Đằng sau Bamboo Airways là "đại gia" nào?

Lữ Ý Nhi| 24/04/2020 07:30

45 năm sau ngày đất nước thống nhất, một thế hệ doanh nhân mới với những khát vọng về một nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng, hùng mạnh đang được các doanh nhân sinh năm 1975 khao khát vươn đến. Đã có không ít thương hiệu Việt được khẳng định từ chính các doanh nhân thế hệ 1975 và ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Bamboo Airways là một điển hình.

Đằng sau Bamboo Airways là

Khát vọng phát triển "kép"

Sinh ngày 27/11/1975, ông Trịnh Văn Quyết là một trong những gương mặt doanh nhân gây nhiều sự chú ý trong những năm gần đây khi Hãng hàng không Bamboo Airways đi vào hoạt động.

Ngay khi trên bầu trời xuất hiện hãng hàng không mới, trong thời điểm ngành hàng không Việt Nam đang rất “chật chội” nhiều hãng bay quốc tế đang chen chân giành thị phần, trước đó cũng có một vài hãng hàng không trong nước đã tham vọng “chinh phục bầu trời”, bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để cuối cùng âm thầm rút lui khỏi cuộc chơi, nên việc Bamboo Airways ra đời đã tạo sự chú ý và gây tò mò cho không ít người. Nhiều câu hỏi đặt ra: "Đằng sau Bamboo Airways là đại gia nào?".

Nếu nói về các dấu mốc nổi bật trong chặng đường khởi nghiệp từ rất sớm của ông Quyết, không thể không nhắc đến Công ty CP Tư vấn Quản lý và Giám sát Đầu tư (SMiC) thành lập năm 2001. Sau gần một thập kỷ, SMiC đã nằm trong top 10 hãng luật hàng đầu Việt Nam và cũng là hãng luật duy nhất được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ở thời điểm đó. 

Đến năm 2010, sự sáp nhập của các công ty thành viên đã cho ra đời Công ty CP Tập đoàn FLC, đánh dấu bước phát triển về chất của doanh nghiệp, đồng thời đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Năm 2011, FLC chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và đến tháng 8/2013, chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Sự kiện này là một bước tạo đà để FLC tăng tốc phát triển.

Thị trường chứng khoán đã giúp FLC huy động được nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng, với trên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2014, làm cơ sở để Tập đoàn mở rộng đầu tư bất động sản, phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều địa phương tiềm năng.

Những bước tiến này đã đưa FLC trở thành doanh nghiệp top đầu trên thị trường bất động sản và người sáng lập FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng trở thành một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với giấc mơ "bay" được nhen nhóm từ rất sớm, đầu năm 2019, Hãng hàng không Bamboo Airways do ông Quyết sáng lập đã chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM đi Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, Hãng vận hành 30 tàu bay, trong đó 4 tàu bay thân rộng Boeing 787-9.

Nắm nhiều dự án nghỉ dưỡng trong tay, cùng nhận định tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030, hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030, mục đích tham gia vào lĩnh vực hàng không của ông Quyết cũng không ngoài mong muốn phát triển "kép" cả hai lĩnh vực hàng không và du lịch nghỉ dưỡng. 

Hãng hàng không 5 sao: Chỉ là tham vọng?

Với kỳ vọng 5 năm tới, Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không 5 sao và quốc tế sẽ biết tới Bamboo Airways với tư cách một hãng hàng không 5 sao của Việt Nam, nhiều người cho rằng đó chỉ là... tham vọng. Bởi lĩnh vực hàng không là một lĩnh vực vô cùng thách thức và rủi ro, nhưng ông Quyết tự tin Bamboo Airways sẽ làm được. Chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng, Hãng đã đưa số hành khách đạt con số một triệu lượt. Tỷ lệ an toàn tuyệt đối, tỷ lệ đúng giờ 93,8%, cao nhất toàn ngành hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019. Đó là nhờ có sự chuẩn bị nhiều năm và kỹ càng các khâu mới làm được.

