Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong khó khăn?

Phúc An| 29/02/2012 09:11

Cơ hội cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn phụ thuộc vào các xu hướng tiêu dùng dài hạn, đây là các xu hướng tất yếu sẽ xảy ra, dù nhanh hay chậm: sản phẩm tiện dụng, sản phẩm tốt và an toàn cho sức khỏe, sản phẩm cao cấp.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong khó khăn?

Trao đổi tại tọa đàm “Tầm nhìn doanh nghiệp” - tháng 2/2012 do Báo DNSG phối hợp với Viện Marketing và Quản trị Việt Nam (VMI) tổ chức chiều 25/2, bà Nguyễn Hữu Ngọc Trân - Giám đốc điều hành marketing Công ty Vinamilk khẳng định, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp lo lắng. Tuy nhiên, bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng ẩn chứa cơ hội để phát triển.

Theo số liệu của Nielsen, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam từ tháng 2/2010 đến tháng 2/2011 giảm liên tục từ 107 điểm xuống 97 điểm.

Các diễn giả cùng trao đổi

Cũng theo một báo cáo khác của Nielsen về những thách thức của thị trường Việt Nam năm 2011, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại do những thách thức về kinh tế vi mô và vĩ mô từ cuối năm 2010 tới những tháng đầu năm 2011, các ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng có mức tăng trưởng chậm hơn so với trước đây, dù mức tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng tương đối cao so với khu vực nhưng phần lớn là do lạm phát. Sức mua của người tiêu dùng và khối lượng sản phẩm ngày càng giảm.

Tuy nhiên, tin mừng cho các nhà sản xuất là chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam tăng 3 điểm so với quý trước và là lần đầu tiên tăng điểm trong năm 2011, sau ba quý liên tiếp giảm điểm trước đó, đứng ở mức 99 điểm (quý IV/2011).

Cơ hội cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn phụ thuộc vào các xu hướng tiêu dùng dài hạn, đây là các xu hướng tất yếu sẽ xảy ra, dù nhanh hay chậm: sản phẩm tiện dụng, sản phẩm tốt và an toàn cho sức khỏe, sản phẩm cao cấp.

Các số liệu khảo sát cho thấy, 88% người tiêu dùng (NTD) ngày nay quan tâm nhiều hơn về sức khỏe của bản thân và gia đình, 90% NTD thích mua các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, 95% NTD lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, 90% NTD sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng cao, 55% cho rằng sản phẩm giá cao là sản phẩm chất lượng tốt hơn, 50% NTD sẵn sàng thử sản phẩm mới.

Một kết quả điều tra khác cho thấy, số lượng sản phẩm mới tung ra thị trường (của ngành hàng tiêu dùng nhanh) trong năm 2010 lên đến hơn 5.000 sản phẩm. Đó là những dòng sản phẩm chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng khác nhau.

Như vậy, để phát triển thì doanh nghiệp phải có mục tiêu đúng đế có kế hoạch chi tiêu đúng. Nghiên cứu thị trường (NCTT) là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp xác định chính xác mục tiêu của mình. Mình đang ở vị trí nào trên thị trường, trong ngành hàng, trong lòng khách hàng? Khó khăn kinh tế không tệ bằng bị khách hàng quay lưng. NCTT cũng giúp doanh nghiệp xác định cả yếu tố định lượng và định tính, từ đó định vị sản phẩm tốt hơn và đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu của người tiêu dùng trên tinh thần “đáp ứng nhu cầu để tạo ra lợi nhuận” (Meeting needs profitably” - Philip Kotler).

Tọa đàm "Tầm nhìn doanh nghiệp - tháng 2/2012" thu hút nhiều chuyên viên marketing từ các thương hiệu lớn cùng đến giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm

Từ chỗ xác định được mục tiêu, doanh nghiệp cần tính đến cách sử dụng các nguồn lực hợp lý. Những tiêu chí mà doanh nghiệp cần đánh giá và điều chỉnh bao gồm: rà soát hiệu quả hoạt động chi tiêu, đánh giá lại tốc độ và hướng tăng trưởng của ngành hàng, đánh giá sự ủng hộ của hệ thống phân phối đối, hiệu quả đầu tư truyền thông.

Sau khi đánh giá lại những yếu tố kể trên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để lựa chọn hướng đi cho mình bằng các hoạt động như: tập trung đẩy mạnh các thị trường/ kênh bán hàng tiềm năng, mở rộng ngành hàng vào các phân khúc mới, nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí truyền thông, củng cố và phát triển hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng phục vụ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc nghiên cứu Masso Survey đưa ra một số yếu tố “bên trong” để định vị sản phẩm, đó là dựa trên năng lực tài chính, khả năng quản lý, lợi thế cạnh tranh và vòng đời sản phẩm. Nếu một sản phẩm có vòng đời “trẻ”, sản phẩm đó chỉ cần đáp ứng nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng. Ngược lại, một sản phẩm có vòng đời “già” thì nhu cầu thị trường của sản phẩm đó sẽ bị phân hóa thành nhiều mức độ khác nhau, đồng thời xuất hiện đối thủ cạnh tranh.

Mặt khác, tùy vào phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp xác định các mối quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm. Ví dụ, khách hàng ở phân khúc phổ thông quan tâm đặc biệt đến giá, trong khi khách hàng ở phân khúc cao cấp quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm.

Ông Tuấn Anh cũng khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không có khả năng để tiến hành các hoạt động NCTT chuyên nghiệp thì có thể vận dụng các công cụ trực tuyến để tự mình thực hiện NCTT. Theo ông, các kết quả định tính, nếu chính xác sẽ rất có ích, vì các giá trị vô hình của sản phẩm luôn tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa sản phẩm và khách hàng so với các giá trị chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong khó khăn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO