Áp lực tháng Ngâu

Hồng Nga| 20/07/2019 06:10

Sức mua ngành ô tô thường “tụt dốc” vào tháng 7 âm lịch và năm nay, các doanh nghiệp ngành này còn bị tác động bởi xe nhập khẩu khi nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được ký kết.

Áp lực tháng Ngâu

Tác động kép

Tính chung trong 6 tháng qua, xe trong nước tiêu thụ được 91.731 chiếc, giảm 14%, trong khi xe nhập khẩu lên đến 62.542 chiếc, tăng đến 203% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo “nhịp độ sinh học” của thị trường, kể từ tháng 4 trở đi (sau Tết Nguyên đán), ngành ô tô rơi vào “vùng trũng” với đà suy giảm liên tiếp. Và hiện thị trường tiếp tục suy giảm mạnh khi “tháng Ngâu” đang đến gần. Nhiều người tiêu dùng Việt thường có tâm lý e ngại mua sắm những vật dụng có giá trị lớn trong “tháng Ngâu”, “tháng cô hồn” và vì vậy, thị trường ô tô cũng bị ảnh hưởng mạnh.

Không chỉ vậy, thị trường ô tô Việt Nam còn bị tác động bởi xe nhập khẩu. Khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết cũng là lúc các dòng xe ngoại tràn vào. Và kể từ ngày 1/1/2018, khi các dòng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% cũng là lúc xe từ các nước trong khu vực về càng nhiều. Và trong khi sức mua thị trường giảm nhưng số lượng xe nhập khẩu vẫn tăng.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5/2019, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đã tăng đến 32% so với tháng trước. Cụ thể, có đến hơn 14.300 chiếc ô tô với kim ngạch 308 triệu USD được nhập khẩu về Việt Nam trong tháng này. Thị trường nhập khẩu chủ yếu đến từ hai nước có nền công nghiệp ô tô phát triển nhất tại khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Thái Lan. Và tính từ đầu năm đến nay, xe từ hai quốc gia này chiếm đến 98% tổng số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Kích cầu sức mua

Trước tình cảnh sức mua sụt giảm và sức ép từ xe ngoại nhập, các hãng ô tô đã phải liên tục thực hiện các chương trình kích cầu như giảm giá bán, tặng quà có giá trị cho khách mua xe. Điển hình như Honda Việt Nam giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng từ 25-40 triệu đồng đối với mẫu xe CR-V. Nhiều đại lý của Honda còn tặng các gói bảo hiểm vật chất và phụ kiện có giá trị lên đến 50 triệu đồng cho khách hàng. Mẫu xe lắp ráp trong nước Nissan X-Trail giảm giá đến 150 triệu đồng. Một số đại lý kinh doanh các dòng xe thương hiệu này bán xe Nissan X-Trail chỉ ở mức 790-795 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ mà doanh nghiệp này đưa ra là 899 triệu đồng. 

Rất nhiều mẫu xe đa dụng dù được ưa chuộng nhưng các doanh nghiệp vẫn cùng đại lý phân phối giảm giá bán để kích cầu sức mua. Trong đó, Ford Việt Nam kết hợp với các đại lý giảm giá cho nhiều mẫu xe, như Ford Everest giảm 60-70 triệu đồng, Ford Ecosport giảm 50-70 triệu đồng (tùy phiên bản), Ford Explorer giảm 100 triệu đồng. Tập đoàn Trường Hải (Thaco) giảm giá từ 50-66 triệu đồng cho các mẫu xe Mazda 2, và giảm 60-77 triệu đồng cho dòng Mazda 3. Mẫu xe Chevrolet Trailblazer cũng được nhà phân phối VinFast giảm giá đến 100 triệu đồng, còn 785-966 triệu đồng. 

Cuộc đua bán xe sẽ ngày càng quyết liệt trong thời gian tới. Ô tô nhập khẩu đã nhiều càng nhiều hơn nữa khi sắp tới đây xe từ các nước châu Âu nhờ hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ cùng với xe trong nội khối ASEAN tạo nên “thế lực” mới trên thị trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực tháng Ngâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO