Khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) trong nhiều năm qua được coi là “trái tim” thu hút đầu tư của TP.HCM. Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư, đặc việt là dòng vốn FDI ngày càng giảm.
Việc bãi bỏ cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất sạch... trong KCN - KCX đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào khu vực này.
Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 13 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) đi vào hoạt động, 2 KCN đang triển khai hạ tầng, 1 KCN đang làm quy hoạch và 7 KCN dự kiến thành lập. Tại các KCX-KCN hiện có 1.203 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.283 triệu USD. Trong đó, có 721 dự án có vốn đầu tư trong nước (vốn đầu tư đăng ký 2.340,69 triệu USD) và 482 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư đăng ký 2.942,62 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến nay đạt 22,5 tỷ USD...
Cạnh tranh từ... láng giềng
Một thực tế đáng đang diễn ra ở các KCX-KCN TP.HCM là quy mô đầu tư của các dự án FDI dường như đang nhỏ dần. Trong 2 năm trở lại đây, ít thấy sự xuất hiện của những dự án lớn. Trong 12 dự án được cấp mới từ đầu năm đến nay, với tổng vốn đăng ký 48,74 triệu USD, chỉ có 4 dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên.
Trái với dòng vốn FDI, suất đầu tư trên mỗi dự án của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng. Nếu lấy 26 dự án được cấp mới từ đầu năm đến nay chia cho số vốn 170,71 triệu USD thu hút được, thì quy mô mỗi dự án của doanh nghiệp trong nước xấp xỉ 6,5 triệu USD là rất khả quan. Con số này phản ánh sự nhanh nhạy của các nhà đầu tư trong nước sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Xu thế này, theo Ban Quản lý các KCX-CN TP (Hepza) sẽ tiếp tục được duy trì và khởi sắc trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, lợi thế trong thu hút đầu tư vào các KCX-KCN TP.HCM, nhất là lĩnh vực FDI đang bị cạnh tranh khốc liệt từ chính các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (diện tích đất cho thuê tại các địa phương này còn nhiều, trong khi diện tích đất cho thuê tại 13 KCX-KCN ở TP.HCM chỉ còn không quá 30%). Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ có 22 KCX-KCN và thời gian qua, TP cũng đã triển khai 7 KCN mới, nhưng tiến độ chưa đạt như mong muốn.
Nguyên nhân nữa dẫn đến sự cầm chừng của dòng vốn FDI là do trong những năm gần đây, các dự án thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường, trình độ công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng không còn được khuyến khích. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư mới và mở rộng khi vào các KCX-KCN TP.HCM đã không còn như trước đây. Trong khi đó, các nhà đầu tư nội địa đã nắm được cơ hội trong khủng hoảng để khởi nghiệp, cũng như nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ cao với giá rẻ, nên đã có sự bứt phá trong mở rộng sản xuất - kinh doanh .
Cần cơ chế phát triển bền vững
Muốn phát triển KCN, KCX thành công, thì ngoài việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, cần phải quan tâm phát triển bền vững các KCN, KCX, ở cả vấn đề bảo vệ môi trường, nhà ở, môi trường sống cho người lao động... Theo quy định, tất cả các KCN, KCX khi đi vào hoạt động phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng thực tế, con số này chỉ trên 50%.
Trong 12 dự án FDI được cấp mới từ đầu năm đến nay, với tổng vốn đăng ký 48,74 triệu USD, chỉ có 4 dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên. Trong khi đó, suất đầu tư trên mỗi dự án của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng với 26 dự án chia cho số vốn 170,71 triệu USD. |
Trong gần 20 năm qua kể từ khi KCN đầu tiên được thành lập, để các KCN - KCX phát huy tốt vai trò “trái tim” thu hút đầu tư, một số chính sách của Nhà nước cũng có tác động nhất định đến việc thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT. Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi về thuế đối với các đối tượng này như trước đây đã áp dụng (theo Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007) - ông Vũ Văn Hòa - Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM chia sẻ. Theo ông Hòa, nhà nước cũng cần xem xét đưa KCN vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và các dự án đầu tư mở rộng trong KCN được hưởng ưu đãi đầu tư.
Lý giải kiến nghị trên, ông Hòa cho biết, kể từ ngày Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành (1/1/2009), thì quy định ưu đãi vào KCN theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP không còn hiệu lực. Do vậy, các dự án đầu tư mới trong KCN và các dự án đầu tư mở rộng trong KCN không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KCX - KCN.
Ngoài ra, trong khi Nghị định 24/2007/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn, thì Nghị định 124/2008/NĐ-CP không đề cập ưu đãi đối với các doanh nghiệp mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn và Thông tư 130/2008/TT-BTC đã bãi bỏ các ưu đãi trên từ năm 2009. Điều này không khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn.
Qua giám sát tình hình triển khai dự án đầu tư qua các năm cho thấy, tại các KCX - KCN TP.HCM, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đầu tư đăng ký bình quân đạt 88,5%; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,92%/năm. Các doanh nghiệp KCX - KCN đã đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp có doanh thu tăng, hoạt động sản xuất được mở rộng, nhưng lỗ liên tục, thậm chí lỗ vượt vốn trong nhiều năm, mà chưa có hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để kiểm tra, giám sát và xử lý.