Mùa hè đến, chương trình truyền hình khá "xôm tụ” với nhiều gameshow đang và sắp lên sóng.
Đọc E-paper
Trên các kênh truyền hình đại chúng như VTV3, HTV7, THVL1, VTV9... đang phát sóng loạt gameshow dành cho trẻ em như Cha con hợp sức, Nhóc cưng siêu đẳng, Con đã lớn khôn, Thần tượng tương lai, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Con biết tuốt, Tạp dề tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Thử tài siêu nhí, Biệt tài tí hon, Sinh ra để tỏa sáng... Ngoài ra, các gameshow như Gương mặt thân quen nhí, Thần đồng âm nhạc Việt... đang tuyển sinh, chuẩn bị ghi hình.
Giống gameshow dành cho người lớn, "sân chơi" cho trẻ em cũng tập trung vào lĩnh vực thi tài năng như ca hát, nhảy múa, và các biệt tài lạ hơn như diễn thuyết, diễn xuất, dẫn chương trình, tấu hài, nấu ăn, thậm chí làm huấn luyện viên cho người lớn.
Không phủ nhận những "sân chơi" này vừa đem lại cho các em (bao gồm cả khán giả nhí) những phút giây giải trí, vừa giúp các em (thí sinh) khám phá được khả năng của bản thân. Trên thực tế, có nhiều em được gia đình quan tâm phát triển tài năng bằng việc cho theo học các lớp bồi dưỡng năng khiếu từ nhỏ, nhưng cũng có những em có năng khiếu bẩm sinh mà không có điều kiện qua trường lớp đào tạo.
Những "sân chơi" như Giọng hát Việt nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Siêu đầu bếp nhí, Biệt tài tí hon... là cơ hội để các em bộc lộ khả năng và học hỏi được ít nhiều qua các chương trình huấn luyện của cuộc thi. Đã có nhiều em bước ra từ các cuộc thi trên truyền hình trở thành ngôi sao nhí được khán giả yêu thích và có điều kiện phát triển năng khiếu nghệ thuật.
>>Khách hàng nhí - mục tiêu mới của truyền hình trực tuyến
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, gameshow thi tài năng nhí cũng có những tiêu cực không đáng có đối với trẻ em. Trong một bài phỏng vấn gần đây, cha của bé Minh Khang - thí sinh nhí có biệt danh "thánh nói", "giáo sư biết tuốt" trong gameshow Biệt tài tí hon - cho biết, con mình mất nhiều hơn được sau cuộc tranh tài này, từ thời gian ghi hình trễ, những lần bị khuyến khích nói nhiều trên sân khấu cho tới lúc nhận giải ba đầy sự phân biệt đối xử.
Thực ra đây không phải lần đầu phụ huynh của các em lên tiếng về mặt trái của việc tham gia gameshow. "Tôi cho rằng việc tham gia các gameshow truyền hình, các cuộc thi tài năng hay chương trình truyền hình thực tế mang tính chất thương mại, giải trí, bằng cách này hay cách khác đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về tinh thần và thể chất", chị Khánh Tiên làm việc ở Tổ chức Save The Children tại Việt Nam từng chia sẻ như thế.
Về phía khán giả nhí, khi xem gameshow cũng sẽ nhận được những thông điệp về nghệ thuật, về tài năng của tuổi nhỏ. Nhưng nếu không cẩn thận, gameshow có thể khiến các em có suy nghĩ lệch lạc về thị hiếu đám đông và cảm thụ nghệ thuật đúng nghĩa. Bởi công chúng không ít lần phải nghe các mỹ từ như "con chắc chắn là ngôi sao sáng trong tương lai", "diva nhí", "thần đồng" từ các giám khảo của gameshow Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí...
Chưa kể, dù là gameshow trẻ em nhưng do bắt buộc về định dạng, các thí sinh có khi chỉ 6 - 8 tuổi đã phải trang điểm, ăn mặc và nhảy, múa, ca hát như người lớn.
>>Hàn Quốc: Thị trường bán lẻ khởi sắc nhờ khách hàng nhí
Lý giải về việc có quá nhiều gameshow thi thố tài năng, một nhà sản xuất cho biết vì dạng gameshow này dễ làm, thu hút được khán giả, nhà tài trợ, quảng cáo và được phát sóng giờ "vàng". Hiện nay, nhiều phụ huynh muốn con đi theo con đường nghệ thuật nên rất chịu khó đầu tư và cho các em tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.
Những gameshow quay hình, tuyển sinh vào dịp hè luôn đông đúc phụ huynh đưa con đến tham gia. Trong khi đó, các gameshow về kiến thức hay vận động vừa khó làm, đầu tư tốn kém, lại phải phát sóng vào khung giờ ít người xem nên không nhiều nhà sản xuất mặn mà. Nhà sản xuất của Con biết tuốt - một gameshow đáp ứng các tiêu chí như giải trí, học tập, gắn kết gia đình... với các đội chơi là gia đình gồm vợ chồng và hai con - cho biết luôn gặp khó khăn trong việc tìm người chơi đáp ứng đủ tiêu chí, và không nhiều gia đình tự tin đăng ký chơi.
Ngược lại, nhà sản xuất này lại rất "đau đầu" trong việc lựa chọn thí sinh tham gia gameshow Gương mặt thân quen nhí, bởi có quá nhiều thí sinh muốn chơi, thậm chí đã có những phụ huynh cấp tốc chuyển nhà và chuyển trường cho con từ tỉnh xa về TP.HCM để con được chơi gameshow này.
Nói chung, khi trẻ em được nghỉ hè, nỗi lo của rất nhiều gia đình là làm sao để chúng được hưởng thụ những ngày nghỉ thú vị và có ích. Do quá bận rộn và thiếu thời gian nên không ít gia đình đành chọn truyền hình là phương tiện giải trí chủ yếu cho trẻ.
Thiết nghĩ, phụ huynh nên định hướng cho con trong việc lựa chọn và thưởng thức gameshow phù hợp. Bên cạnh đó khuyến khích chúng chọn các hình thức giải trí khác như xem phim, đọc sách, chơi thể thao...