đưa ra các tiêu chuẩn về "sản xuất sạch", quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng lao động trẻ em...

CSR mang lại lợi thế cho DN nhưng dường như vẫn có sự nhìn nhận chưa đúng về hoạt động này. DN Việt Nam vẫn còn nhầm lẫn giữa làm từ thiện và CSR. Trách nhiệm xã hội của DN thể hiện ở giá trị DN mang tới cho cộng đồng chứ không chỉ là làm từ thiện (trao học bổng, trao nhà tình thương, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai...).

Chia sẻ tại Chương trình Quản trị kinh doanh thời hội nhập do LBC và GIBC tổ chức giữa tháng 8/2016, bà Dana Doan - sáng lập viên và cố vấn chiến lược của Lin Group cho rằng, CSR là hoạt động tự nguyện có tầm nhìn về phát triển bền vững, kết hợp trách nhiệm xã hội và khả năng cạnh tranh.

Chia sẻ với độc giả Doanh Nhân Sài Gòn vào cuối năm 2015, bà Trương Thanh Thanh - Giám đốc CSR của FPT cũng cho rằng, trách nhiệm xã hội của DN là một chuỗi các hoạt động nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và của cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.

Điều này phải hài hòa về kinh tế - xã hội - môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại tới khả năng phát triển kinh tế, xã hội cũng như không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ tương lai. Như vậy, nếu làm tốt các hoạt động CSR, DN đã đảm bảo cho sự phát triển của chính mình và sự phát triển bền vững của xã hội.

Những thành công bước đầu

Cũng theo bà Trương Thanh Thanh, một DN không thể phát triển bền vững nếu cộng đồng sống xung quanh DN ấy kém phát triển. Đây cũng là lý do để FPT xây dựng chiến lược CSR chú trọng vào ba yếu tố: lợi nhuận, cộng đồng và môi trường.

FPT đã thực hiện CSR từ những việc rất nhỏ như chăm lo đời sống văn hóa cho nhân viên Công ty, hỗ trợ việc học hành cho con cái họ, thực hiện các hoạt động thiện nguyện như xây cầu, hiến máu... Khi đã phát triển lớn hơn, FPT lấy giá trị cốt lõi là công nghệ để hỗ trợ xã hội, giáo dục, văn hóa, giao thông...

Nhưng bà Thanh thừa nhận, không phải ngay từ đầu FPT đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của CSR. Sau nhiều năm rút kinh nghiệm từ các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ xã hội, lãnh đạo Công ty mới nghiệm ra "các hoạt động thiện nguyện chỉ mang tính hỗ trợ, cứu trợ khẩn cấp và đây chỉ là một phần của CSR. DN sẽ không phát triển được nếu hoạt động trong một xã hội không phát triển".

Nhờ nhận thức này và sự đầu tư bài bản vào CSR, mà thương hiệu FPT không chỉ được khách hàng trong nước đánh giá cao mà cả khách hàng quốc tế cũng yêu thích. Doanh thu lớn nhất của FPT đến từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và vẫn liên tục tăng trưởng. Trong 7 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực này ghi nhận tăng trưởng đến 34% so với cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (BVL) giờ là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) là một điển hình thành công trong CSR.

Từ nhiều năm trước, Heineken Việt Nam đã đưa ra tầm nhìn chiến lược cho các hoạt động CSR gồm giảm tác động của quá trình sản xuất đối với môi trường thông qua chương trình nhà máy bia "xanh" và DN "xanh", tổ chức các chương trình từ thiện hỗ trợ cộng đồng đồng thời với các hoạt động nhằm giáo dục người tiêu dùng uống có trách nhiệm.

Với chiến lược phát triển bền vững "Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn", từ nhiều năm qua, Heineken Việt Nam đã đầu tư đổi mới thiết bị, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước và điện trong sản xuất. Từ mức sử dụng 6 lít nước/1 lít bia vào những năm đầu thành lập, đến nay đã giảm xuống còn 3 lít nước/1 lít bia.

Công ty cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại cho 4 nhà máy với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng nhằm đảm bảo nước thải ra môi trường luôn đạt chuẩn quy định. Công ty còn tổ chức nhiều chương trình hành động kêu gọi tiết kiệm nước, hỗ trợ các tài năng trẻ trong lĩnh vực môi trường đồng thời với việc bảo trợ các viện dưỡng lão, viện mồ côi, giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt, thiên tai...

>5 cách truyền thông CSR hiệu quả cho doanh nghiệp

>CSR thời hội nhập: Lợi kép

>CSR: Đầu tư hay từ thiện?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CSR không chỉ là làm từ thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO