Những con số của hy vọng
Trung bình mỗi năm có khoảng 35-40 phim Việt ra rạp. Con số này có sự tăng trưởng dần đều qua từng năm. Cụ thể, theo số lượng thống kê từ trang phim Moveek, số lượng phim Việt tăng từ 12 phim (2011) lên 21 phim (2012, 2013), 24 phim (2014), 40 phim (2015), 42 phim (2016), 36 phim (2017), 41 phim (2018). Trong năm 2019, số phim Việt ra rạp dự kiến là 68.
Khi số lượng tăng lên đồng nghĩa thời điểm phát hành cũng cần sự đa dạng hơn thay vì tập trung chiếu tết như năm trước. Điểm rơi phổ phát hiện nay của các nhà làm phim Việt là các ngày lễ trọng điểm, chẳng hạn như Ngày lễ tình yêu 14/2, ngày 8/3, 30/4… hoặc những tháng hè (tháng 4-7) và mùa thu (tháng 8-10). Lượng phim Việt ra rạp hè 2019, tính đến hết tháng 7 theo lịch công chiếu là 8 phim. Tháng 4 có Lật mặt: Nhà có khách. Tháng 5 chứng kiến cuộc đổ bộ của 4 phim: Người vợ ba, Ước hẹn mùa thu, Tháng 5 để dành, Cà chớn anh đừng đi và Vô gian đạo, rải đều khắp các tuần. Tháng 6 là cuộc hẹn của hai phim Thiên Linh Cái và Thật tuyệt vời khi ở bên em. Con số này so với năm 2018 và 2017 đều ít hơn hai phim. Tuy nhiên, lịch chiếu của tháng 7 hiện tại vẫn còn trống, khả năng bổ sung nhiều dự án là hoàn toàn có thể.
Về mặt doanh thu phòng vé phim Việt mùa hè 2017, có 2/10 phim thắng lớn là Em chưa 18 (171 tỷ đồng) và Tháng năm rực rỡ (84 tỷ), hai phim hòa vốn là Xóm trọ 3D và Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, một phim nghệ thuật - Đảo của dân ngụ cư. Những phim còn lại như: Cha cõng con, Đời cho ta bao lần đôi mươi, S.O.S Sói trắng... thất thu. Năm 2018 Lật mặt: Ba chàng khuyết (85 tỷ) thắng phòng vé, 100 ngày bên em huề vốn. Đây được xem là cú hích đáng khích lệ khi cả hai phim đều đối đầu với bom tấn Avengers: Infinity War của nước ngoài. Tuy nhiên, tổng doanh thu phim Việt chiếu hè hiện chỉ mới dừng lại ở mức 500-600 tỷ đồng, so với riêng một phim Avengers: Endgame là 1.000 tỷ đồng sau 7 ngày công chiếu thì quả thật chẳng khác muối bỏ biển.
Bên cạnh dòng phim giải trí, các phim độc lập hoặc phim mang hơi hướng nghệ thuật cũng bắt đầu nhận được sự hỗ trợ từ các rạp chiếu, dù chưa nhiều như vẫn góp phần tạo nên sự đa dạng về mặt thể loại cho điện ảnh Việt. Có thể kể đến các dự án nổi bật như: Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh), Nhắm mắt thấy mùa hè (Cao Thúy Nhi), Song Lang (Leon Lê) hay gần đây nhất là Vợ Ba (Nguyễn Phương Anh).
Cần thêm nhiều… “gió”
Mặc dù tăng về số lượng và khả năng thắng doanh thu phòng vé, nhiều nhà phát hành khẳng định, phim Việt hiện tại vẫn chưa đủ sức để tạo thành mùa phim hè riêng biệt. “Nhìn tổng thể bức tranh phim Việt trong cả năm thì dễ dàng đánh giá hơn. Hiện tại số lượng phim Việt chiếu rạp vẫn còn rất ít và vì tập trung vào những ngày lễ nên vào các tháng 5, 6, 7 ít phim ra rạp. Một phần cũng là vì, đây là những tháng có bom tấn Hollywood nên các nhà làm phim Việt thường... né. Theo góc nhìn của tôi, phim Việt trong 3 tháng sắp tới không mạnh bằng quý I” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CJ-CGV cho biết.
“Những phim Việt ra rạp tại thời điểm này không phải là các dự án bom tấn được chờ đợi, thu hút sự chú ý hoặc đã được lên lịch trước đó. Đây đa phần đều là những bộ phim được thực hiện trước đó một thời gian khá lâu, đến thời điểm hiện tại, nhà sản xuất mới tìm được thời điểm thích hợp để ra rạp. Chất lượng của những bộ phim này cũng là điều đáng để nói” - anh Trần Xuân Phúc, phụ trách truyền thông nhiều dự án điện ảnh Việt chia sẻ.
Một mùa phim hè đúng nghĩa cần sự đa dạng trong thể loại, từ phim hành động, phiêu lưu cho đến phim dành cho tuổi teen, thiếu nhi… Tức là có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng để giải trí - điều mà điện ảnh Việt vẫn còn đang rất loay hoay. Thực tế cho thấy, các phim lớn của Việt Nam trong năm 2019 đã tập trung ở tháng 2, tháng 3 như Hai Phượng (Lê Văn Kiệt đạo diễn), Vu quy đại náo (Lê Thiện Viễn) hoặc chiếu vào dịp mùa thu, cuối năm như Mắt biếc (Victor Vũ), Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh). Trong năm 2019, điện ảnh Việt có nguy cơ rơi vào trạng thái một màu trước sự thống lĩnh của dòng phim thanh xuân sau thời gian đứt đoạn với hàng loạt dự án vào nửa cuối năm 2019 như: 90 ngày hạ, Yêu anh nhé chàng trai, Người lạ ơi - yêu mất rồi, Oppa phiền quá nha, Tháng ngày thanh xuân ấy, Mỹ nhân thần sách…
Theo ông Hải, phim Việt muốn khẳng định vị trí ở mùa phim hè, cần hội tụ hai yếu tố. Thứ nhất, nhà sản xuất cần gia tăng hơn nữa về số lượng. Khi số lượng tăng, nhà sản xuất không thể chỉ tập trung vào dịp lễ, phải dời lịch qua những ngày chiếu khác, kéo theo sự dịch chuyển của lịch chiếu. Để có thể cạnh tranh với phim nước ngoài, chất lượng là điều không thể bỏ qua. Có như vậy mới hy vọng phát triển được.
“Thực tế cho thấy thị phần phim Việt hiện nay quá thấp, chỉ ở mức 23%, trong khi mục tiêu của chúng tôi là 50%” - ông Hải khẳng định. Để có được sự dịch chuyển này, cần nhiều yếu tố đồng bộ khác như: biên kịch, sản xuất, quảng bá, truyền thông cũng như sự hỗ trợ từ các hệ thống rạp chiếu. Ông Hải cho biết thêm: “Chúng tôi luôn hỗ trợ phim Việt. Còn hỗ trợ như thế nào thì tùy vào chất lượng phim. Chính khán giả mới là người quyết định cuối cùng”.