Vừa ra mắt cuối tuần rồi, Cô hầu gái - bộ phim Việt Nam đầu tiên được chiếu với cả định dạng 4DX, được kỳ vọng sẽ giúp dòng phim kinh dị nội địa hồi sinh.
Đọc E-paper
Phim kinh dị vẫn luôn thu hút được một lượng lớn khán giả tại thị trường Việt Nam. Bằng chứng là gần đây phim kinh dị Hàn Quốc Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) được công chiếu từ ngày 12/8, dù cùng thời điểm có khá nhiều phim "bom tấn", vẫn thu về hơn 30 tỷ đồng sau 10 ngày có mặt ở các rạp.
Phim nội lép vế
Trong khi đó, các phim kinh dị Việt Nam ra rạp từ đầu năm 2016 đến nay như Ám ảnh, Bệnh viện ma, Ma nữ báo thù, Mặt nạ máu, Phim trường ma... đều thất bại. Bởi chúng tuy có khiến khán giả "sợ", song không có gì đột phá về thủ pháp "nhát ma" và nội dung phim, cách kể chuyện lại khiến người xem thất vọng.
Chẳng hạn, Bệnh viện ma kể chuyện một bác sĩ trẻ (Trấn Thành đóng) xin việc ở một bệnh viện có ma, sau đó "tung hoành" với hàng loạt tình huống hài hước. Mặt nạ máu thì "hù không tới, hài không xong" khi tình tiết phim rời rạc và có nhiều "sạn", cho dù có danh hài Hoài Linh tham gia. Phim trường ma vẫn sử dụng chiêu thức "hù” quen thuộc như bóng cô gái tóc xõa treo cổ hay ma nữ, và những phân đoạn hài hước lại trở thành điểm nhấn...
Dù có được nhà phát hành và các chiến dịch quảng bá khá tốt, những bộ phim này vẫn không tạo được chút ấn tượng nào.
Giữa bối cảnh này, sự xuất hiện của Cô hầu gái cùng đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn lần đầu làm phim ở quê nhà đã gây được sự chú ý. Trước Derek Nguyễn, những đạo diễn Việt kiều như Victor Vũ, Hàm Trần, Nguyễn Võ Nghiêm Minh đều ít nhiều thành công với dòng phim kinh dị.
Cô hầu gái là phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên có bối cảnh tại một đồn điền cao su thời Pháp thuộc (khoảng năm 1953), kể về một cô gái nghèo, mồ côi đến tìm việc trong một ngôi biệt thự lộng lẫy nhưng u ám bởi những lời đồn thổi về các hồn ma.
Đây còn là phim Việt Nam đầu tiên được chiếu với cả định dạng 4DX nên những hiệu ứng công nghệ sẽ làm tăng hiệu quả cho các màn "hù” khán giả, họ sẽ nổi da gà mỗi khi hồn ma của phu nhân Camille ghé thăm, khi những hơi gió lạnh phả lên từ mặt hồ nơi phu nhân ôm con tự vẫn, và khi cô hầu gái hốt hoảng bỏ chạy để tự cứu mình...
Điều đáng nói là cách kể chuyện của Cô hầu gái gãy gọn, các chi tiết được sắp đặt liền mạch, có nút thắt, nút mở rõ ràng, đủ sức dẫn dắt khán giả đi đến cuối câu chuyện.
Với thông điệp khá rõ về luật nhân quả, Cô hầu gái cũng "dũng cảm" xen một chút yếu tố tâm linh vào cuối phim. Và không chỉ "hù dọa" người xem, Cô hầu gái còn lồng vào câu chuyện tình lãng mạn.
Phim có thành công về doanh thu hay không là điều khó đoán, nhưng với những gì thể hiện được cùng với sự hài lòng thấy rõ của truyền thông và giới chuyên môn, Cô hầu gái đáng được xem là bộ phim có thể cứu vớt dòng phim kinh dị Việt Nam ở thời hiện tại.
Dòng phim an toàn
Năm 2007, Mười (sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc) đã mở màn cho dòng phim kinh dị Việt Nam. Sau đó xuất hiện tiếp một số bộ phim kinh dị như Khi yêu đừng quay đầu lại, Lời nguyền huyết ngải, Giữa hai thế giới, Ngôi nhà trong hẻm, Giao lộ định mệnh, Biết chết liền, Bóng ma học đường, Cột mốc 23, Scandal - Bí mật thảm đỏ...
Thời điểm năm 2013 và 2014, một số phim kinh dị nước ngoài có kinh phí thấp như Tình người duyên ma, The Conjuring, Insidious: Chapter 2 rất "ăn khách", đã thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tích cực đầu tư cho thể loại này.
Đầu năm 2014, Quả tim máu (đạo diễn Victor Vũ) sau 3 ngày ra rạp đã thu được 24 tỷ đồng (tổng doanh thu là 85 tỷ đồng) cũng "kích thích" số lượng phim kinh dị Việt Nam tăng lên trông thấy. Có thể kể đến Đoạt hồn, Scandal - Hào quang trở lại, Mất xác, Bẫy cấp ba, Chung cư ma, Thám tử Hênry, Ngủ với hồn ma, Oan hồn, Ma dai, Hợp đồng bắt ma, Con ma nhà họ Vương...
Tuy nhiên, số phim có chất lượng khá tốt như Ngôi nhà trong hẻm, Quả tim máu, Đoạt hồn lại không nhiều. Để qua được cửa kiểm duyệt, các phim kinh dị buộc phải không tuyên truyền việc mê tín dị đoan và khẳng định ma quỷ không có thật, tất cả chỉ là ảo giác do con người tạo ra.
Vì những hạn chế này, hầu hết các phim chọn hướng pha lẫn nhiều thể loại, giảm nhẹ độ kinh dị hoặc sử dụng các thủ pháp khác nhau. Bằng chứng là Con ma nhà họ Vương, Chung cư ma, Bẫy cấp ba... đã dùng đến "sốc", "sex", "sến" nhưng vẫn không để lại dấu ấn tốt đẹp nào, thậm chí có phim còn bị cấm chiếu.
Thực tế, với một thị trường như Việt Nam - nơi ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu phát triển, những rủi ro mà nhà sản xuất phim gặp phải thường không ít, nên đầu tư làm phim kinh dị có kinh phí thấp so với phim hành động là hướng đi khá an toàn. Thể loại phim này hấp dẫn người xem nhờ hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và tài năng diễn xuất của diễn viên mà không cần đại cảnh phải hoành tráng gây tốn kém.
Chi phí không cao, nếu phim có chất lượng khá tốt như Quả tim máu, Đoạt hồn thì hiệu quả về doanh thu không hề thấp. Hệ thống rạp ở Việt Nam ngày càng hiện đại nên sẽ khai thác và tận dụng được những lợi thế kỹ thuật phục vụ cho những hiệu ứng "đặc trưng" của thể loại kinh dị, tạo cảm hứng cho khán giả.
Từ đầu năm 2016, phân loại độ tuổi khán giả xem phim đã có quy định rõ ràng, sự kiểm duyệt của Hội đồng Phim Quốc gia cũng bớt khắt khe hơn. Chắc chắn, nhìn thấy rõ hiệu quả cũng như tiềm năng của dòng phim kinh dị hiện nay, trong bối cảnh phim hành động, phim hài đang "thừa mứa", sau Cô hầu gái, phim kinh dị sẽ liên tục được sản xuất, chẳng hạn như Hình nhân, Vong ám sẽ ra mắt khán giả vào những tháng cuối năm 2016.
>Cái chết sớm của dòng phim tiểu sử
>Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?
>Đầu tư điện ảnh nhìn từ góc độ phổ biến phim Việt