ASEAN sẽ là thị trường ôtô lớn thứ 6 thế giới

THỦY PHẠM/DNSG cuối tuần| 28/08/2012 04:52

Dù không một quốc gia nào thuộc khối ASEAN lọt được vào top 10 thị trường lớn nhất thế giới, nhưng vào năm 2018, khi CEPT - Chương trình ưu đãi thuế quan giữa các nước trong khu vực ASEAN - có hiệu lực thì ASEAN sẽ trở thành thị trường lớn thứ 6 trên thế giới.

ASEAN sẽ là thị trường ôtô lớn thứ 6 thế giới

Dù không một quốc gia nào thuộc khối ASEAN lọt được vào top 10 thị trường lớn nhất thế giới, nhưng vào năm 2018, khi CEPT - Chương trình ưu đãi thuế quan giữa các nước trong khu vực ASEAN - có hiệu lực thì ASEAN sẽ trở thành thị trường lớn thứ 6 trên thế giới. Đó là nhận định vừa được Công ty Frost & Sullivan (chuyên nghiên cứu thị trường) đưa ra tuần qua.

Đọc E-paper

Nhà máy mới của Ford tại Thái Lan, nơi vừa cho ra mắt mẫu xe Focus mới

Khi thuế suất bằng 0, mức tiêu thụ xe sẽ tăng gấp đôi

Theo nhận định của ông Vijayendra Rao - Giám đốc nghiên cứu dự án về ôtô tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Frost & Sullivan, tới năm 2018, lượng xe hơi tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á sẽ đạt đến 4,7 triệu chiếc các loại, tăng gần gấp đôi so với con số của năm 2011 (2,4 triệu chiếc).

Dự đoán này dựa trên việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN từ năm 2010, theo đó thuế suất nhập khẩu xe hơi và linh kiện xe hơi được sản xuất tại các nước ASEAN giảm dần tới mức 0% vào năm 2018.

Sự thống nhất thị trường chung Đông Nam Á đối với ngành công nghiệp ôtô tất nhiên tạo được lực hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt khi mà khu vực này có tới mười quốc gia thành viên nhưng chỉ ngành công nghiệp ôtô của Malaysia có được thương hiệu nội địa duy nhất (Proton), còn các quốc gia khác đều trông chờ vào các sản phẩm liên doanh với những thương hiệu lớn, chủ yếu là các đối tác Nhật Bản, Mỹ.

Các nhà sản xuất linh kiện gốc (Toyota, Honda, Nissan, General Motors, Ford Motor…) đã chuyển hướng đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại một vài nước trong khối ASEAN. Mặt khác, Thái Lan và Indonesia đang dần trở thành hai trung tâm sản xuất ôtô của khu vực Đông Nam Á và xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực.

Căn cứ vào những yếu tố đó, có thể thấy dự báo về thị trường ôtô lớn thứ 6 thế giới đang dần trở thành hiện thực.

Thử nhìn về trung tâm sản xuất ôtô của Đông Nam Á

Toyota đã quyết định đầu tư thêm khoảng 260 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ 5 của mình tại Thái Lan, nơi họ đang là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực xe hơi và cũng là thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất tại đây (36,5% trong năm2011 và tháng 2/2012 đã tăng lên 47,4%).

Giữa năm nay, nhà máy thứ 3 của Ford tại Thái Lan với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD cũng đã chính thức đi vào hoạt động và sản phẩm đầu tiên vừa được họ tung ra thị trường Đông Nam Á là chiếc Focus mới.

Với dân số 240 triệu người, Indonesia được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn của ngành công nghiệp ôtô. Đầu năm nay, Toyota đã thông báo về việc đầu tư 534 triệu USD vào nhà máy thứ 2 ở đảo quốc này.

Rất nhanh chóng, từ năm 2013, nhà máy đó sẽ đi vào hoạt động, cung cấp cho thị trường mỗi năm 70.000 chiếc xe. Mục tiêu của Toyota là tới năm 2014 sẽ sản xuất được 230.000 xe/năm tại Indonesia. Cũng cần biết rằng mức tiêu thụ ôtô tại nước này đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với gần 900 ngàn xe các loại, tăng 17% so với năm 2010.

Thái Lan hoặc Indonesia cũng đang trong tầm ngắm của tập đoàn sản xuất ôtô số 1 Ấn Độ để đầu tư một nhà máy mới tại khu vực ASEAN với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, có công suất từ 50.000 đến 60.000 xe/năm.

Theo nhận định của ông Vijayendra Rao, tới năm 2013, lượng xe hơi mới xuất xưởng được tiêu thụ ở Thái Lan và Indonesia đều sẽ đạt khoảng một triệu chiếc. Nếu ở Indonesia, xe được sản xuất ra sẽ tập trung chủ yếu cho thị trường nội địa thì ở Thái Lan, luồng xe hướng đến xuất khẩu sẽ tăng mạnh.

Châu Á, Trung Đông và châu Đại Dương sẽ là ba thị trường xuất khẩu chính của ngành công nghiệp ôtô Thái Lan. Có tới 73,9% tổng số xe xuất khẩu từ Thái Lan trong năm 2011 đã tới các thị trường vừa nêu.

Bên cạnh dòng xe pick up mà Thái Lan đang là nước xuất khẩu số 1 thế giới (nước này cũng là thị trường tiêu thụ xe pick up lớn thứ 2 thế giới), trong thời gian tới, các nhà sản xuất ôtô Thái sẽ chú trọng phát triển dòng xe du lịch và xe xanh, nhắm vào thế hệ người tiêu dùng trẻ.

Chính ông Vijayendra Rao dự đoán rằng những sản phẩm mới sẽ ra lò ở Thái Lan cơ bản thuộc dòng xe hatchback, xe phong cách thể thao và ba thương hiệu xe sẽ tiếp tục dẫn đầu tại thị trường này vẫn có nguồn gốc Nhật Bản, gồm Toyota, Honda và Nissan.

Đây cũng sẽ là những dòng xe có tiềm năng phát triển nhất tại khối ASEAN trong thời gian tới vì theo dự báo thì nhu cầu về dòng xe chở khách (bao gồm xe du lịch, xe đa dụng) ở thị trường Đông Nam Á sẽ tăng từ 1,5 triệu chiếc (năm 2011) lên 3,1 triệu chiếc (năm 2018), còn dòng xe thương mại sẽ tăng chậm hơn, nhưng cũng từ 780 ngàn chiếc (năm 2011) lên đến 1,6 triệu chiếc (năm 2018).

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Được lắp ráp tại nhà máy Mercedes Benz Việt Nam, mẫu xe sedan hạng trung sang trọng E-Class dẫn đầu trong phân khúc này nhờ lợi thế về giá và dịch vụ sau bán hàng

Nhắm tới cột mốc 2018, cứ nhìn vào tính toán đầu tư của các tập đoàn sản xuất quốc tế ở khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là thị trường ít cơ hội. Các nhà đầu tư Nhật vốn nhanh nhạy nhất trong việc xây dựng nhà máy ở nước ngoài đã chọn Thái Lan và Indonesia để phục vụ mục tiêu chiến lược “Một ASEAN”.

Hiện nay, tại Thái Lan, thương hiệu xe Nhật chiếm tới hơn 85% thị phần, phần ít ỏi còn lại được chia cho Chevrolet của General Motors (4%), Ford (3,7%) và các thương hiệu khác (6,4%). Cả Toyota Việt Nam lẫn Ford Việt Nam đều cho hay chưa có kế hoạch đầu tư thêm vào nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.

Trên thực tế, không ít mẫu xe của các liên doanh tại Việt Nam đã chuyển dần sang dạng nhập khẩu từ Thái Lan, trong đó 100% các mẫu xe bán tải (pick up) của Toyota, Ford, Mitsubishi, Isuzu, Nissan đều được nhập khẩu từ nước này với mức thuế hiện chỉ 5%.

Cơ hội đầu tư vào ngành sản xuất ôtô Việt Nam, nếu có, nhiều khả năng đến từ các hãng xe châu Âu. Việt Nam từng có cơ hội là nơi lắp ráp xe BMW đầu tiên của khu vực ASEAN, nhưng rồi BMW đã rút khỏi dây chuyền lắp ráp của liên doanh ôtô Hòa Bình để chuyển sang đầu tư tại Thái Lan.

Hiện nay, nhà máy của BMW tại Thái Lan có công suất 10.000 xe/năm, là nhà máy duy nhất ngoài lãnh thổ Đức có khả năng sản xuất bảy mẫu xe mới của BMW. Hướng đi của nhà máy này là sản xuất và xuất khẩu ôtô sang các nước Đông Nam Á, đầu tiên là đến Indonesia.

Gần đây, đại diện của Volkswagen tại Việt Nam cũng đánh tiếng về khả năng nhà sản xuất xe lớn nhất châu Âu này đặt nhà máy đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam, nhưng ý kiến đó xem ra chỉ là dự kiến không khả thi vì Việt Nam là thị trường tiêu thụ nhỏ, lại bị hạn chế bởi nhiều chính sách thuế, phí hạn chế ôtô cá nhân.

Nếu nhìn nhận kỹ hơn thì may chăng Mercedes-Benz đang có cơ hội đầu tư thực tế hơn cả. Lý do là hiện nay Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có nhà máy lắp ráp xe Mercedes-Benz và cũng là thị trường có tốc độ phát triển dòng xe sang này vào loại nhanh nhất trong khu vực.

Ông Michael Behrens - Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam cho biết: “Trong thời gian ba năm, tính đến năm 2012, Mercedes-Benz Việt Nam đã và đang đầu tư hơn 23 triệu USD vào trang thiết bị nhà xưởng và đại lý. Chúng tôi mới bổ sung thêm 10 triệu USD để phát triển hệ thống mạng lưới đại lý, nâng tổng vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD”.

Tất nhiên, nếu so với hàng trăm triệu USD đầu tư cho các nhà máy mới ở Thái Lan hay Indonesia thì con số 33 triệu USD còn rất khiêm tốn, chủ yếu dành cho việc phát triển đại lý bán hàng và làm dịch vụ hậu mãi hơn là mở rộng sản xuất. Hiện Mercedes-Benz Việt Nam cũng chưa có thông tin nào về việc xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.„

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ASEAN sẽ là thị trường ôtô lớn thứ 6 thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO