Nước Mỹ đã chứng kiến nhiều bản Thông điệp Liên bang quan trọng đem lại những thay đổi lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ.
Hiến pháp Mỹ quy định hàng năm các tổng thống có nhiệm vụ phải trình bày trước quốc hội lưỡng viện về tình hình đất nước, cũng như đưa ra các chính sách tương lai của chính phủ để quốc hội xem xét. Nội dung trình bày này được gọi là Thông điệp Liên bang.
Với tính chất và ý nghĩa quan trọng, nhiều thông điệp liên bang đã có tác động lớn, thậm chí góp phần định hình đường hướng chính sách của nước Mỹ trong thời gian dài, theo Tribune de Genève.
Thông điệp định hướng quan hệ với châu Âu
Trong Thông điệp Liên bang ngày 2/12/1823, Tổng thống thứ 5 của Mỹ James Monroe đã giới thiệu học thuyết mới, mang tên ông, định hướng chiến lược ngoại giao của Mỹ đối với châu Âu trong hơn một thế kỷ.
Học thuyết này nhấn mạnh châu Mỹ thuộc về người Mỹ. Theo đó, những nỗ lực của các nước châu Âu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy Mỹ sẽ có quyền can thiệp.
Học thuyết cũng cho rằng châu Mỹ và châu Âu được phân tách bởi Đại Tây Dương rộng lớn, mỗi châu lục có nhiệm vụ riêng. Mỹ sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hiện thời, cũng như tình hình nội bộ của các nước châu Âu.
Nội dung của học thuyết đã được duy trì hơn 100 năm với vài thay đổi nhỏ. Mục đích chính của nó là để cho các quốc gia châu Mỹ Latin mới giành được độc lập không bị can thiệp bởi các nước châu Âu, tránh tình trạng châu Mỹ trở thành chiến trường của các cường quốc châu Âu.
Chính sách bãi bỏ chế độ nô lệ năm 1862
Ngày 1/12/1862, thời điểm cao trào của cuộc nội chiến Mỹ, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Abraham Lincoln nhấn mạnh muốn cứu Nhà nước Liên bang, cần thiết phải bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông đã yêu cầu quốc hội thông qua một số đạo luật giải phóng nô lệ nhằm đem lại tự do cho người da đen ở miền nam, cho phép họ có thể rời khỏi nước Mỹ nếu muốn.
"Chúng ta không thể trốn tránh lịch sử. Bằng cách trao trả tự do cho họ, chúng ta đã đảm bảo quyền tự do cho những con người tự do. Đó là con đường được cả thế giới chào đón và Chúa trời phù hộ", ông khẳng định.
Tuyên bố của ông Lincoln thực sự là động lực mạnh mẽ cho những người nô lệ mạnh dạn đứng lên đấu tranh giành quyền sống và chiến đấu, đưa cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng trong giai đoạn sau này.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nền kinh tế Mỹ. Nền kinh tế chủ yếu dựa trên bóc lột sức lao động của nô lệ ở miền nam bị lung lay đến tận gốc, buộc thế lực chủ nô phải thay đổi phương thức kinh doanh. Các lực lượng chống sở hữu nô lệ ở miền bắc thắng thế, tạo điều kiện cho kinh tế công thương nghiệp phát triển trên toàn nước Mỹ.
Về mặt xã hội, nó làm cho cuộc nội chiến Mỹ chuyển sang một thời kỳ mới với ưu thế hoàn toàn thuộc về phe Liên bang, vì có sự ủng hộ và tham gia ngày càng lớn của người dân. Xã hội Mỹ bước vào giai đoạn tiến bộ hơn, người da trắng hay da đen cũng đều được công nhận là công dân Mỹ. Văn hóa của người da đen có cơ hội phát triển, tạo nên nền văn hóa đa chủng tộc phong phú của Mỹ.
Thông điệp thúc đẩy Mỹ tham chiến chống phát xítCựu tổng thống Mỹ George W. Bush trong buổi đọc Thông điệp Liên bang ngày 29/1/2002. Ảnh: Reuters
Từ cuối thập niên 1930, trùm phát xít Đức Adolf Hitler ký hiệp ước quân sự với phát xít Italy, hiệp ước không xâm phạm với Liên Xô. Sau đó Đức xua quân tấn công Pháp và Anh. Lúc này Quốc hội Mỹ mới tin rằng tình hình thực sự nguy hiểm đối với các nước phương Tây, khả năng Mỹ tham chiến là khó tránh khỏi.
Nhằm khích lệ tinh thần ái quốc của dân Mỹ, trong bản Thông điệp Liên bang đọc trước quốc hội ngày 6/1/1941, Tổng thống Franklin Roosevelt nêu ra 4 mục tiêu mà các quốc gia yêu chuộng tự do phải thực hiện để chống lại ý thức hệ độc tài, đó là quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do bảo đảm đời sống, kinh tế, và tự do chống lại các áp bức.
Bản thông điệp của ông đã tác động mạnh mẽ đến các thành viên quốc hội cũng như dân chúng Mỹ, tạo nên sức hút cá nhân rất lớn đối với Tổng thống Roosevelt. Uy tín và ảnh hưởng cá nhân đã góp phần rất lớn vào những nỗ lực của Roosevelt nhằm bãi bỏ chính sách trung lập cũng như đi đến quyết định tham chiến mang tính bước ngoặt của Mỹ vào ngày 18/12/1941.
'Trục ma quỷ' năm 2002
Ngày 29/1/2002, Tổng thống George W. Bush đọc bản Thông điệp Liên bang đầu tiên sau khi nước Mỹ trải qua cuộc khủng bố đẫm máu nhất lịch sử. Trong thông điệp, ông Bush đưa ra thuật ngữ "trục ma quỷ", gồm các kẻ thù của Mỹ là Iraq, Iran và Triều Tiên. Bài phát biểu đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch chống khủng bố toàn cầu kéo dài gần một thập kỷ của Washington.
The Guardian hồi tháng 1/2011 cho rằng trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Tổng thống Bush phát động đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của nước Mỹ, vào trật tự đơn cực của thế giới. Chiến dịch quân sự do Mỹ phát động ở Iraq và Afgahnistan đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy thế của Washington.
>Thông điệp liên bang của Nga: “Cải tổ là chìa khóa sống còn”
>10 thành phố dễ và khó tiết kiệm tiền nhất nước Mỹ
>5 CEO nhỏ tuổi nhất nước Mỹ