Ông Đào Hồng Tuyển là thế hệ doanh nhân đời đầu, người đã đi xuyên qua ba cuộc chiến: Chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc |
Lời tòa soạn:Nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tuyến bài với chủ đề Họ đã sống như thế. Tuyến bài nhằm tôn vinh sự kiên cường, vượt khó, trách nhiệm, nghĩa tình của doanh nhân trong mọi hoàn cảnh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là sự chung tay góp sức với chính quyền và chia sẻ khó khăn với người dân trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Doanh Nhân Sài Gòn trân trọng giới thiệu bài viết đầu tiên về doanh nhân Đào Hồng Tuyển của tác giả Phan Thế Hải. |
Ông Đào Hồng Tuyển là thế hệ doanh nhân đời đầu, người đã đi qua ba cuộc chiến: chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Ở độ tuổi U70, ông Tuyển không còn sung sức như xưa nhưng bằng tấm lòng hảo tâm, ông sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng.
Tri thức làm nên sự khác biệt của doanh nghiệp
Ông Tuyển nổi tiếng trên toàn quốc với biệt danh là “Chúa đảo” Tuần Châu nhưng ít ai biết rằng, những bước đi khởi nghiệp đầu tiên của ông là ở TP.HCM. Ông là một trong số những quân nhân đầu tiên có mặt ở Sài Gòn ngay sau hồi mới giải phóng. Sinh ra từ chốn nghèo thôn quê ở Quảng Ninh rồi nhập ngũ khi chưa tròn 18 tuổi, từng tham gia đoàn tàu không số trên biển, ông cảm thông sâu sắc với người lao động lam lũ, thiếu thốn. Dẫu học chưa hết phổ thông nhưng ông đánh giá rất cao việc học tập và vai trò của tri thức.
Ông tâm sự sau giải phóng, trải qua cuộc sống thiếu đói, bận rộn mưu sinh nhưng ông biết những nhà trí thức của chế độ cũ để lại là nguồn lực quý giá. “Tôi bảo lãnh cho những trí thức vượt biên bị bắt bởi tôi biết họ có tài”. Giờ nghe thì đơn giản, nhưng hồi đó là cả một vấn đề. Vượt biên là phạm pháp, bảo lãnh cho họ rất có thể bị kết tội “đồng lõa” hay “tiếp tay”, rất nguy hiểm. “Biết là nguy hiểm nhưng tôi vẫn làm, vì tôi tin mình đúng”.
Nhớ lại những năm tháng mới khởi nghiệp, ông kể: “Thời điểm năm 1975, 1976 nhà xưởng của tư sản ở TP.HCM bị bỏ hoang nhiều vô cùng. Nhà nước quốc hữu hóa những nhà máy này nhưng do quản lý kém, máy móc trong những nhà máy đó trở thành đống sắt vụn. Tôi mua lại những đống sắt vụn ấy, sử dụng những cán bộ kỹ thuật của chế độ cũ, tái chế máy móc, đưa vào hoạt động sản xuất.
Thương hiệu Rừng Hương, Thiên Hương gồm: nước giải khát cam, dâu, chanh, xá xị, bạc hà, rượu nhẹ có ga ở miền Nam; nước ngọt Hải Phòng, rượu Hà Nội ở miền Bắc là công nghệ của tôi hết. Lúc bấy giờ sản phẩm của tôi chiếm 80% thị phần nước giải khát thị trường phía Nam. Chỉ khi Coca và Pepsi vào thì lúc ấy tất cả các nhà máy của tôi tạm dừng, tôi chuyển sang sản xuất phân bón, nước khoáng Đảnh Thạnh…
Tôi dùng phương pháp cơ học để tách lưu huỳnh. Tất cả mọi thứ ở đời đều phải nhờ đến khoa học - kỹ thuật cả, kể cả tiêu tiền. Làm ra tiền đã quá khó, biết tiêu tiền còn khó hơn nhiều. Ném tiền vào chỗ nào? Thời điểm nào? Bao nhiêu? Những điều đó đòi hỏi phải có bản lĩnh, phải có quyết đoán, có như thế đồng tiền mới sinh lợi như mong muốn" - ông Tuyển chia sẻ.
Ông Tuyển là một trong số ít doanh nhân có đội ngũ cộng sự rất đông đảo gồm các nhà văn, nhà khoa học và các giáo sư hàng đầu ở các trường đại học thuộc đủ các lĩnh vực. Riêng với đội ngũ này, mỗi năm ông phải chi hàng triệu USD để duy trì sự cộng tác của họ. Mỗi khi triển khai các dự án mới, ông lại cần họ tham vấn, phản biện. Cũng chính nhờ họ, những công trình của Đào Hồng Tuyển không chỉ bảo đảm tính kỹ thuật mà còn cả mỹ thuật, mang dấu ấn của sự sáng tạo, trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống.
Hơn 10 năm về trước, khi biết tin GS Ngô Bảo Châu đạt được những thành tích nổi bật, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ông Tuyển đã tặng Ngô Bảo Châu căn biệt thự ở Tuần Châu trị giá 3 triệu USD. Tôi hỏi: "Ngôi biệt thự ấy giờ đây ra sao?". Ông đáp, GS Ngô Bảo Châu đã biến biệt thự thành cơ sở nuôi dưỡng nhân tài và giao cho cha của GS quản lý.
Ông tâm sự: “Tôi là một người ái mộ nhân tài, nhất là với những người trẻ tuổi hiếm có ở Việt Nam như GS Ngô Bảo Châu. Tôi muốn thông qua GS Ngô Bảo Châu để truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ Việt Nam".
"Tôi là một người ái mộ nhân tài, nhất là với những người trẻ tuổi hiếm có ở Việt Nam như GS Ngô Bảo Châu. Tôi muốn thông qua GS Ngô Bảo Châu để truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ Việt Nam" |
Thương hiệu “Chúa đảo”...
Khác với nhiều doanh nhân, sự nghiệp kinh doanh của ông Tuyển không theo cách xây dựng tập đoàn hay công ty đại chúng, đa ngành nổi bật trên thương trường. Ông cho rằng với một nền kinh tế non trẻ như Việt Nam, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và doanh nhân chưa có thói quen minh bạch nên việc hình thành tập đoàn đa ngành đại chúng sẽ dễ vướng vào những tranh chấp hao tốn nhiều năng lượng. Thế nên, khi nói đến Đào Hồng Tuyển người ta nghĩ ngay đến thương hiệu “Chúa đảo” Tuần Châu.
Giờ đây, Tuần Châu là một tổ hợp du lịch, dịch vụ đồng bộ rộng hơn ngàn héc ta được đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, trước đại dịch từng thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước nơi đây là hòn đảo hoang, không có đường giao thông kết nối và những người dân trên đảo còn chưa biết đi xe đạp.
Để biến đảo hoang thành đảo Ngọc như hiện nay phải kể đến tầm nhìn, nghị lực phi thường của ông Đào Hồng Tuyển. Với khát vọng muốn cung cấp cho Quảng Ninh một sản phẩm du lịch độc đáo có sức hút với du khách trên toàn cầu, ông Tuyển đã vắt kiệt cả sức lực, trí tuệ và tiền vốn để đầu tư làm thay đổi hẳn một hòn đảo hoang thành một khu đô thị biển hoàn chỉnh và hấp dẫn.
Ngày nay, nếu du khách chỉ đến Quảng Ninh để tham quan vịnh Hạ Long thì chắc chắn thời gian lưu trú của khách không quá một ngày. Như vậy, tất cả các dịch vụ khác đi cùng với du lịch cũng sẽ “thất thu”. Từ thực tế đó, ông Tuyển đã nỗ lực biến Tuần Châu thành điểm tham quan du lịch thứ hai sau vịnh Hạ Long. Công viên nhạc nước Tuần Châu đã góp phần quan trọng vào nỗ lực ấy.
So với công viên nhạc nước Sentosa ở Singapore thì quy mô và sự hiện đại của công viên nhạc nước ở Tuần Châu lớn hơn rất nhiều. Khu vực khán đài 12.000 chỗ ngồi có ghế, có mái che tránh mưa nắng. Hai bên sườn khán đài được đắp giả núi, tạo dòng thác thơ mộng đổ xuống. Lòng hồ cũng là sân khấu chính, có sức chứa 9.000m³ nước.
Ở sân khấu này, ngoài những cột nước phun theo nhạc, có màu, còn có 3 màn hình nước biểu diễn nghệ thuật. Màn hình lớn rộng 60m, cao 40m đặt chính giữa, hai bên có các màn hình phụ, nhờ đó mà khán giả dù ngồi ở góc độ nào cũng thưởng thức trọn vẹn màn biểu diễn nhạc nước. Toàn khu vực công viên có khoảng 1.500 cột nước, trong đó có một số cột phun mức nước cao từ 50m đến 80m. Các “nghệ sĩ nước” sẽ biểu diễn nghệ thuật theo giai điệu âm nhạc. Ví như khi nhạc có giai điệu du dương, sâu lắng thì các cột nước cũng có hình thức biểu diễn và sắc màu chuyển đổi tương ứng. Khi tiếng nhạc rộn ràng, sôi động thì các cột nước sẽ “nhảy múa” theo.
Hơn thế nữa, du khách và nhất là những khán giả nhỏ tuổi hẳn vô cùng thích thú khi được xem các bộ phim trình chiếu trên màn ảnh nước. Ông Tuyển cho biết, công ty Âu Lạc sẽ chú trọng việc kết hợp giữa yếu tố hiện đại với văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các bộ phim có sự tích dân gian. Ngoài ra tại công viên nhạc nước còn có màn phun lửa, biểu diễn nghệ thuật bằng đèn laser.
Đánh giá về sự ra đời của khu du lịch Tuần Châu, ông Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định: "Đó là nỗ lực lớn của doanh nhân Đào Hồng Tuyển, cùng với các doanh nghiệp khác thể hiện quyết tâm đưa du lịch Quảng Ninh lên tầm cao mới bằng chính các sản phẩm rất đặc biệt".
Trước đại dịch, mỗi mùa hè bên cạnh du khách còn có hàng trăm người đẹp đổ về Tuần Châu tham gia cuộc thi Hoa hậu Biển và các giải đấu thê thao biển. Hạ Long trở nên hấp dẫn hơn nhờ có Tuần Châu và những dịch vụ của doanh nhân Đào Hồng Tuyển.
Ông Đào Hồng Tuyển ủng hộ 1 triệu USD cho người dân Nhật Bản, trong đó, 950.000 USD được gửi đến các công nhân đang làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và 50.000 USD được gửi đến một em bé 9 tuổi mồ côi cả cha mẹ, anh em trong thảm họa sóng thần, thông qua ngài đại sứ Yasuaki Tanizaki hồi tháng 4/2011 |
...và tấm lòng vàng của doanh nhân
Là doanh nhân từng đi qua ba cuộc chiến tranh, sống qua thời kỳ khó khăn, thấu hiểu sâu sắc những hoàn cảnh éo le của người nghèo, nên khi có điều kiện, ông Tuyển không tiếc tiền làm từ thiện. Ông cho rằng làm thiện nguyện là nghĩa cử bày tỏ tri ân với cộng đồng, với đất nước và quá khứ của chính mình.
Sự kiện được công chúng cả nước biết đến ông Tuyển là vào ngày 31/12/2003, trong đêm hội từ thiện được truyền hình trực tiếp, trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình, ông Tuyển đã mua tấm thiệp xuân với giá 600 triệu đồng để ủng hộ người nghèo.
Không chỉ làm từ thiện trong nước, ông Tuyển còn làm từ thiện với nước ngoài. Hơn 10 năm về trước, khi đang đi trên cầu Bãi Cháy nghe được tin về thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật, ông Tuyển nhớ ra đây là cây cầu được xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản. Nhìn bên tay phải là Cung văn hóa Việt Nhật, bên tay trái là cảng nước sâu Cái Lân, cũng đều là những công trình hiện hữu tình cảm của chính phủ và nhân dân Nhật Bản với Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, ông Tuyển nghĩ rằng mình cần phải làm điều gì đó.
Nhật Bản chính là quốc gia đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh quê ông, ông Tuyển muốn trả ơn cho họ. Ngay lập tức, ông liên hệ với Hội Hữu nghị Việt - Nhật và đề nghị được quyên góp 1 triệu USD vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Ông chia sẻ: “So với những gì Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam thì 1 triệu USD chỉ là một số tiền ít ỏi”.
Ông Tuyển cũng là tác giả của dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, xuất phát từ cầu Sài Gòn (Q. Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi), với tổng chiều dài khoảng 64 km. Khi tuyến đường này hoàn thành, người dân chỉ mất khoảng 25-30 phút đi từ Củ Chi về Q. 1 so với hiện nay khoảng 1 tiếng 30 phút.
Ngoài việc rút ngắn thời gian đi lại, tuyến Đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc thành phố, giúp giãn hơn một triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại trong tương lai.
Năm ngoái, ông Tuyển đã trao tặng ý tưởng và bản quyền dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City cho ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chỉ vì theo ông, Đèo Cả là tập đoàn có uy tín, có kinh nghiệm triển khai các công trình hạ tầng giao thông lớn ở Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã khiến cho tập đoàn của ông Đào Hồng Tuyển phải ngưng hoạt động, mất hàng chục ngàn tỷ đồng doanh thu nhưng ông vẫn phải duy trì bộ máy và hỗ trợ lương cho hàng chục ngàn người lao động. Ông tâm sự: "Phải rút hầu bao thôi, mình có được gia sản như hôm nay là nhờ người lao động. Dịch bệnh, khó khăn bỏ người ta sao đành".
Với cộng đồng, không chỉ ủng hộ tiền, thiết bị y tế giúp thành phố chống dịch, ông Đào Hồng Tuyển còn vận động các doanh nghiệp, tập đoàn, nhà hảo tâm chung tay, đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để đồng hành cùng đất nước. Ông hy vọng hành động thiết thực của mình sẽ nhanh chóng được lan tỏa, nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân khác cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Hồi năm 2020, khi đại dịch mới lan sang Việt Nam, ông Đào Hồng Tuyển từng ủng hộ trên 15 tỷ đồng để mua máy tách chiết tinh sạch AND/ARN và Protein, khẩu trang, nước sát khuẩn để tặng cho người dân và các cơ sở điều trị y tế, cách ly trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Là doanh nhân đã đi qua ba cuộc chiến, giờ đây ông Đào Hồng Tuyển đang tiếp tục truyền cảm hứng cho lớp trẻ và thế hệ con cháu, đặc biệt là nghị lực kiên cường vượt khó và tấm lòng nhân ái với cộng đồng.