Được thành lập dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, “Gout français” là chứng nhận cho một tập hợp gồm 34 công ty nhập khẩu rượu vang và thực phẩm Pháp, công ty chế biến và sản xuất thực phẩm, cũng như các nhà hàng Pháp đang hoạt động ở phía Nam, ông Jean-Luc Cabirol, Chủ tịch ủy ban chứng nhận “Goût Français”, cho biết.
Tiêu chí chung dành cho các đơn vị được chọn bao gồm: có bán các sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Pháp, công ty có chủ sở hữu người Pháp hoặc có dàn lãnh đạo Pháp hay làm ra sản phẩm theo phong cách Pháp, nhà hàng có quy trình chế biến món ăn theo kiểu của Pháp hay bếp trưởng người Pháp/được đào tạo ở Pháp và bán rượu nhập khẩu hợp quy từ Pháp.
Ông Jean-Luc Cabirol, Chủ tịch ủy ban chứng nhận “Goût Français” (thứ 2 từ trái sang), ông Tổng lãnh sự Pháp ở TP.HCM Vincent Floreani (thứ 3 từ trái sang) tham dự nghi thức cắt bánh Ba Vua dành cho buổi tiệc Pháp đầu năm mới. Bánh Ba Vua là loại bánh nướng truyền thống của Pháp, có để sẵn tượng nhỏ bằng sứ trong các phần cắt, ai ăn trúng phần có tượng sẽ được suy tôn làm "vua" trong một ngày của lễ hội đầu năm. |
Ngoài ra, các đơn vị này, phải có thời gian hoạt động tối thiểu từ 6 tháng trở lên, phải đạt tất cả các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định Việt Nam, thường xuyên chịu sự thanh kiểm tra từ ủy ban. Thêm vào đó, họ cũng phải ký một hiến chương cam kết tuân thủ các quy định hết sức nghiêm ngặt đối với đơn vị sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Ông Cabirol cũng cho hay rằng quy mô số lượng của các đơn vị này dự kiến sẽ đạt mức 60-80 vào cuối năm nay, do một số đơn vị đã nộp đơn nhưng vì thời gian hoạt động chưa đủ lâu nên chưa được cấp phép. Tính hết 2020, chỉ có một vài đơn vị không được chứng nhận do chưa thỏa mãn đầy đủ các điều kiện.
Bánh Crepe nhân ca cao của nhà hàng Le Crêperie. |
Chứng nhận “Goût Français”, ngoài đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, còn đồng nghĩa với bí quyết và nghệ thuật sống của Pháp. Chọn một cơ sở được cấp chứng nhận này sẽ giúp người tiêu dùng an tâm, thoải mái và chia sẻ những trải nghiệm”, ông Tổng lãnh sự Pháp ở TP.HCM - Vincent Floreani cho biết.
“Đối với thực khách Pháp, đồ ăn trước hết phải ngon miệng, và họ cũng rất quan tâm đến các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc mức độ có thể coi là nghiêm ngặt hàng đầu thế giới”, ông Floreani nói.
“Do đó, chứng nhận này nhằm đảm bảo với người tiêu dùng rằng khi họ chọn một nhà hàng, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu có chứng nhận “Goût Français”, họ có thể hoàn toàn yên tâm thưởng thức những sản phẩm hay món ăn sạch và ngon miệng”, tổng lãnh sự Pháp cho hay.
Pháp là một trong những quốc gia nổi tiếng nhất về ẩm thực trên thế giới. Ẩm thực Pháp ngày càng được ưa chuộng và đánh giá cao hơn tại Việt Nam.
Bánh quy sô cô la với sô cô la làm từ 6 vùng cây ca cao nguyên liệu của Việt Nam (2 tỉnh miền Tây, 2 tỉnh miền Đông và 4 tỉnh Tây Nguyên) của công ty sô cô la Marou. Bánh được làm từ tiệm ở quận 1, trong khi sô cô la làm ở xưởng Thủ Đức. |
Ông Tổng lãnh sự cũng cho biết thêm rằng các tổ chức kinh tế Pháp và các chuyên gia mong muốn chứng nhận này góp phần đưa ẩm thực Pháp, một trong những quốc gia nổi tiếng nhất về ẩm thực trên thế giới và ngày càng được ưa chuộng và đánh giá cao hơn tại Việt Nam, trở nên phổ biến hơn, đồng thời tận dụng hiệu lực của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để các sản phẩm Pháp được người tiêu dùng Việt Nam biết đến nhiều hơn.
Toàn bộ danh sách các thành viên đều được công bố trên website goutfrancais.asia và fanpage Facebook cùng tên.