Nông sản xuất khẩu sang Đức: Không những sạch và ngon, mà còn phải đẹp

Lan Ngọc| 11/05/2022 06:01

Cộng hòa Liên bang Đức có nhu cầu lớn về nông sản. Tuy nhiên, thị phần nông sản Việt Nam tại Đức chưa nhiều, một trong những nguyên nhân chính là chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa cao.

Theo thống kê của Trade Map (hệ thống dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước do Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC thiết lập), nhập khẩu hàng hóa của Đức năm 2020 trị giá khoảng 1.200 tỷ USD, là nước trong khối EU nhập khẩu nhiều nhất rau quả tươi và chế biến (khoảng 23,1 tỷ USD); chè, cà phê, gia vị (khoảng 4 tỷ USD); thủy sản chế biến (khoảng 1,65 tỷ USD)... Đó đều là những nông sản Việt Nam có thế mạnh, có thể khai thác cơ hội để xuất khẩu sang Đức.

Bộ Công Thương cho biết, dù đại dịch Covid-19 gây rất nhiều khó khăn đến giao thương với thế giới, thị trường Đức vẫn là một điểm sáng về tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Đức năm 2021 đạt trên 11,13 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 7,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020. Quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021 (xuất siêu 1,2 tỷ USD). Trong số các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Đức có nhóm nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam chưa thực sự có thị phần đáng kể ở thị trường Đức. Năm 2021, Đức mới nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 2,9 triệu USD giá trị rau củ, chỉ chiếm 0,04% tổng kim ngạch nhập khẩu dòng hàng hóa này; tương tự, hoa quả và hạt các loại đạt khoảng 290,4 triệu USD, chiếm 2,2%; trà, cà phê và gia vị khoảng 453 triệu USD, chiếm 9%.

MIH4755-1-8298-1652150439.jpg

Theo ông Võ Văn Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, nguyên nhân là nông sản của Việt Nam chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khi xuất khẩu DN thường phải thu mua hàng từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không đồng đều.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Đức có lô thì đảm bảo chất lượng, có lô không đạt chất lượng. Tình trạng này tiếp tục diễn ra nên uy tín của DN xuất khẩu Việt Nam bị giảm sút, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững tại thị trường này.

Thông tin từ phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, người tiêu dùng Đức rất thích trái cây châu Á, trong đó có trái cây của Việt Nam. Cà phê của Việt Nam cũng đã có mặt tại thị trường Đức, nhưng chủ yếu ở dạng thô và thông qua trung gian. Đã có những nhà cung cấp cà phê Việt Nam tiếp cận thị trường Đức, song chủ yếu là các công ty nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính để tạo nguồn cung lớn sản phẩm.

Thương vụ Việt Nam tại Đức cho hay, DN Việt Nam có thể cung ứng trực tiếp cà phê cho các nhà máy rang xay tại Đức, hoặc liên kết thương hiệu với nhà nhập khẩu để chế biến cà phê xuất khẩu sang Đức. Những sản phẩm từ trái cây như đồ uống, hương vị trái cây... cũng rất có tiềm năng xuất khẩu vào Đức do người tiêu dùng nước này khá ưa chuộng dòng sản phẩm này. DN Việt Nam có thể cung ứng trực tiếp tới khách hàng có kênh phân phối những sản phẩm này tại Đức.

Người tiêu dùng Đức rất trung thành với những thương hiệu quen thuộc. Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng Đức sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa họ đã sử dụng khi được tin tưởng. Nếu DN Việt Nam có sản phẩm đảm bảo chất lượng, thương hiệu uy tín sẽ khai thác tốt yếu tố này.

DN Việt Nam cần lưu ý, khi xuất khẩu nông sản sang Đức, sản phẩm không những phải đáp ứng về chất lượng cao, ngon, sạch mà mẫu mã, bao bì phải đẹp. Người tiêu dùng Đức rất trung thành với những thương hiệu quen thuộc.

Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng Đức sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa họ đã sử dụng khi được tin tưởng. Nếu DN Việt Nam có sản phẩm đảm bảo chất lượng, thương hiệu uy tín sẽ khai thác tốt yếu tố này, bởi người tiêu dùng Đức ngày càng cởi mở hơn với các thương hiệu hàng hóa quốc tế ngoài châu Âu.

Đức cũng như thị trường các nước EU, khi nhập khẩu hàng hóa đều có rào cản kỹ thuật khắt khe. Do đó, khi xuất khẩu sang Đức, cần nghiên cứu kỹ các quy định về chất lượng hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, các quy định phi thuế quan. 

Ông Bùi Vương Anh - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Đức khuyến nghị DN Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang Đức cần điều chỉnh quy trình sản xuất (nếu cần) để đáp ứng yêu cầu của thị trường và người mua. Tăng cường thiết lập và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và xu hướng thị trường.

Tích cực tham gia hội chợ thương mại quốc tế, các chương trình xúc tiến thương mại là cách hữu hiệu để giới thiệu sản phẩm đến với đối tác tiềm năng. Khi mới tiếp cận thị trường Đức, nên bắt đầu với số lượng hàng hóa ít để tránh sai sót về chất lượng, khi đạt được sự tin tưởng từ khách hàng mới tăng khối lượng. Cần tìm kiếm, lựa chọn các đối tác tin cậy, tránh tư tưởng kinh doanh ngắn hạn, xác minh kỹ đối tác trước khi đặt bút ký hợp đồng để tránh rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông sản xuất khẩu sang Đức: Không những sạch và ngon, mà còn phải đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO