Sau tham luận của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố cùng các chuyên gia, doanh nhân…, buổi tọa đàm đã diễn ra với nhiều ý kiến của doanh nhân, thể hiện sự quan tâm đến trách nhiệm phát triển kinh tế thành phố theo xu hướng bền vững.
Mở đầu tọa đàm, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP.HCM nhận định: “Trong bối cảnh có sự thiếu bền vững của nhiều DN hiện nay, các chủ DN cần phải chú trọng bồi dưỡng, đầu tư ba nền tảng chính: kinh tế, xã hội và môi trường”.
Theo ông, ba yếu tố trên đều là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Vừa qua, những bất ổn từ kinh tế, xã hội, môi trường đã khiến cho nhiều DN lao đao. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng một nền kinh tế bền vững thì cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN, phải làm cho hệ sinh thái chính sách phát triển hơn nữa để theo kịp với xu thế của thế giới.
Ông Phạm Phú Trường phát biểu mở đầu trong tọa đàm - Ảnh: Thanh Lâm |
Ông Nguyễn Ngọc Tịnh - Phó chủ tịch Hội Tư vấn và đại lý thuế TP.HCM cho rằng, phần lớn DN gặp khó khăn về tài chính và tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực và chủ DN cần phải xây dựng một kế hoạch lâu dài. Về lĩnh vực thuế, ông nhận xét còn rất nhiều doanh nhân trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp hay xem nhẹ các vấn đề về thuế.
“Một trong những nội dung chúng tôi quan tâm là làm sao cho các DN nước ngoài khi tới Việt Nam đầu tư không còn trốn thuế. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử đang có rất nhiều vi phạm về thuế, nếu chúng ta quản lý tốt thuế thì mỗi năm sẽ thu được số thuế khổng lồ, có thể lên tới 80 tỷ USD/năm” - ông Tịnh nêu quan điểm.
Ông cho biết để công tác kế toán thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế theo luật định và giảm thiểu những rủi ro, các chủ DN phải được cập nhật những kiến thức căn bản về pháp luật kế toán, pháp luật thuế. Bên cạnh đó, nhằm giúp cộng đồng DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước, lãnh đạo thành phố nên có những chương trình tư vấn, phản biện và góp ý về các chủ trương chính sách pháp luật nói chung, pháp luật thuế nói riêng thông qua các chương trình gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo và sở ban ngành thành phố, song hành việc hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế…
Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Nam Định tại TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Sadaco nhấn mạnh, sức sáng tạo, năng động, linh hoạt của DN TP.HCM là một đặc thù hoàn toàn khác biệt so với DN của các tỉnh thành khác. Hơn nữa, TP.HCM được tiếp cận với hệ thống khoa học kỹ thuật tiên tiến và có lợi thế là nằm trong khu vực nền kinh tế nông nghiệp phía Nam phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Nhà nước cần tác động vào điểm nào trong chuỗi cung ứng từng dòng hàng để tạo ra sức hút hình thành một trung tâm cung ứng và phân phối hàng hóa. Để giải quyết vấn đề này, ông Mạnh đề xuất thành lập “Sàn giao dịch hàng hóa”, đây là điểm trọng tâm, có giá trị nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Khi TP.HCM có sàn giao dịch từng dòng hàng chủ yếu, dòng chảy cung ứng hàng hóa sẽ lập tức dồn về, vừa cung ứng cho Thành phố vừa tỏa đi các tỉnh, thành trong cả nước, nâng cao vai trò dẫn dắt của DN TP.HCM và phát huy tối đa vai trò trung tâm kinh tế của cả nước.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững kiến nghị, để giúp cho đội ngũ doanh nhân phát triển trong bối cảnh mới, cần tập trung mọi nguồn lực chất xám cả trong và ngoài Thành phố, nghiên cứu đề xuất Trung ương có cơ chế đặc thù phù hợp (theo Nghị quyết 54/NQ-CP 2022), từ đó mới có thể khai thác mạnh mẽ ba nguồn lực cốt lõi và là thế mạnh của thành phố: đất đai, con người và công nghệ.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng muốn tháo gỡ những khó khăn thực tại cần thành lập thêm nhiều trung tâm phòng ban chuyên trách cho một số lĩnh vực đặc thù - Ảnh: Thanh Lâm. |
Ông Dũng đề xuất thành lập nhiều trung tâm phòng ban chuyên trách cho một số lĩnh vực đặc thù, đơn cử như trung tâm xử lý khủng hoảng DN - đây sẽ là nơi xử lý những sự cố của DN, bất cứ một vấn đề gì xảy ra, từ kinh doanh đứt gãy cho đến giấy phép kinh doanh, thuế,... đều sẽ thông qua kênh này để dẫn dắt, DN sẽ được hỗ trợ kịp thời và không phải tiếp tục bị động, hoang mang trước những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngoài ra ông Dũng cũng gợi ý thành lập trung tâm mô hình hóa công nghệ cao của thế giới, tập hợp những đặc trưng cốt lõi của những mô hình DN của các nước phát triển, giúp DN học tập và nghiên cứu ứng dụng; thành lập các khu công nghiệp liên hợp cao cấp về chế biến nông thủy sản chất lượng cao có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính, nhất là các thị trường trong khối FTA mà Việt Nam là thành viên; thành lập trung tâm ngoại giao và nghiên cứu hợp tác với các nền kinh tế lớn, các công nghệ cao của thế giới, làm cầu nối quan trọng giữa DN TP.HCM và các tỉnh thành.
Kết thúc tọa đàm, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM chia sẻ: “Thành phố của chúng ta có một đội ngũ doanh nhân hết sức tâm huyết với sự phát triển của đất nước, có khát vọng làm giàu cho quê hương và có trách nhiệm rất cao với cộng đồng, với xã hội”. Bà khẳng định với sự năng động, sức sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, DN, TP.HCM sẽ phát triển hơn trong tương lai gần.