Xe tải không người lái: Tại sao không?

26/09/2016 06:51

Cuối năm 2016, nước Anh dự kiến sẽ mở cửa các đường cao tốc dành cho xe tải không người lái.

Xe tải không người lái: Tại sao không?

Duel (Đọ sức), một trong những bộ phim đầu tay của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg, nói về một chiếc xe tải điên được điều khiển bởi những thế lực ma quỷ thay vì một tài xế thực sự. Hiện nay, các cảm biến, camera và phần mềm giúp điều khiển vô lăng của một số chiếc xe tải trên thế giới cũng được một số tài xế cho rằng là một thế lực ghê gớm tương tự, có thể đe dọa làm họ bị mất việc vì sự phát triển của công nghệ dẫn đến việc không còn cần tới người lái ngồi sau vô lăng nữa.

Thế nhưng, những lợi ích mà xe tải không người lái mang lại như chạy xe an toàn hơn, chi phí vận tải rẻ hơn sẽ lấn át nỗi đau về khả năng mất việc làm trong những năm sắp tới.

Cho đến nay, các hãng xe, ngay cả các hãng công nghệ rất háo hức nhảy vào cuộc đua phát triển những “anh hùng trên xa lộ”. Theo The Economist, dịch vụ gọi xe Uber dự kiến sẽ công bố thương vụ mua lại Otto, một startup của Mỹ đang phát triển bộ đồ nghề có thể trang bị thêm cho bất kỳ xe tải nào.

Trong khi đó, vào giữa tháng 8/2016, hãng xe Mỹ Ford cho biết Công ty dự định sẽ phát triển một chiếc xe không bàn đạp và vô lăng, dự kiến có mặt trên đường vào năm 2021. Thực tế, nhiều hãng đã đưa vào sử dụng loại xe tải không người lái. Chẳng hạn, tập đoàn khai khoáng Rio Tinto đã đưa những chiếc xe tải như thế làm việc tại một trong những mỏ quặng sắt của mình ở Úc. Trong khi đó, Volvo sẽ sớm bắt tay vào việc thử nghiệm xe tải không người lái tại một mỏ ở Thụy Điển. Mercedes-Benz, Iveco và hầu hết các nhà sản xuất xe tải khác đều có kế hoạch phát triển các xe tải không người lái.

Hồi đầu tháng 4/2016, hơn 10 chiếc xe tải không người lái được sản xuất bởi 6 hãng xe lớn nhất châu Âu gồm DAF, Daimler, Iveco, Man, Scania và Volvo đã có mặt ở bến cảng của Rotterdam, Hà Lan sau một cuộc thử nghiệm mà theo các nhà tổ chức, sẽ cách mạng hóa vận tải đường bộ trên các con đường cao tốc nhộn nhịp của châu Âu. Chúng được gọi là đoàn xe tự vận hành có kết nối với nhau. Theo đó, một đoàn xe gồm 2 hoặc 3 chiếc xe tải được điều khiển tự động và được kết nối qua mạng không dây; chiếc xe dẫn đầu sẽ quyết định lộ trình và tốc độ chạy trên đường.

Đây là cuộc thử nghiệm xuyên biên giới lần đầu tiên từ trước đến nay loại này, với những chiếc xe không người lái chạy từ các nhà máy ở những nơi xa xôi như Thụy Điển và miền Nam nước Đức, theo Eric Jonnaert, Chủ tịch một tổ chức đại diện cho 6 hãng xe DAF, Daimler, Iveco, MAN, Scania và Volvo. “Đoàn xe tự vận hành sẽ đảm bảo vận chuyển sạch hơn và hiệu quả hơn. Xe không người lái cũng góp phần vào an toàn đường bộ vì hầu hết các tai nạn xảy ra là do con người bị mất kiểm soát lái”, Bộ trưởng Môi trường và Hạ tầng Hà Lan Melanie Schultz van Haegen nhận xét.

Jonnaert cho biết lợi thế của đoàn xe tải không người lái là chúng chạy cùng một tốc độ, giúp đảm bảo thông suốt đường đi trên những tuyến đường kẹt xe ở châu Âu. Vì xe tải được kết nối không dây, nên chúng sẽ thắng cùng lúc để luôn duy trì cùng khoảng cách giữa xe trước với xe sau. Lợi ích của việc này là cho phép xe chạy sát nhau hơn, giúp giải phóng diện tích trên xa lộ cho các chiếc xe khác. Tuy nhiên, xe tải sử dụng trong cuộc thử nghiệm vẫn còn là bán tự động và mặc dù máy tính cho phép chúng tự điều khiển nhưng tài xế vẫn phải có mặt trên xe.

Những người ủng hộ xe không người lái cũng cho biết sẽ còn nhiều chướng ngại nữa cần phải vượt qua. Theo Jonnaert, chẳng hạn như việc chuẩn hóa các quy định trên khắp châu lục để cho đoàn xe không người lái có thể chạy thông suốt và thiết kế hệ thống cho phép giao tiếp giữa các xe tải khác nhau từ những nhà sản xuất khác nhau. “Đây là một phần trong hành trình tiến đến xe được tự động hóa ở mức độ cao”, ông nói.

Xe tải đã bắt kịp cùng những chiếc xe hơi trong việc thương mại hóa xe không người lái vì một số lý do. Thứ nhất, như Lior Ron - đồng sáng lập Otto chỉ ra xe tải không người lái mang đến cho các doanh nghiệp khoản lợi nhuận trên đầu tư rất rõ ràng qua việc cắt giảm chi phí nhờ nâng cao tính hiệu quả. Trong khi đó, những chiếc xe hơi không người lái lại bị phụ thuộc vào ý thích nâng cấp trải nghiệm của người tiêu dùng nếu họ muốn được trải qua những giây phút thoải mái, rảnh rang hơn sau vô lăng.

Nhưng những ai đam mê các hệ thống chạy tự động sẽ còn phải vượt ra rào cản về công nghệ vì công nghệ hiện tại vẫn cần những bác tài ngồi sau vô lăng. Hầu hết các hệ thống lái tự động đang được thiết kế dành cho đường cao tốc để xử lý trong các trường hợp như tăng tốc hoặc thắng xe. Trong khi đó, vẫn cần một tài xế lái xe tải chạy trên các con đường nhỏ hơn vào, ra trên các tuyến đường giao thông huyết mạch. Họ sẽ cần phải giữ vô lăng trong các trường hợp khẩn cấp. Nhưng rõ ràng, lợi ích có thể thấy rõ. Xe tải không người lái có thể chạy trong nhiều giờ hơn và với những phần mềm được tối ưu hóa, xe tiêu tốn ít nhiên liệu hơn so với khi chúng được điều khiển bởi con người. Độ an toàn chạy xe cũng cao hơn.

Một thuận lợi nữa là dễ phát triển các hệ thống tự động cho xe tải hơn là cho xe hơi, vì xe hơi phải làm sao đi tốt trên mọi loại địa hình. Còn xe tải chủ yếu chạy trên xa lộ, nên sẽ dễ dàng hơn nhiều khi lái tự động, so với chạy trong thành phố, bởi trên xa lộ, mọi chiếc xe đều đi cùng một hướng với tốc độ cao và nhất quán. Họ cũng không phải lo lắng về người đi bộ băng qua đường hay những điểm mù mà rất dễ bắt gặp ở các ngã quẹo, cua gấp trong đô thị.

Chướng ngại vật chủ yếu có lẽ là việc lái xe tải ở các nước giàu là một ngành lâu đời, được thống trị bởi các công ty nhỏ. Việc thuyết phục họ thay đổi và trả tiền cho các công nghệ mới sẽ không dễ dàng. Otto ước tính, bộ đồ nghề trang bị cho xe tải (vẫn cần một tài xế ngồi trong cabin) sẽ có mặt vào khoảng năm 2020, với chi phí 30.000 USD.

Ngoài ra, theo Stephan Keese, thuộc hãng tư vấn Roland Berger, các khoản tiết kiệm chi phí lớn sẽ chỉ có thể đạt được, khi mức độ lái tự động cao hơn cho phép chủ xe từ bỏ tài xế hoàn toàn. Điều này sẽ mất một thời gian dài nữa mới thành hiện thực. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng công nghệ để xe tải (cũng như xe hơi) có thể hoàn toàn lái tự động sẽ không có mặt trên thị trường trước năm 2030 và sau đó sẽ mất nhiều năm mới có thể trở thành hình ảnh thông dụng trên đường.

Nhưng điều đó không ngăn một số nước thử đưa vào vận hành xe tải không người lái. Cuối năm 2016, nước Anh dự kiến sẽ mở cửa các đường cao tốc dành cho xe tải không người lái, như một phần trong kế hoạch mới nhằm đẩy nhanh thời gian giao hàng và giảm kẹt xe trên các con đường đông đúc ở nước này.

>Xe buýt tự lái ở Phần Lan

>TEB - mẫu xe buýt "không sợ" kẹt xe của Trung Quốc

>Máy bay không người lái nhanh nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xe tải không người lái: Tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO