Nợ công: Quá sớm để lo?

VÂN HẠ - KIM NGÂN| 14/11/2012 07:09

Theo dự báo của The Economist, đến năm 2013, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 75,7 tỷ USD. Hiện nay, vấn đề nợ công chưa được mổ xẻ nhiều vì không ít ý kiến còn chủ quan trong việc nhìn nhận nợ công, thay vào đó Việt Nam đang tập trung vào "nợ xấu".

Nợ công: Quá sớm để lo?

Theo dự báo của The Economist, đến năm 2013, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 75,7 tỷ USD. Hiện nay, vấn đề nợ công chưa được mổ xẻ nhiều vì không ít ý kiến còn chủ quan trong việc nhìn nhận nợ công, thay vào đó Việt Nam đang tập trung vào "nợ xấu".

Nợ công hay còn gọi là nợ chính phủ thường được phân thành nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).

Vào năm 2009, Chính phủ đã tung ra gói kích cầu trị giá 143.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng, ứng trước ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách giảm thuế, tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN).

Vào những tháng đầu năm 2012, Nhà nước lại tiếp tục tung gói hỗ trợ miễn giảm thuế 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này mới chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn chứ chưa thể giải quyết cơ bản tình hình.

Vốn vay được hỗ trợ lãi suất có thể được DN sử dụng không đúng mục đích, đảo nợ ngân hàng, gây lãng phí và thất thoát nguồn lực tài chính nhà nước.

Nếu như để tình trạng sử dụng "gói kích cầu" kém hiệu quả kéo dài, vòng xoáy suy thoái, kích cầu, lạm phát trở lại sẽ gây tác hại to lớn đến nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tạo áp lực lớn lên vấn đề thâm hụt ngân sách.

Bên cạnh đó, hiện tượng nhập siêu cũng là nguyên nhân gây ra bất ổn cán cân thanh toán tổng thể. Cụ thể, 10 tháng năm 2012, nhập siêu của Việt Nam là 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, trong đó 90% nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất trong nước cũng làm tăng sức nặng cán cân nhập khẩu.

Do nhập siêu cao đã dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, khiến lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sụt giảm.

55,4% GDP

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công, tổng số dư nợ công của Việt Nam hiện nay bằng 55,4% GDP

Ngân hàng Standard Chartered đã dự đoán tiền đồng mất giá 4,3% trong năm 2012. Lượng ngoại tệ thâm hụt khiến ngân sách sụt giảm theo, nguy cơ nợ công tăng nhanh là điều hoàn toàn có thể.

Nói đến nợ công, không thể bỏ qua vụ Vinashin bởi đây là một DN nhà nước điển hình gánh một khoản nợ nước ngoài rất lớn với hai khoản vay đã rõ ràng là 750 triệu USD nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh từ nguồn trái phiếu quốc tế và 600 triệu USD Vinashin tự vay nước ngoài.

Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khoản vay của Vinashin không được Chính phủ công khai bảo lãnh sẽ khiến nợ công xấu đi do không được đong đo chính xác mà cuối cùng Chính phủ vẫn phải chịu hậu quả.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, nợ của các DN nhà nước hiện nay ở mức cao, ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó Vinashin chiếm khoảng 86.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, "DN nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu".

Không thể không kể đến việc đầu tư công thiếu hiệu quả đang dần biến những nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển kinh tế trở thành những món nợ khó trả cho chính phủ, điển hình như hình thức tín dụng quốc tế ODA.

Bỏ qua một số ODA dưới dạng viện trợ không hoàn lại, hầu hết các khoản ODA đều là hình thức vay vốn ưu đãi nước ngoài nhưng luôn kèm theo những ràng buộc nhất định. Đặc biệt, nếu sử dụng nguồn vốn ODA không hiệu quả thì ý nghĩa "hỗ trợ" sẽ chuyển thành gánh nặng nợ công cho quốc gia.

Năm 2011, tổng chi ngân sách nhà nước là 100.167 tỷ đồng, vượt 13,8% so với dự toán, còn theo số liệu của Bộ Tài chính về bội chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2012 là 122.326 tỷ đồng, chiếm trên 6,2% GDP.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công, tổng số dư nợ công của Việt Nam hiện nay bằng 55,4% GDP. So với 58,7% GDP của năm 2011, thì con số này đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nếu đem so với ngưỡng "an toàn" 60% của Ngân hàng Thế giới (WB) hay IMF đưa ra, cộng với một số những khó khăn trong vấn đề xử lý khối nợ xấu lên đến 8,6% còn tồn đọng, thì nợ công của Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ vượt qua lằn ranh an toàn.

Việt Nam đang cố gắng thực hiện những việc làm cụ thể trước mắt nhằm đối phó với tình hình khó khăn hiện tại. Định hướng đến 2015, Chính phủ xác định vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi (tính cả trái phiếu chính phủ) dưới 4,5% GDP/năm.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo cán cân thu – chi, cán cân xuất – nhập khẩu, và đảm bảo hoạt động hiệu quả của các DN nhà nước được xem là những điều kiện cụ thể để Việt Nam giảm nợ công. Hơn nữa là việc tạo niềm tin về môi trường đầu tư trong nước và việc kiểm soát hiện tượng tham nhũng.

Nhưng về lâu dài, tất cả những điều trên chỉ có thể được thực hiện hiệu quả dưới sự quản lý đồng bộ, chặt chẽ và có định hướng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc tới vấn đề phát triển bền vững trong dài hạn, thay vì chạy theo những mục tiêu ngắn hạn trước mắt thông qua việc ổn định các biến số của nền kinh tế vĩ mô.

Còn quá sớm để nói về hậu quả của nợ công, nhưng nếu để "nước tới chân mới nhảy" thì Hy Lạp và châu Âu là một bài học mà Việt Nam cần hết sức lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ công: Quá sớm để lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO