Bản tin tổng hợp

Phương án tổ chức 15 sở ngành sau khi TP.HCM sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

TH 16/05/2025 06:00

UBND TP.HCM vừa hoàn tất dự thảo phương án tổng thể sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp sở, trong bối cảnh chuẩn bị cho việc sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đề án, các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng sẽ được hợp nhất, tinh gọn để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đáng chú ý, Sở Xây dựng sẽ trở thành đơn vị có quy mô lớn nhất về số lượng phòng ban chuyên môn.

TP.HCM mới sau sáp nhập sẽ có tổng diện tích 6.772 km², dân số ước tính hơn 13,7 triệu người, với 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại trụ sở số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 (TP.HCM), đồng thời duy trì hai cơ sở hành chính tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (TP. Bà Rịa).

Theo dự thảo, sau khi sáp nhập, TP.HCM mới có 15 cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng UBND TP.HCM, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra TP.HCM và Sở An toàn thực phẩm.

TP.HCM phân công lại nhiệm vụ Thường trực UBND

Riêng Sở Ngoại vụ, hiện Sở Ngoại vụ TP.HCM trực thuộc Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương đều trực thuộc UBND của 2 tỉnh. Sau khi sáp nhập 3 Sở Ngoại vụ lại, Sở Ngoại vụ TP.HCM mới sẽ trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Về số lượng phòng ban thuộc sở, sau khi sáp nhập, Văn phòng UBND TP.HCM có 8 phòng ban và 4 đơn vị sự nghiệp gồm: Trung tâm Thông tin điện tử, Trung tâm Hội nghị Hương Sen, Nhà khách UBND và Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính.

Sở Tư pháp dự kiến có 8 phòng chuyên môn và 17 đơn vị sự nghiệp: gồm 3 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng và 12 phòng công chứng.

Sở Nội vụ có 11 phòng chuyên môn, Ban Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Lưu trữ lịch sử; Ban Quản trang; Trung tâm dịch vụ việc làm; Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và Trung tâm Điều dưỡng người có công.

Sở Tài chính có số lượng lớn, với 19 phòng và 2 đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Tư vấn đấu thầu và đầu tư nước ngoài và Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã.

Sở Công thương có 7 phòng, Chi cục Quản lý thị trường, và 3 đơn vị sự nghiệp công lập: Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Sở Dân tộc và Tôn giáo dự kiến có 7 phòng, đơn vị chuyên môn.

Sở Xây dựng có số lượng phòng nhiều nhất với 23 phòng chuyên môn và 12 đơn vị sự nghiệp. Trước đó, TP.HCM hợp nhất Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Sở Xây dựng và từ đầu tháng 5/2025, Sở Giao thông công chánh tiếp tục sáp nhập vào Sở Xây dựng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường có 13 phòng, 7 chi cục và văn phòng, cùng 14 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sở Giáo dục và Đào tạo có 10 phòng chuyên môn và 198 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm các trường trung cấp, phổ thông, năng khiếu, đặc biệt, mầm non, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Sở Khoa học - Công nghệ dự kiến có 10 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp công lập. Sở Văn hóa và Thể thao có 9 phòng và 23 đơn vị sự nghiệp công lập. Sở Du lịch có 5 phòng và 2 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sở Y tế sau sáp nhập dự kiến có 11 phòng, 41 bệnh viện tuyến tỉnh, 19 bệnh viện tuyến huyện, 14 trung tâm bảo trợ xã hội, 6 trung tâm chuyên ngành, tổ chức lại các trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã.

Sở An toàn thực phẩm dự kiến có 5 phòng và 1 đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo sau khi sắp xếp sẽ dựa trên tiêu chuẩn, năng lực cán bộ và thực tiễn tổ chức, có thể lựa chọn từ bên trong hoặc ngoài các cơ quan hợp nhất. Người không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đứng đầu sẽ được bố trí phù hợp hoặc hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Số lượng cấp phó có thể vượt quy định trong giai đoạn đầu nhưng sẽ được điều chỉnh giảm trong vòng 5 năm. Tương tự, cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý sẽ được bố trí lại phù hợp với chuyên môn hoặc giải quyết theo chế độ chính sách hiện hành.

Tổng biên chế sau sáp nhập không vượt quá tổng số hiện tại của ba địa phương và sẽ có kế hoạch giảm biên chế trong thời hạn 5 năm nhằm tinh gọn bộ máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phương án tổ chức 15 sở ngành sau khi TP.HCM sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO