Càng gần tới thời điểm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các tin tức bi quan về sự kiện này ngày càng dày.
Ngày 29/3 (giờ địa phương) là thời điểm Thủ tướng Theresa May dự kiến kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu các cuộc đàm phán Anh rời EU. Cuộc khủng hoảng mang tên "Brexit" này vẫn tiếp tục tạo ra tranh cãi, thậm chí đến mức hãng tin BBC bị dọa vì "đưa tin không trung thực, có hại cho Brexit".
Cơn lũ ngân hàng rời chỗ
Là một trong những thành viên mạnh nhất EU, Anh cũng là trung tâm tài chính của khối này. Việc rời khỏi EU đồng nghĩa hệ thống ngân hàng liên châu Âu tại đây sẽ có biến động lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế chung.
Một tin vui tuần trước là Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức đang được cho tiến hành đàm phán chuyển trụ sở tại Anh của họ sang khu City of London, với hợp đồng thuê 25 năm, Bloomberg cho biết.
Đây là động thái cam kết hiếm hoi trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng đang rút dần nhân lực, chi nhánh khỏi Anh do lo ngại rằng Brexit sẽ thay đổi cơ cấu thuế, luật pháp, nhân công... Thực tế ấy khiến chính phủ Anh phải lo lắng cho những kế hoạch hậu Brexit, mà trước mắt là tiền thuế từ các nhà đầu tư, công ty nước ngoài trong EU, và việc lao động người Anh mất việc.
Chính Deutsche Bank trong năm 2015 cũng dự đoán rằng 9.000 công việc sẽ bị xóa sổ tính đến năm 2018, và thực tế trong năm 2016 - thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu Brexit, số công ty thuê mặt bằng ở trung tâm London đã giảm 19% so với năm trước.
Frankfurt (Đức) và Dublin (Cộng hòa Ireland) đang được cho là những thành phố hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc “chia tay” của Anh và EU. Nhóm những ngân hàng lớn như Bank of America, Standard Chartered và Barclays đang xem xét khả năng lấy thủ đô của Ireland làm địa điểm đặt trụ sở làm ăn với EU, để đảm bảo tiếp nối sự hơp tác với thị trường này, Independent dẫn lời những người từng tiếp cận với kế hoạch trên. Trong khi đó, Goldman Sachs và Citigroup được cho là thuộc nhóm các ngân hàng nhắm tới Frankfurt.
Frankfurt có lợi thế là địa điểm của Deutsche Bank, European Central Bank và BaFin, còn Dublin lại tồn tại nhiều luật lệ và quy định tương tự Anh, và sau khi Anh ra đi, Ireland là nước duy nhất còn lại trong EU sử dụng tiếng Anh.
>>Lãnh đạo Deutsche Bank cảnh báo Anh về những hậu quả xấu nếu rời EU
Nỗi lo kinh tế
Hãng bánh kẹo đa quốc gia Cadbury hôm 24/3 cho biết họ sẽ cố trụ lại Anh, nhưng buộc phải tăng giá hoặc giảm kích cỡ những mặt hàng của mình xuống, theo The Guardian. Câu chuyện về những viên kẹo này phản ánh phần nào sự chuẩn bị của người dân Anh, của các công ty trước nguy cơ “cơn bão suy thoái” hậu Brexit.
Các báo cáo phân tích của The Guardian cho thấy người Anh đang đối mặt với cảnh "thắt lưng buộc bụng" về mức sống, sau khi lạm phát tăng nhanh và số tiền chi trả đã giảm đáng kể trong cùng thời gian. Khoảng 9 tháng từ thời điểm bỏ phiếu trưng cầu rời EU, lạm phát đã tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm qua, doanh số bán lẻ mất đà và mức chi trả chậm lại bất chấp tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ gần đây.
Và dù chứng khoán, nhà đất khả quan, song đồng bảng Anh vẫn giảm khoảng 16% so với USD, như một hệ quả của một nền kinh tế phụ thuộc nặng vào nhập khẩu, theo The Guardian.
Giáo sư kinh tế học tại Đại học Dartmouth (Mỹ), ông David Blanchflower nhận định: "Với giá cả và đồng lương đi theo hai chiều khác nhau, người tiêu dùng đang chuẩn bị chao đảo trong năm 2017. Khó thấy được những tin tức tốt lành về kinh tế trong tháng 3 này. Cuộc bỏ phiếu Brexit giờ bắt đầu cho thấy những hậu quả tiêu cực và tất cả chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn".
Ngay trước thềm Brexit tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker lần nữa khẳng định việc rời EU sẽ khiến Anh phải trả khoản tiền 50 tỷ bảng (65 tỷ USD). Đây dự kiến cũng là gánh nặng thuế mà người Anh phải chịu sau cuộc “ly hôn” với châu Âu.
Trong bài viết cho The Guardian tuần trước, ông Juncker cũng nhấn mạnh rằng những chính trị gia Anh vốn ủng hộ Brexit không nên đổ lỗi cho EU trước những khó khăn sắp tới.
"Chúng ta không nên giả vờ rằng một mình EU có thể giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ, EU có rất ít quyền lực ở 3 trên 4 lĩnh vực chính sách thường gây tranh cãi nhiều nhất trong các cuộc bầu cử Anh: chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi. Ở lĩnh vực thứ tư, tức vấn đề nhập cư, tự do đi lại là một phần của riêng EU mà Anh luôn ủng hộ mạnh mẽ, và là một quyền với những giới hạn rõ ràng. Thêm vào đó, đa phần dân nhập cư đến Anh từ bên ngoài EU, mà chính quyền Anh hoàn toàn kiểm soát chính sách...", ông Juncker viết.
>>Thuế - Chính sách giữ chân doanh nghiệp hậu Brexit của Anh