Sau đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn với chị Nguyễn Phi Vân về nội dung liên quan đến cuộc sách Mở cửa tương lai.
* Có rất nhiều tựa sách của chị đều có từ “tương lai” như: “Tôi tương lai và thế giới”, hay “NYM tôi của tương lai”, giờ là đến “Mở cửa tương lai”. Điều gì khiến chị trăn trở đối với tương lai nhiều như vậy?
- Tôi nghĩ mình đang sống trong thế kỷ lạ lùng quá, nơi mà sự thay đổi giống như những cơn sóng khác nhau ập vào cùng một lúc đối với loài người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ, nhất là bạn trẻ Việt Nam. Mình thấy toàn cầu hóa, sự dịch chuyển của lao động, sự dịch chuyển của nền kinh tế và sự dịch chuyển của công nghệ. Quá nhiều thứ chuyển động như vậy làm cho người trẻ thay vì học một giờ phải học 10, thay vì chuẩn bị một, giờ phải chuẩn bị 10 thì mới có thể hội nhập thế giới, hội nhập được vào sự chuyển động, hội nhập được vào tương lai, một áp lực quá lớn cho người trẻ.
Tôi rất thương người trẻ vì lúc còn trẻ mình cũng có quá nhiều trăn trở, phải tự đi tìm con đường nên rất khổ. Cho nên bây giờ tôi muốn chia sẻ, giúp các bạn tìm được hành trình của mình dễ dàng hơn. Vì vậy, tôi tập trung viết về điều có thể giúp cho các bạn trẻ học và hội nhập nhanh hơn, đến với tương lai một cách dễ dàng hơn, thành công hơn.
* Có ý kiến cho rằng chỉ cần sống tốt ở hiện tại thôi vì tương lai bất định và không đoán trước được, nhất là khi nhiều người trải qua biến cố trong đợt dịch Covid- 19 vừa qua. Là người luôn hướng về tương lai, chị có ý kiến như thế nào?
- Có lẽ tôi là người sống ở hiện tại nhất vì luôn tận hưởng những gì mình đang có. Mình không thể tách rời quá khứ, hiện tại, tương lai được và không có ai tách rời được. Một hành trình của đời người đều bao gồm tất cả những thứ đó và hiện tại chính là tương lai của quá khứ. Một đời người sống trong hiện tại có nghĩa là không hối tiếc về quá khứ. Mình trân trọng quá khứ, học từ quá khứ, không lo lắng về tương lai. Không lo lắng về tương lai vì mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho nó rồi, đã làm hết những gì có thể làm được, đã chuẩn bị theo khả năng.
Luôn luôn có những % của vũ trụ, mình phải để cho vũ trụ giải quyết bài toán đó. Còn ví dụ như 90% cần phải chuẩn bị cho tương lai, mình đã chuẩn bị rồi thì không cần phải lo lắng. Đối với tôi, sống ở hiện tại có nghĩa là bạn trân trọng quá khứ, làm lành với quá khứ nếu bạn có những khó khăn, như thế bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
* Tức là muốn “Mở cửa tương lai” thì phải chuẩn bị ở hiện tại. Trong sách, tôi thấy chị nêu những căn bệnh của giới trẻ Việt Nam như đổ thừa, kể lể, rồi hoang tưởng, không quản trị cảm xúc. Làm thế nào để họ nhận ra những bệnh này và chữa được?
- Nhận thức phải đến từ nhiều phía, có thể đến từ việc mình đọc sách. Đọc sách giúp nhận thức rất nhanh bởi vì mỗi cuốn sách là một cuộc đời. Người ta đã trải qua một cuộc đời để kể cho mình câu chuyện, giúp mình nhận thức. Ngoài ra học online, học ở trường, học qua bạn bè, học từ người mentor, học từ sếp của mình, những người hướng dẫn cho mình đều là những người có thể giúp mình nhận thức là mình thiếu hay là chưa có kỹ năng hoặc một phẩm chất nào đó để rèn luyện và phát triển. Bạn phải nhận thức được mình đang ở đâu để bạn có thể hội nhập vào tương lai và khi bạn nhận thức mình đang ở đâu rồi, thiếu cái gì (kiến thức, kỹ năng, phẩm chất…), lúc đó bạn sẽ đi tìm để học và rèn luyện. Tôi tin chỉ có một điều có thể giúp bạn thành công, sống bình an và vui vẻ, đó là phải phát triển bản thân mình. Phát triển bản thân, phát triển kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển phẩm chất, đơn giản vậy thôi.
Chị Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, thành viên Hội đồng Sách Doanh nhân |
* Trong phần “Con người thời Covid-19”, bà chia sẻ từng thất bại rất nhiều, vậy thất bại nào tạo động lực hay là bước ngoặt để chị có được thành công hôm nay?
- Thất bại rất là nhiều, cho đến giờ phút này vẫn có những thứ mình làm thất bại, không phải ai thành công cũng là thành công hoài. Ai nói bây giờ đã thành công rồi và mình không thất bại nữa thì người đó chắc chắn sắp trở thành quá khứ. Tôi luôn luôn dấn thân làm và thử một việc mới, thấy gì mới cũng lao vào để học bằng được cách làm. Có nghĩa là có thể thất bại 3 lần, 4 lần hay 5 lần mình mới làm được nhưng mình không sợ chuyện đó, vì nếu không làm như vậy mình sẽ không học được.
Nếu nói về sự nghiệp của mình, đi làm thuê cũng có nhiều thất bại: thuyết phục sếp không được, chạy ra góc nhà khóc vì dự án của mình bị “cancel”, không đạt được KPI. Đó là những thất bại nhỏ trong hành trình của mình. Khi bản thân đi làm doanh nhân thì 24 công ty mình đầu tư vào đâu phải công ty nào cũng thành công. Gần một nửa số đó là thất bại, thất bại có thể là tuy còn tồn tại nhưng không đi tới đâu hoặc có thể đã đóng cửa rồi.
Cho đến giờ phút này, mỗi ngày đi qua mình vẫn đưa ra những quyết định và cũng có thể có quyết định thất bại nhưng mình nghĩ đó là chuyện bình thường. Mình rất hay chia sẻ với các bạn trẻ là: đừng nhìn những người thành công và nghĩ là họ thành công thì sẽ luôn luôn thành công, còn mình luôn luôn thất bại. Một con người cầu tiến, hội nhập, một con người của tương lai là con người luôn luôn có thất bại và thành công đi chung với nhau. Vì họ luôn luôn làm cái mới, luôn luôn dấn thân cho nên họ sẽ luôn luôn có thất bại và cũng luôn luôn có thành công.
* Hồi năm 2014, bà lập “Thư viện Ước mơ” với hơn 1.000 đầu sách cho trẻ em ở những vùng quê nghèo tiếp cận với sách và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sau 8 năm dự án đã phát triển đúng như kỳ vọng của chị chưa?
- Trong thời gian đầu khi làm thư viện cũng có rất nhiều sai sót. Ví dụ như thử ở nhiều địa điểm khác nhau thì mình sẽ biết được có những địa điểm không tốt. Sau này làm thư viện trong trường học, sử dụng phòng thư viện trong trường học để làm thì mới thấy đúng. Sai sót thứ 2 là không phải trường nào mình đưa thư viện vào cũng hoạt động tốt, còn tùy vào nhiệt huyết, sự quan tâm, mong muốn của ban giám hiệu, của thầy cô ở trường đó, để cho các con có thể được tiếp cận và đọc. Mình cũng trải qua quá trình vừa học, vừa dấn thân, vừa thử nghiệm để tìm ra một mô hình đúng. Bắt đầu từ năm 2018 đến bây giờ, sau khi đã hiểu ra được mô hình đúng cần phải làm là gì rồi thì tôi làm rất nhanh, từ vài thư viện đến nay là 84 thư viện. Mỗi tháng tôi đang khai trương từ 8 đến 10 thư viện ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Bìa sách Mở của tương lai |
* Vậy là chị cũng phải mất 4 năm mới hiểu ra cách làm đúng?
- Đúng rồi, cho nên điều mọi người nghĩ ai có nhiều nguồn lực hay ai có khả năng thì sẽ thành công ngay lập tức là sai. Thành công là một hành trình, hành trình đó rất khó khăn, gian nan, chật vật. Mình phải bền bỉ, kiên cường để tìm được chìa khóa, chìa khóa đó chỉ có mình tìm ra được mà thôi. Vì khi mình dấn thân thì tìm được chìa khóa, còn ai đó dúi vào tay mình sẽ không phải là chìa khóa của mình thì không thành công được.
* Một câu hỏi của độc giả: Trong sách chị có nhắc đến phần kết nối với chính mình, chị có thể chia sẻ cách kết nối với chính mình trong thời đại 4.0 hiện nay?
- 4.0 là một thời rất nghiệt ngã vì mình có quá nhiều kênh để kết nối, để nói chuyện và tất cả mọi người trên thế giới này đều bị một cái bệnh đó là bệnh quá tải thông tin và khi mình mở cửa nhà mình cho tất cả mọi thứ ùa vào thì đương nhiên sẽ có 10% tốt, 90% rác.
Não mình và tim mình phải xử lý 90% rác đó mỗi ngày thì rất mệt, xử lý xong là mình hết năng lượng, không còn thời gian để làm gì khác. Muốn phát triển bản thân thì cách tốt nhất đó là bạn phải có bộ lọc, bạn phải đặt ra những bộ lọc: cái này có lợi ích để tôi phát triển bản thân không, không có dẹp sang một bên; cái này có lợi ích cho gia đình và những người xung quanh không, không có cũng dẹp qua một bên; cái này có lợi ích cho xã hội cho cộng đồng không, không có cũng dẹp qua một bên. 100% rác người ta đổ vô nhà thì mình phải lọc hết, 90% mình bỏ đi, chỉ giữ lại 10% những gì có ích cho mình, cho người xung quanh mình, cho xã hội và cộng đồng của mình. Từ đó, mới có thời gian để mình tập trung vào việc xây dựng nội lực cho bản thân.
Hai là xử lý những vấn đề là vấn đề chứ không phải là rác, ba là học cách để xử lý vấn đề ngày càng hiệu quả hơn. Cho nên tôi nghĩ quay về với bản thân, có bộ lọc cho bản thân để mình biết cần tập trung vào cái gì rất quan trọng. Từ khóa của thế kỷ 21 để các bạn có thể trở về với chính mình đó là bạn phải tập trung, bạn phải lọc thông tin để không bị quá tải và cuối cùng bạn phải học những kỹ năng để bạn có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Một trong những cách đó là đọc sách.
Thế kỷ 21 không có gì vượt qua được đọc sách, vì mọi thứ thay đổi quá nhanh. Ví dụ như bây giờ một mô hình kinh doanh mới mình kiếm ở đâu ra để mình học, không có trường nào dạy hết nhưng một người doanh nhân đã làm ra mô hình đó, họ viết lại thì đó là nguồn tốt nhất để mình có thể học. Đối với tôi, sách là thứ không bao giờ thiếu trên bàn hay trong mỗi chuyến đi.
* Xin cảm ơn chị.