Cũng theo ghi nhận của VietnamFinance, sau 6 tháng hoạt động trên thị trường tháng không, Bamboo Airways đã giành được 7% thị phần nội địa và đã tạo được nhiều thiện cảm nhất định đối với khách hàng thông qua các dịch vụ mà Hãng mang lại. Cụ thể là Hybrid - một mô hình khá mới mẻ, kết hợp giữa hàng không truyền thống (đầy đủ dịch vụ) và hàng không chi phí thấp (dịch vụ có cắt giảm), Bamboo Airways đang đến gần mục tiêu chiếm thị phần nằm giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air. Cụ thể, tổng khách vận chuyển đạt 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, với thị phần như sau: Vietjet Air chiếm 41,34%, Vietnam Airlines chiếm 35,08%, Jetstar Pacific chiếm 14,8%, Bamboo Airways chiếm 7,06% và VASCO là 1,7%.

halongbay-9348-1577408936-4805-158772279

Đối chiếu trên bảng thị phần bay nội địa, tính từ tháng 1/2019, Bamboo Airways chỉ chiếm 1,1% thị phần hàng không nội địa, nhưng đến tháng 6/2019, Hãng đã giành tới 7,06% thị phần (tăng tới 6%), đạt khoảng 915.000 lượt khách. Đây được cho là kết quả khá kỳ tích của hãng hàng không non trẻ này. Cùng đó, hãng này cũng ghi nhận mức lãi 1.650 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, vượt chỉ tiêu kế hoạch 30%, tổng doanh thu 51.662 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2019, con số thị phần của các hãng tiếp tục có nhiều xáo trộn. Vietjet Air nắm 42,2% thị phần tải cung ứng, Vietnam Airlines chiếm 33,3%, Jetstar Pacific và VASCO đều lùi một bậc trên bảng xếp hạng thị phần tải cung ứng, với lần lượt 10,6% và 1,9%, nhường chỗ cho Bamboo Airways vị trí thứ ba với hơn 12,3% thị phần.

Sự tự tin của ông Quyết vào khát vọng "mở cửa bầu trời" còn thể hiện qua nhiều chiến lược phát triển bền vững như việc thành lập Trung tâm đào tạo hàng không đạt chuẩn quốc tế, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways được xây dựng đồng bộ, hiện đại theo định hướng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong đó, chiến lược quản trị là quan trọng và ông Quyết đã chọn cách quản trị hướng toàn đội ngũ theo chuẩn mực. Chuẩn mực trong từng lời nói, từng hành động.

Chia sẻ trên một trang báo điện tử, ông Quyết nói: "Đã không làm hàng không thì thôi. Làm rồi phải làm lớn luôn. Bay là phải rộn ràng, phải hoành tráng. Chứ nếu nhom nhem, chết ngay".

Tuyên bố là vậy nhưng khi bước vào kinh doanh hàng không, cũng có lúc căng thẳng. Chỉ riêng chi phí xăng dầu đã chiếm 40%, tính toán, quản lý và nghiên cứu không kỹ, "chết như chơi". Song điều quan trọng nhất khiến "vị tỷ phú" trẻ này luôn tự tin với con đường mình chọn, đó là "bệ đỡ" tiềm lực tài chính của Bamboo Airways dựa trên sức mạnh của FLC, cả về quản trị. 

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều ngành bị khó khăn, nguy cơ phá sản thì hàng không được xem là càng khó khăn hơn nữa và Bamboo Airways nằm trong tâm điểm chú ý của dư luận, bởi đây là hãng hàng không non trẻ, chưa đủ cứng cáp đã gặp sóng gió. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số tài khoản mạng xã hội Facebook đã chia sẻ, phát tán nhiều thông tin về hãng hàng không Bamboo Airways, trong đó có nội dung "Bamboo Airways đã bán 49% cổ phần cho Trung Quốc".

Tuy nhiên, trong thông cáo mới phát hành, Bamboo Airways đã khẳng định thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn giả mạo. "Danh sách cổ đông của Bamboo Airways hiện không có bất cứ nhà đầu tư nào có quốc tịch Trung Quốc hay bất cứ cổ đông nào là tổ chức có vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Trung Quốc", thông cáo của hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC nêu rõ.

Bamboo Airways cho biết, việc một số tài khoản Facebook phát tán tin giả mạo từ trang web nói trên đã và đang gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh cũng như thương hiệu của hãng.

Đến thời điểm tháng 4/2020, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC tại Bamboo Airways là 51,11%, tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết là 37,85%, còn lại là sở hữu thuộc các cán bộ nhân viên Bamboo Airways và cổ đông nhỏ lẻ trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đằng sau Bamboo Airways là "đại gia" nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO