Vừa bắt đầu buổi trò chuyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui Nguyễn Thu Phong đã đề cập thẳng vào vấn đề đổi mới: "Đổi mới từ con người đến cách làm kinh doanh. Chỉ như thế mới tồn tại và phát triển trong một thế giới cạnh tranh toàn cầu".
Đọc E-paper
Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh toàn cầu, doanh nhân Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít áp lực và thách thức. Đặc biệt là năm 2015 - 2016, dù nền kinh tế Việt Nam có tốt lên, nhưng quá trình hội nhập kinh tế thế giới và tương tác đa chiều buộc doanh nhân phải luôn phải trăn trở làm thế nào để nâng cao năng lực bản thân, nâng cao nội lực doanh nghiệp (DN).
* Cụ thể thách thức đó là gì, thưa ông?
- Kinh doanh trong thời đại công nghệ số thì khái niệm về thị trường nội địa và nước ngoài bị thu hẹp. Trước đây, sản phẩm làm ra chỉ cần có sự chăm chút là được thị trường đón nhận, thậm chí người kinh doanh tính toán làm sao mua rẻ, bán đắt, mua thấp bán cao là đã "sống khỏe". Nhưng ngày nay làm như thế thì hàng hóa sẽ "tồn kho" ngay.
Khi sản phẩm bán ra, dù chỉ một số người dùng, nhưng nếu sản phẩm không tốt, dịch vụ không chuẩn hoặc xảy ra sai sót thì chỉ vài phút, thông qua các trang mạng xã hội khiến tai tiếng lan ra rất nhanh, hậu quả thật khôn lường.
Chính vì thế, người làm kinh doanh luôn phải suy nghĩ để có được sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng cao nhất. Phải nhìn thấy thách thức để bước tới. Nguy cơ đào thải và tụt hậu cũng rất cao đối với những DN kinh doanh theo tư duy cũ, không làm chủ được năng lực sản xuất, không mở rộng kênh phân phối trên cả online và offline.
* Để doanh nhân trẻ "có sức mạnh bước tới", bằng sự trải nghiệm của mình, ông sẽ gửi đến họ thông điệp gì?
- Như đã nói, sức mạnh của thế giới phẳng là cực lớn, nó không chỉ tạo sức lan tỏa nhanh chóng mà còn tạo ra sức mạnh tập hợp con người. Đơn cử như MC Phan Anh, chỉ với công cụ Facebook, anh đã quyên góp được trên 20 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung, hay như Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) cũng chỉ vài ngày sau cơn lũ đã quyên góp được trên 3 tỷ đồng để góp phần giúp đỡ đồng bào trong cơn khốn khó do thiên tai.
Giả sử, nếu Phan Anh hay YBA chỉ dùng email hoặc qua kênh bạn bè thì sẽ không tạo được sự hưởng ứng nhanh và đông đảo như vậy. Đó chính là thông điệp để mỗi doanh nhân phải tự đổi mới, hoàn thiện và năng động hơn nếu muốn tồn tại và phát triển. Bản thân tôi và các thành viên trong YBA đều điều hành DN trên các công cụ di động thông minh, app chat nhóm nên xử lý công việc rất nhanh và hiệu quả.
Mặt khác, để tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nhân hội viên, nhiều năm qua, YBA đã có nhiều hoạt động, như tổ chức tọa đàm, hội thảo, trao đổi chuyên đề và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các hoạt động này dù chỉ mới đạt được mức tăng cường nhận thức nhưng nó có sức ảnh hưởng, tác động khá lớn đến suy nghĩ của mỗi doanh nhân, từ đó họ kinh doanh tốt hơn.
Song, điều đáng nói là mặc dù nhận thức của doanh nhân đã được thay đổi, nhưng nhiều DN vẫn còn rất chật vật khi bắt tay vào hành động. Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với rất nhiều điểm mới, nhưng vẫn bàn thảo mãi. Theo tôi, đã là hỗ trợ thì cứ làm trước rồi ra luật sau, cầu toàn quá sẽ tạo sức ỳ, ngay cả việc kêu gọi tinh thần khởi nghiệp vẫn còn nhiều lúng túng trong phối hợp, triển khai nên việc hỗ trợ DN mới thành lập chưa hiệu quả.
Ảnh: Quý Hòa |
* Vậy theo ông, một trong những quyết sách có thể làm ngay là gì?
- Hiện nay chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, đầu tư cho DN nào vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, mỗi loại hình DN đều đòi hỏi sự hỗ trợ chuyên sâu, phải hiểu rõ DN đó cần gì chứ không nên hỗ trợ theo kiểu đổ đồng. Để DN nâng cao được năng lực cạnh tranh thì phải kiên quyết loại trừ các DN nhà nước kinh doanh kém hiệu quả.
Bởi, nếu không kiên quyết, các DN này sẽ tiếp tục ôm mảng kinh doanh của họ, gây cản trở DN khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN tư nhân không lớn mạnh được và làm mất niềm tin vào DN nhà nước và đầu tư công, kể cả những chương trình trọng điểm.
Đơn cử, đầu năm nay, dư luận không ít người phản đối việc xây dựng sân bay Long Thành. Đây là một công trình hướng đến tương lai gần và đặc biệt là làm phát triển chuỗi không gian đô thị của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song, để thực hiện dự án thì Nhà nước phải tiếp tục vay vốn lớn, chạm đến nỗi lo nợ công của người dân nên họ không đồng thuận.
Lý do là nhiều năm qua, thực hiện các đầu tư công chỉ thuộc về những công ty của Nhà nước, trong khi không ít DN tư nhân hoàn toàn làm được thì lại không được tham gia. Ở hầu hết các nước trên thế giới, khối DN tư nhân có quyền tham gia các gói đầu tư công nên họ được phát huy năng lực và thể hiện được sức mạnh.
Vì thế, để nền kinh tế quốc gia phát triển rất cần tư duy mới, tầm nhìn toàn cầu và khu vực, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguy cơ, thách thức của lực lượng DN nước nhà, từ đó mạnh dạn thay đổi, minh bạch hóa, tạo niềm tin, sự bình đẳng.
* Ở YBA, doanh nhân hội viên mong muốn có hỗ trợ gì?
- Khi tham gia bất kỳ tổ chức nào thì hội viên đều kỳ vọng tìm được một điều gì đó mà họ cần. YBA ra đời nhằm tạo ra nhịp cầu để doanh nhân có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, tăng doanh số bán hàng. Nhưng để hỗ trợ nhau kinh doanh thì cần có mô hình thiết thực và chuyên sâu.
Nhiệm kỳ này, YBA có nhiều chương trình cần thực hiện, nhưng năm nay và năm sau chỉ chọn một số cách tiếp cận như tổ chức đối thoại, phản biện và song hành cùng chính quyền trong việc đổi mới và phát triển môi trường kinh doanh; thực thi các chương trình sáng tạo và đổi mới DN, nhất là khởi nghiệp cho người trẻ; hiệu quả hóa và chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN; tăng cường vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nhân trẻ. Trong bốn chương trình hành động này, muốn đạt hiệu quả thì đổi mới là yếu tố bắt buộc phải thực hiện xuyên suốt.
* Trở lại vấn đề thách thức trong kỷ nguyên công nghệ, xin hỏi, trong lĩnh vực kinh doanh của Nhà Vui, ông đang phải đối mặt với khó khăn nào?
- Nhà Vui hiện có bốn dịch vụ: thiết kế, xây dựng, nội thất và vật liệu. Trước đây, khách hàng phải khó khăn lắm mới sưu tầm được một vài mẫu thiết kế nội thất qua sách báo, tạp chí, còn bây giờ, chỉ cần gõ trên google là có ngay hàng loạt thông tin cần biết. Rất nhiều công ty bán hàng cũng có trang thông tin riêng nên khách hàng tha hồ lựa chọn, thậm chí, họ hoài nghi luôn cả tư vấn của kiến trúc sư. Ngay giá xây dựng thì khách hàng cũng tự tìm kiếm nhà cung cấp để giảm chi.
Vì vậy, Nhà Vui luôn phải đổi mới, cập nhật kiến thức chuyên ngành để "đi trước google một bước". Ví dụ, cũng là cái nhà nhưng việc tiếp cận ra sao để mang lại hiệu quả tốt hơn cho khách hàng. Ngày trước chúng tôi thực hiện dự án theo thời gian, theo chuỗi, bây giờ phải làm song song cùng lúc, các bộ phận phải cùng thảo luận để đưa ra giải pháp sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
* Gần 20 năm trong nghề, ông có cảm thấy... lo cho Nhà Vui khi đang bị già đi về sáng tạo, trong khi lớp trẻ đang ngày càng thể hiện ưu thế?
- Không thể phủ nhận năng lực của các kiến trúc sư trẻ hiện nay. Họ rất sáng tạo, nhạy bén và có nhiều ý tưởng tươi mới. Có không ít kiến trúc sư trẻ không có công ty, không có văn phòng, kinh nghiệm cũng chưa nhiều nhưng bù lại, họ dám làm, dám chịu thử thách, thậm chí chấp nhận thất bại để làm lại, trong khi Nhà Vui thì đã "già” nên chúng tôi phải đầu tư chiều sâu về kỹ thuật, công nghệ. Trước các đối thủ trẻ ngày càng lớn mạnh, ngày nào tôi cũng phải "bơm" vào đội ngũ của mình tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng.
* Gần đây, không ít khách hàng cho rằng, "chốn đi về” của họ đã bị một số kiến trúc sư biến thành nơi thử nghiệm sáng tạo. Thực hư điều này ra sao, thưa ông?
- Kiến trúc cũng như thời trang cần có những thử nghiệm sáng tạo nhưng quan điểm của tôi là dù mới thế nào thì cũng phải tối ưu hóa công năng cho người dùng. Ví dụ hiện nay, nhiều khách hàng muốn thiết kế theo xu hướng xanh, nhưng xanh ở mức nào thì không rõ. Vì vậy, Nhà Vui luôn chú trọng công năng, sau đó mới cộng thêm xu thế, trào lưu. Đi theo trào lưu là điều tốt nhưng để tránh sự rập khuôn, sao chép, chúng tôi chọn lọc để tìm lối đi riêng, trong đó, có cái cổ súy, có cái không.
Hiện nay, một số kiến trúc sư trẻ muốn trải nghiệm sáng tạo, họ muốn những "tác phẩm xanh" tác động đến xung quanh nên không ít người đã đem ngôi nhà của khách hàng ra làm thí nghiệm. Vì vậy, phương châm kinh doanh của Nhà Vui là sáng tạo nhưng phải trân trọng tài sản của khách hàng, đó cũng là lý do chúng tôi có được thương hiệu bền vững trong suốt 16 năm qua.
* Theo ông thì thị trường bất động sản phục hồi nhanh có tác động đến ngành kiến trúc?
- Thị trường bất động sản đang lên, lượng chung cư, nhà phố, biệt thự tăng nhưng sự tác động của nó đến ngành kiến trúc cũng như thiết kế nội thất không lớn, vì đa số các công trình nhà ở làm theo lối đại trà, chưa nhiều về sự đột phá chất lượng kiến trúc đô thị và môi trường sống. Tôi đang tìm hiểu, nói đúng hơn là tò mò không biết các chủ đầu tư dùng công nghệ nào để tạo ra giá thành thấp, nếu họ làm tốt bằng các biện pháp kỹ thuật mới thì nó tác động rất lớn đến xã hội và tạo ra xu hướng cho ngành thiết kế, xây dựng.
Điều đáng mừng là năm qua, các công ty phát triển, môi giới bất động sản đều thay đổi cách làm, ý thức hơn đến sản phẩm, đến uy tín thương hiệu và trách nhiệm xã hội chứ không bán cho xong sản phẩm nhằm mục tiêu lợi nhuận, tức chỉ cần bán được hàng, không song hành với khách hàng dẫn đến thị trường phát triển ảo, kéo theo khủng hoảng ngành và ảnh hưởng chung cho cả nền kinh tế.
* Nếu được đề xuất ý kiến "đổi mới" từ phía quản lý nhà nước, ông sẽ đề đạt nguyện vọng gì?
- DN luôn kỳ vọng Chính phủ tiếp tục cải cách chính sách và các thủ tục liên quan đến hành chính kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước phải năng động hơn trong việc hỗ trợ DN. Thay vì nói "Chúng tôi sẽ giải quyết theo quy trình", "Anh cần gì thì cứ nói, tôi sẽ tìm cách giải quyết" thì công chức các cơ quan công quyền hãy nói "Tôi cần phải làm gì giúp DN của anh".
Thậm chí, công chức dám "phá quy trình" để giải quyết những việc có thể làm nhanh hơn trong khả năng. Phải tạo được nhiều hơn nữa hình ảnh thân thiện của cán bộ lãnh đạo, của công chức với dân, với DN. Có như vậy mới tạo thêm động lực cho DN phát triển.
* Còn với doanh nhân, sự thay đổi nên bắt đầu như thế nào, thưa ông?
- Doanh nhân Việt Nam phải tự nhận thức các vấn đề của toàn cầu hóa, của kỷ nguyên công nghệ số và một thế giới mở về thông tin, về ứng xử. Tốc độ phản ứng, xử lý các vấn đề bắt buộc phải nhanh nhẹn, quyết đoán, phải luôn ý thức về trách nhiệm xã hội, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Nói cách khác, sự đổi mới của doanh nhân cũng là một phần động lực phát triển của cộng đồng xã hội.
* Cám ơn về những chia sẻ rất cởi mở của ông!
>>Cách thay đổi tư duy để làm giàu của một triệu phú tự thân