Phản ứng chính sách kịp thời để thúc đẩy đầu tư xanh
Đầu tư xanh tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, cần có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy đầu tư xanh, chuyển đổi xanh, tăng trưởng kinh tế xanh.
Trong chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu khá tham vọng. Đặc biệt, tại COP26, Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trở thành một quốc gia đi tiên phong về tăng trưởng xanh.
Ngay sau COP26, một lộ trình tổng thể hiện thực hóa các mục tiêu đã được Chính phủ vạch ra tập trung vào các chính sách định hướng chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, bền vững, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đẩy mạnh khai thác hiệu quả và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ.
Tháng 5/2023 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đã định hướng giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh để bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng như đất đai, đa dạng sinh học và nước, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.
Khuyến khích phát triển đô thị xanh, phát thải carbon thấp, thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng xanh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ xanh, sạch. Khai thác tối đa mọi nguồn lực tài chính, nhất là nguồn tài chính xanh từ khu vực tư nhân tài trợ cho các dự án đầu tư xanh.
Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển.
Tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài năm 2023 diễn ra mới đây, ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các doanh nghiệp thành viên của Amcham luôn đi đầu về bảo vệ môi trường và ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, nhiều quốc gia ở châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với thỏa thuận xanh của châu Âu. Khu vực châu Âu có hàng trăm tỷ euro để phân bổ cho việc hỗ trợ chuyển đổi kinh tế xanh và các nước châu Âu đang rất cần giải ngân theo đúng kế hoạch. Đi trước đón đầu xu hướng chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam tăng thêm thu hút đầu tư từ châu Âu.
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh đối với Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi cần phải có những phản ứng chính sách kịp thời mới có thể mang lại hiệu quả cao, do Việt Nam là một nước đang phát triển còn khó khăn về nguồn lực tài chính, trình độ khoa học và công nghệ còn chưa cao, trong khi đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi vốn lớn, phải song hành với cách mạng 4.0, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao…
Theo OECD, chi phí đầu tư chuyển đổi xanh ban đầu là không nhỏ, nhưng chi phí không đầu tư chuyển đổi xanh sẽ còn cao hơn rất nhiều vì thảm họa, thiên tai, lũ lụt… rất tốn kém để khắc phục. Phản ứng chính sách kịp thời, mạnh mẽ để chuyển đổi xanh càng sớm, hiệu quả sẽ càng mang lại nhiều lợi ích. Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện pháp lý thuận lợi cho các khoản đầu tư chuyển đổi xanh, có cách tiếp cận chính sách mang tính toàn diện với sự tham gia chung tay của khu vực tư nhân.
Cần nâng cao nhận thức toàn dân về tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh kế. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động xanh hóa môi trường, khuyến khích tiêu dùng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực bảo đảm tính bền vững về nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, vận hành công nghệ mới, bảo vệ môi trường.
Dù đánh giá Việt Nam là một thị trường cởi mở và năng động thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng một số nhà đầu tư điện gió cho rằng, để có được giấy phép khảo sát và đưa dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức vì cơ chế chính sách đang chờ xây dựng và hoàn thiện.
Chính phủ cần đưa ra một lộ trình rõ ràng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho điện gió ngoài khơi để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, nhà cung cấp quốc tế đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, bao gồm các thủ tục cấp phép khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, hợp đồng mua bán điện và cơ chế thanh toán, phương thức giải quyết tranh chấp...
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng các doanh nghiệp châu Âu rất chú trọng. Thời gian qua, do chưa đáp ứng được yêu cầu này một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu đã phải tạm ngừng mở rộng quy mô phát triển. Nếu các cơ chế chính sách của Việt Nam đáp ứng kịp thời theo cam kết tại COP26 sẽ giữ chân được các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh triển khai Quy hoạch điện VIII vào thực tiễn để khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo ông Greg Testerman, nếu Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với các đơn vị sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất (Bộ Công Thương mới báo cáo đề xuất với Chính phủ), điều này sẽ mở ra thêm một cơ hội mới thu hút hàng tỷ USD đầu tư không chỉ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà còn có thể khuyến khích mở rộng đầu tư tại các ngành công nghiệp mà các nhà đầu tư đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon và phát triển bền vững.