Những nghệ nhân cuối cùng ở các làng dệt vải danh tiếng đều đang đứng trước nguy cơ bị thị trường quên lãng. Một sự kết nối lẻ loi từ những nhà thiết kế tâm huyết đang muốn tìm một dấu ấn không đủ để tạo nên sinh khí cho làng nghề.
Đọc E-paper
Những nghệ nhân cuối cùng
Lãnh Mỹ A - cái tên của một loại lụa ở thị xã Tân Châu, An Giang chỉ đọng trong trí nhớ những người già. Lãnh Mỹ A đưa sang một hội chợ lụa Thái Lan năm ngoái, người làm lụa Thái Lan đã rất chú ý, tuy giá hơi "chát". Thực tế đó khiến chúng tôi muốn một lần nhìn tận mắt quê hương của thứ lụa trứ danh này.
Lãnh Mỹ A một thời chiếm lĩnh thị trường vải ở miền Nam, người phụ nữ nào cũng thích mặc quần làm từ loại lụa quyến rũ này, nay đã lùi về quá khứ bởi không thể cạnh tranh với vải tổng hợp.
Chúng tôi đã gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Cúc đại diện một gia đình cuối cùng đang làm lãnh Mỹ A thủ công tại Tân Châu. Bà Nguyễn Thị Cúc có 7 chiếc máy dệt và 10 công nhân, một năm sản xuất khoảng 2000 - 3000 mét lụa và có khả năng làm tới 10.000 mét.
Bà Cúc cho biết: "Nếu gia đình tôi không ai theo nghề này nữa, nếu không đào tạo thợ trẻ, nếu bị thị trường đào thải thì nghề lụa tơ tằm thủ công ở Tân Châu sẽ mất". Nghe thật nao lòng khi nghĩ những kỹ thuật dệt thủ công truyền thống như vậy rồi một ngày nào đó sẽ thất truyền như rất nhiều nghề khác.
Nghề tơ lụa của Tân Châu có cách làm rất riêng, đặc biệt họ nắm giữ những bí quyết làm chất nhuộm lụa từ trái mặc nưa và một số cây cỏ khác để tạo ra dòng sản phẩm không lẫn lộn, hoàn toàn không có hóa chất.
Ở Làng lụa Hội An, chúng tôi gặp 3 nghệ nhân người Chăm đến từ làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đang dệt thổ cẩm cho du khách xem. Gia đình người Chăm này gồm hai chị em là bà Đàng Thị Tình (68 tuổi), bà Đàng Thị Muốn (59 tuổi) cùng người anh rể là ông Quản Đầm (78 tuổi).
Tại sao lứa tuổi ấy, ông bà vẫn có thể rời khỏi làng, ngày ngày ngồi một nơi xa quê hương dệt thổ cẩm như vậy? Nghệ nhân Đàng Thị Tình kể: "Người làm nghề dệt vải, để sản phẩm sống được phải không ngừng sáng tạo trên những nét đặc trưng mang tính bản sắc. Công việc khó, thu nhập lại không cao nhưng vẫn phải giữ lấy cái nghề. Nếu không giữ nghề thì khi mình qua đời, nghề của cha ông mai một. Sẽ không còn ai biết đến mặt hàng thổ cẩm từng tồn tại và nổi tiếng mấy trăm năm qua. Mình không giữ thì cũng khó truyền cho con cháu. Cũng may tôi có đến 5 đứa con nối nghề bố mẹ. Và trong hầu hết các gia đình Chăm theo nghề dệt lụa đều có con cháu nối nghề”.
Nghệ nhân Đàng Thị Tình |
Dù sao đó là một tin vui vì thổ cẩm Chăm luôn được người Chăm sử dụng trong đời sống, lễ hội nên vẫn tồn tại, đồng thời thu hút du khách nên có đất phát triển, tuy không mạnh mẽ.
Một chuyên gia của Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) - Giáo sư Kohora trong nhiều chuyến khảo sát ở làng Đường Lâm (Hà Nội) và Tân Châu (An Giang) đã đánh giá rất cao giá trị văn hóa của nghề tơ lụa truyền thống và chỉ ra những nguyên nhân thất nghề là ở chỗ thị trường đào thải, người tiêu dùng không thích ứng được với lụa truyền thống do giá cao, khó giặt, khó tiếp cận với thời trang ứng dụng.
Không chịu "bó gối"
Nghệ nhân Đỗ Quang Hùng - một cái tên nổi tiếng với thương hiệu áo dài cách tân OZ đang làm cho giới trẻ Hà Nội chú ý đến lụa Vạn Phúc hay lụa Hà Đông.
Đỗ Quang Hùng là một nghệ nhân hiếm hoi đã mạnh dạn bước vào thị trường tơ lụa với cách đi hiện đại, có nhà thiết kế riêng, có đội ngũ tiếp thị nhạy bén với các phân khúc mới của thị trường. Thương hiệu lụa OZ chắt chiu những dòng sản phẩm lụa thủ công với chất lượng cao. Một chiếc áo lụa, chỉ riêng nguyên liệu đã có giá thành trên 1 triệu đồng, nếu thành phẩm có thể có giá đến 3 triệu đồng.
Đó cũng là một khó khăn để lụa Hà Đông trở lại từ câu thơ nổi tiếng của Nguyên Sa "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng". Không phải tự nhiên Nguyên Sa làm mấy câu thơ như vô tình ấy, mà nhà thơ hiểu rất rõ đặc tính lụa Hà Đông: mùa Hè mặc thì mát, mùa Đông mặc lại ấm áp.
Trang phục lụa tơ tằm của OZ |
Những làng nghề cần một bước đi tương tự như nghệ nhân Đỗ Quang Hùng, có sự đầu tư vào đội ngũ thiết kế, định rõ phân khúc người sử dụng sản phẩm để kiên trì với dòng áo dài cách tân hay những trang phục hiện đại trên nền lụa truyền thống cao cấp.
Áo dài OZ luôn gây sự chú ý mỗi khi xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm bởi được định danh ở phân khúc cao cấp, cách trưng bày với đặc trưng văn hóa Việt rất sang trọng. Điều đó đã thu hút nhiều khách hàng đến tìm hiểu về lụa Vạn Phúc hay lụa Hà Đông.
Hầu hết nghệ nhân ở miền Bắc đều cố gắng tạo ra một lượng khách hàng riêng để đầu tư ổn định về lụa tơ tằm. Những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Thuận chỉ trung thành với thị trường Pháp, tất cả các sản phẩm đều làm theo "gu" của người Pháp, giá cao, nhưng khó khăn khi mở rộng thị trường.
Du khách lạ lẫm với nghề dệt vải truyền thống của Việt Nam |
Đến làng Vạn Phúc hôm nay, ai cũng thấy rợp trời lụa trên con phố phục vụ khách du lịch. Nhưng những người làm tơ tằm đều có chút băn khoăn. Hầu hết dòng tơ tằm truyền thống đã biến mất khi cơn lốc đô thị hóa đã xóa sổ vùng nguyên liệu. Các gia đình ở Vạn Phúc đã tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Thậm chí mẫu mã cũng thay đổi để thích ứng với nhu cầu sử dụng thực tế.
Chỉ lo một số chủ cơ sở sản xuất lẫn bán hàng đã không chịu nổi áp lực thị trường, từ bỏ dòng tơ lụa truyền thống cao cấp, thỏa hiệp với nguồn nguyên liệu tơ kém chất lượng.
Thậm chí ngay tại Vạn Phúc, khách du lịch vẫn có thể mua nhầm lụa nhập từ nước ngoài. Lụa này không hề kém chất lượng nhưng hoàn toàn không phải lụa Vạn Phúc, lụa Hà Đông truyền thống như mong muốn của người dùng.
Du lịch sẽ cứu làng nghề truyền thống? Ẩn số đó đã được nghiên cứu và thực hiện ở nhiều nơi. Tuy nhiên còn cần hơn việc nghiên cứu và bảo đảm những thông điệp văn hóa từ kỹ thuật, từ hoa văn và thói quen sử dụng lụa không bị mất đi như một vốn quí làm nền tảng cho phát triển sản xuất và du lịch.
Chuyện của bà Đàng Thị Tình - nghệ nhân Chăm sống và phục vụ du lịch tại Làng lụa Hội An - thật giản dị: "Tôi nuôi mười đứa con ăn học thành người nhờ cả đời ngồi dệt thổ cẩm Chăm. Mỗi khi chúng về thăm, tôi đều nhắc lại với các con, người Chăm chúng ta có vốn quí nhất là kỹ thuật dệt và hoa văn truyền thống. Các con có học, hãy làm sao để hai thứ đó đừng mất đi, hãy trả ơn cho thế hệ trước bằng cách ấy".
Và đó là lý do bà lặn lội ra Hội An làm việc, để mỗi ngày có cơ hội giới thiệu với du khách niềm tự hào giản dị của bà - thổ cẩm Chăm truyền thống.
>Thị trường tơ lụa: Thương hiệu cũ tìm công nghệ mới
>Ngành da giày: Làng nghề truyền thống chuyển mình cùng hội nhập
>Thương hiệu Việt có trở lại con đường tơ lụa thế giới?