Những ngày dọc ngang các thành phố di sản ở Uzbekistan, chúng tôi chủ yếu đi bằng xe lửa. Xe lửa nước này khá hiện đại, tiện nghi nhưng các cung đường đều na ná giống nhau với cảnh hai bên là sa mạc mênh mông hoặc những cánh đồng trồng bông bạt ngàn. Chỉ khi tàu chạy vào ngoại ô thành phố thì nhà cửa, cây cối, chợ búa tấp nập mới hiện ra như một ốc đảo tươi đẹp.
Đọc E-paper
Cố đô giữa lòng sa mạc
Khiva là một ốc đảo nổi tiếng trên con đường tơ lụa. Xưa kia, các đoàn thương nhân luôn dừng chân ở đây trước khi băng qua sa mạc Karakum để đến xứ Ba Tư. Khiva có lịch sử hơn hai ngàn năm và có thời kỳ phát triển rất rực rỡ, được coi là kinh đô của nhiều vương triều hùng mạnh. Ốc đảo chia thành hai phần: thị trấn bên ngoài, gọi là Dichan Kala, trước đây được bảo vệ bởi một bức tường với 11 cửa; khu phố cổ bên trong gọi là Itchan Kala, được bao quanh bởi những bức tường gạch đồ sộ (dày 5 đến 6 mét) xây dựng vào thế kỷ thứ X.
Itchan Kala được công nhận Di sản văn hóa thế giới nhờ bảo tồn tốt tổ hợp đô thị cao cấp điển hình kiểu kiến trúc Hồi giáo. Bên trong vòng tường thành cao cả chục mét, thành phố cổ như chuỗi ngọc quý với rất nhiều lâu đài, đền thờ, tháp cao khảm cẩm thạch lộng lẫy. Trước khi vào thăm di sản, chúng tôi dừng chân một chút trên đường phố bên ngoài bởi không cưỡng lại được sắc màu cuộc sống ở đây.
Trên phố hẹp, xe đạp và xe máy khá nhiều, thỉnh thoảng còn có cả xe ngựa thồ chở đầy nông sản túc tắc qua lại. Hàng rong đặc trưng nhất là loại bánh tròn dẹt được nướng vàng óng, to bằng cái đĩa xếp đầy sau những chiếc xe đạp. Không từ chối được nụ cười tươi rói của một anh bán hàng trẻ, chúng tôi mua thử vài chiếc. Bánh thơm nức mùi bột mì mới, ăn không cũng đủ ngon. Món phổ biến thứ nhì là thịt cừu ướp gia vị rất công phu rồi đem nướng bằng than hoa, khi ăn người ta rưới thêm tí giấm để thịt thêm phần đậm đà.
Toàn cảnh ốc đảo Khiva |
Vừa đặt chân vào Itchan Kala, mọi người quên ngay những thứ hấp dẫn trên hè phố dân dã ngoài kia. Một thành phố lộng lẫy, bí ẩn kiểu Ngàn lẻ một đêm hiện ra trước mắt. Thật khó tưởng tượng giữa sa mạc khô khát lại có cố đô tuyệt đẹp thế này tồn tại cả ngàn năm qua. Từ cổng thành phía Đông, công trình đầu tiên đập vào mắt du khách là cung điện Hoàng Gia cao hai tầng, tòa ngang dãy dọc. Trong cung điện vẫn còn tranh vẽ và đồ dùng miêu tả sống động sinh hoạt của vua chúa, cung phi ngày xưa. Gây ấn tượng hơn cả hoàng cung là khu lăng mộ Pahlavon Mahmoud. Lăng có các mái vòm khảm ngọc màu xanh lung linh mát rượi. Nội thất của lăng có nhiều chi tiết trang trí gỗ, khảm men, cẩn kim loại công phu. Ngày nay, công trình được bảo quản như một kho tàng văn hóa của dân tộc Uzbekistan.
Cổng thành phía tây Itchan Kala |
Sau hai tiếng đi dạo phố cổ thì mọi người trong đoàn đều hoa mắt. Mật độ kiến trúc cổ quy mô lớn ở đây phải nói là dày đặc. Tuy nhiên, quy hoạch của thành phố cũng rất khoa học và hài hòa về thẩm mỹ. Cây xanh không nhiều nhưng phố phường vẫn im mát. Lăng tẩm đền đài khắp nơi nhưng không khí vẫn nhẹ nhõm, thông thoáng. Các dãy phố buôn bán cũng đẹp rực rỡ và phô bày được vẻ thịnh vượng. Hầu hết công trình ở Khiva đều trang trí bằng cấu trúc gạch ghép cực kỳ tinh xảo. Mỗi ngóc ngách của thành phố đều là một phần của kho tàng kiến trúc vương giả.
Nơi gặp gỡ giữa sa mạc và bầu trời
Nhìn chi tiết, mỗi lâu đài ở Itchan Kala đều mang nhiều màu sắc, nhưng trong tổng thể, các gam màu này đều là những sắc thái khác nhau của sa mạc và bầu trời. Vậy nên giữa đất bao la và trời rộng lớn, tác phẩm của con người trông vừa hài hòa vừa nổi bật. Khi biết chắc rằng trong một ngày ngắn ngủi không thể nào đi thăm hết được hơn 50 công trình lớn và 300 ngôi nhà cổ, cả nhóm chúng tôi đành tản ra để mỗi người đi theo ý thích.
Có người say mê theo dõi những tranh vẽ mô tả cảnh buôn bán, trao đổi gia vị, tơ lụa gốm sứ của các đoàn thương nhân từ khắp thế giới; có người chăm chú vào từng hoa văn họa tiết trên những công trình cổ; có người ngồi hàng giờ trong thánh đường xem các cụ già đọc kinh, cầu nguyện… Nhưng dù làm gì thì các du khách cũng đều chìm đắm trong một không gian xa xưa như cổ tích.
Phố cổ với những ngọn tháp màu cẩm thạch |
Không gian cổ tích kiểu Uzbekistan có cả trường… đại học! Trường Đại học Hồi giáo Mohammed Rakhim Khan không chỉ giảng dạy các vấn đề tôn giáo (kinh Koran) mà nghiên cứu cả các vấn đề thế tục như toán, thiên văn, địa lý. Cùng với việc nghiên cứu thần học, khoa học, sinh viên tại đây có thể tham gia sáng tác thơ, tổ chức các cuộc tranh luận…
Phố cổ nhìn từ trên cao |
Trong khuôn viên Đại học Hồi giáo ở Itchan Kala |
Đây là cách đào tạo rất khác biệt so với các trường đại học Hồi giáo khác đương thời. Trường nằm tại trung tâm của khu phố cổ, có quy mô lớn nhất Trung Á và là biểu tượng của kiến trúc thời thế kỷ XVIII. Mặt tiền của công trình được trang trí công phu bằng gốm màu xanh. Bốn góc của công trình là bốn ngọn tháp. Công trình được chia thành 76 khối phòng, mỗi khối phòng được phủ bằng mái vòm. Sân trong của công trình hình vuông, bên trong là vườn cây và đài phun nước.
Tượng đài danh nhân trong sân trường đại học |
Đặc trưng kiến trúc Hồi giáo ở Itchan Kala còn phải kể đến các ngọn tháp cao 40-45 mét. Các tháp này đều được phủ toàn bộ bên ngoài bằng gạch men bóng hoa văn chìm sang trọng. Đứng trên đỉnh tháp nhìn bao quát được cả ốc đảo Khiva ngự trị giữa sa mạc mênh mông. Ngày nay, Itchan Kala được coi là bảo tàng ngoài trời – bảo tàng lịch sử khảo cổ học quốc gia của Uzbekistan. Cái hấp dẫn là 300 hộ gia đình sống trong phố cổ được tổ chức sản xuất và buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ khá hiệu quả. Chúng tôi lỡ sa đà vào mấy tiệm buôn và không hiểu làm sao mình có thể dời chân đi cho được. Đồ lưu niệm bằng đá và các sản phẩm chạm khắc đẹp mê hồn, chỉ tiếc giá khá đắt. May sao, tất cả những người bán hàng ở Khiva mà chúng tôi gặp đều luôn vui tươi dù khách mua ít ngắm nhiều.
Tiệm bán bánh mì ở Khiva |
Người dân Uzbekistan thân thiện, hiếu khách bậc nhất ở Trung Á. Tại các quầy trái cây, bánh mứt, du khách được mời ăn thử thoải mái và không mua cũng không bị ai nhăn mặt! Đời sống Uzbekistan còn thấp, hơn nửa dân số sống bằng nông nghiệp. Có thể một phần vì vậy mà nhịp sống vẫn còn thong thả. Trên các đường phố ở Khiva cứ đi một đoạn lại thấy có quán trà. Quán trà là nơi đàn ông xứ này tụ họp, đa số họ vẫn mặc trang phục truyền thống là chiếc áo khoác dài từ đầu đến chân. Phụ nữ cũng mặc những chiếc áo dài thắt ngang lưng có khăn trùm kín đầu. Đặc biệt trang phục và nón đều được thêu tỉ mỉ.
Rời khu chợ cổ, đoàn phải ra xe cho kịp chuyến tàu. Ngoảnh đầu lại, dưới bầu trời cao xanh lồng lộng, giữa hoang mạc mênh mông cát vàng, những kiến trúc cổ có tường màu vàng sa thạch, mái vòm biêng biếc màu ngọc lam thực sự tạo nên một cảnh quan có một không hai trên thế giới.