Phản ứng sau Brexit: Kẻ khóc, người cười

VÂN THẢO - TĂNG KHÁNH| 24/06/2016 05:00

Brexit đã đẩy nhiều thị trường tài chính trên thế giới vào tình trạng hỗn loạn bên cạnh sự lao dốc kỷ lục của đồng bảng kể từ năm 1985.

Phản ứng sau Brexit: Kẻ khóc, người cười

Kết quả kiếm phiếu cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 23/6 (giờ địa phương) cho thấy, gần 52% người dân Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit).

Kết quả trên đã đẩy nhiều thị trường tài chính trên thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn bên cạnh sự lao dốc kỷ lục của đồng bảng Anh kể từ năm 1985. Reuters nhận định, kết quả cuộc bỏ phiếu trên đã gây ra cú sốc tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. 

James Butterfill - Giám đốc nghiên cứu và là nhà chiến lược đầu tư tại ETF Securities chia sẻ trên Bloomberg: "Mọi thứ thật đáng sợ, tôi chưa từng chứng kiến điều gì giống thế này. Luồng tiền đang bị xáo trộn trên thị trường. Có rất nhiều nhà đầu tư bị "đánh bật" ra ngoài và nhiều người mất một khoản tiền lớn sau hôm nay".

Kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý tại Anh. Nguồn: CNBC

Trước phản ứng gay gắt của thị trường, Sean Keane – nhà phân tích của Credit Suisse Group AG cho biết: "Chúng tôi hy vọng Ngân hàng trung ương Anh sẽ có giải pháp tức thời giúp tăng tính thanh khoản trên thị trường và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm thông qua kế hoạch đó".

CNBC dự đoán thị trường châu Âu sẽ còn hứng chịu nhiều mất mát và các nhà lãnh đạo thuộc khối EU sẽ sớm tổ chức một cuộc họp bàn về tình trạng khủng hoảng này.

Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 8%. Giá dầu Brent và WTI đều đã giảm 5%. Lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã giảm 14% trong khi chỉ số Down Jones hiện còn 600 điểm. 

Lloyd Blankfein - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Goldman Sachs trong một tuyên bố mới đây đã tìm cách trấn an thị trường, trong đó nhấn mạnh chi tiết ngân hàng này đã có một lịch sử lâu đời trong việc thích nghi biến động của thị trường và đã lên kế hoạch cho những rủi ro của Brexit từ nhiều tháng trước. 

Phản ứng của thị trường tiền tệ sau thông tin Anh rời EU. Nguồn: Bloomberg

Tuy nhiên, tại một diễn biến khác, nhiều ý kiến cho rằng Brexit là một cách để Anh "thoát" khỏi EU và đồng tình với quyết định của đại đa số người dân Anh.

Trên CNN, Chủ tịch Đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage gọi Brexit là cơ hội để xứ sở sương mù sớm rời khỏi một EU "đang hấp hối". Đồng thời, theo ông Farage: "Đây là cơ hội để chúng tôi tái hòa nhập thế giới. Ngày 23/6 xứng đáng trở thành quốc lễ cho ngành ngân hàng và chúng tôi gọi đây là Ngày độc lập".

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel gọi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý của Anh là một "cái tát" vào EU. Ông gọi đây là một khó khăn cho châu Âu nhưng cũng là cơ hội để EU chứng minh giá trị của mình với người dân trong khối.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier viết trên Twitter: "Đây thực sự là một ngày buồn cho cả EU và Anh". 

Chính trị gia người Hà Lan Geert Wilders thì chúc mừng Anh về kết quả này, đồng thời kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân tương tự tại Hà Lan.

Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk cho biết Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ vẫn diễn ra vào tuần tới để đánh giá tương lai của mình sau khi cử tri Anh đã chọn rời khỏi khối 28 nước thành viên. Ông Tusk nhấn mạnh EU "quyết tâm giữ sự hiệp nhất" với 27 thành viên và sẽ không có bất kỳ sự "thoát ly" nào khác.

Theo AP, phát biểu tại Brussels vào ngày người Anh có câu trả lời cuối cùng về việc rời khỏi "ngôi nhà chung", ông Tusk cho biết ông tin tưởng vào tương lai của EU, và nhấn mạnh rằng "những gì không giết chết bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn".

>Brexit: Tại sao không?

>"Bóng ma" Brexit nhấn chìm chứng khoán toàn cầu

> Brexit: Người Anh ở châu Âu sẽ ra sao?

>Người dân châu Âu lo ngại Brexit hơn cả người Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phản ứng sau Brexit: Kẻ khóc, người cười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO