Dù lượng xe đi lại chưa đông đúc như trước, tôi đã nhìn thấy nhiều cửa hiệu sáng đèn trên phố Pasteur, Lê Thánh Tôn... nhìn thấy trung tâm thương mại Diamond sáng rực các ô cửa và góc phố Nguyễn Huy Tự, khu Đa Kao có những người xếp hàng chờ mua chè sâm bổ lượng, mì vịt tiềm, cơm tấm...
Một quán mì vịt tiềm trên đường Nguyễn Huy Tự quận 1 bán mang về tối 22/10/2021 |
Trong gần ba tháng “ở đâu ở yên đó”, tôi chỉ đơn giản thèm được đạp xe qua những con phố quen thuộc gần nhà mà không đụng phải rào chắn “bảo vệ vùng xanh”, được mua hoa và thực phẩm tươi ở chợ, được về thăm cha già đang chờ có người nói chuyện, được đến thăm thầy và những người bạn mình yêu quý...
Hơn nửa tháng qua, tôi đã làm được điều mình muốn và thấy những điều trước kia bình thường bỗng trở nên quý giá. Chẳng hạn như việc xách gà mên đi mua đồ ăn sáng, ngồi tám với người bạn quý...
Tôi nhớ trong thời gian giãn cách, thật xót xa khi qua điện thoại, cha tôi kể, ông ngồi trong nhà nhìn ra đường không thấy bóng một ai qua lại mà lo ngại. Ông bảo, hơn 80 năm sống trên đời, từng trải qua nạn đói năm 1945, chiến tranh sau năm 1954 và những ngày tháng bươn chải sau năm 1975 để lo bữa ăn cho đàn con đang tuổi lớn, chưa bao giờ ông thấy Sài Gòn buồn bã như vậy, khi mọi người không thể đến thăm nhau, các con các cháu không thể về nhà. Bữa cơm đoàn tụ con cháu trong dịp cuối tuần đầu tháng 10 vừa qua, nhìn ông lăng xăng hớn hở mà thương!
Góc phố Pasteur đoạn giữa Lê Lợi và Lê Thánh Tôn tối 22/10/2021 đã sáng đèn chờ khách |
Cũng trong những ngày “ở yên trong nhà”, người gọi điện thoại cho tôi nhiều nhất là thầy chủ nhiệm hai năm cuối trung học. Mỗi lần tôi bỏ lỡ điện thoại của thầy là phải gọi lại ngay, vì biết ông sẽ lo lắng. Có hôm ông bảo tôi: “Giờ thầy gọi cho ai mà không thấy họ nghe máy là sợ lắm. Một người hàng xóm cũ vẫn thường gọi điện thoại cho thầy bỗng dưng bị mất liên lạc, thầy gọi lại không được. Vài ngày sau thầy gọi lại nữa thì vợ người đó bảo ông chồng mới mất vì Covid-19”.
Khi được một học trò là bác sĩ mời thầy cô đi chủng ngừa virus SARS-CoV-2 hồi đầu tháng 8 và đầu tháng 9, thầy tôi vui lắm. Có cảm giác như đã có lá chắn “bảo vệ”, thầy luôn nhắc chừng tôi đừng bỏ lỡ lịch chủng ngừa. Gặp lại thầy vào cuối tuần thứ hai của tháng 10, thầy bảo tôi: “Đừng có chủ quan nghe con. Biết đâu dịch lại bùng nữa”...
Giờ thì việc mua bán thực phẩm không còn khốn khổ như những ngày chờ người “đi chợ hộ”, khi tôi có thể nhẩn nha ghé các cửa hàng quanh nhà bán đầy thực phẩm tươi sống với giá phải chăng. Chưa kể các mối bán hàng online mới quen trong thời gian giãn cách chào mời đủ thứ và sẵn sàng miễn ship khi giao hàng.
Hơn nửa tháng qua, quyền của người tiêu dùng đã trở lại, khi thực phẩm, trái cây, hoa tươi bán đầy các con đường với giá thuận mua vừa bán. Người mua hạnh phúc vì không bị “bắt chẹt” do cầu nhiều mà cung ít như trước, còn người bán cũng hạnh phúc vì họ đã được mưu sinh theo cách của mình.
Trung tâm thương mại Diamond tối 22/10/2021 - nơi một thời lui tới thường xuyên |
Hơn nửa tháng qua, cô giúp việc theo giờ ở nhà tôi hân hoan vì đi làm trở lại. Trước tháng 7/2021, cô bận tíu tít khi một ngày phải phân bổ thời gian đến nhà người này người kia giúp việc với tiền công 60.000 đồng một giờ, một ngày cô kiếm được bốn năm trăm ngàn đồng là chuyện thường. Trong gần ba tháng phải “bó gối ở nhà”, cô sốt ruột khi tiền thuê phòng trọ hơn 1 triệu đồng chỉ được chủ nhà bớt 10%, phải nuôi đứa cháu mồ côi mà không làm gì ra tiền.
Tình cảnh của cô giúp việc theo giờ ở nhà tôi cũng giống như những tiểu thương quê miền Tây, miền Bắc bán hàng ở chợ tự phát. Họ thường gửi con ở quê cho cha mẹ già trông, thuê phòng trọ ở ngoại thành nhưng phải bán hàng ở nội thành. Gần ba tháng vừa qua thất nghiệp hoàn toàn nhưng họ cũng không dám về quê vì sợ bị cách ly. Hiện nay, chợ tự phát chưa được mở, họ rủ nhau cùng thuê một căn nhà ngay chợ truyền thống để bày hàng bán, sẵn sàng nhận mua hàng giao tận nhà cho khách mà không tính tiền ship.
Trong hơn hai tuần qua, mỗi lần ra đường tôi đều thấy vài phụ nữ đi xe đạp với núi đồ ve chai chất phía sau, những xe đẩy bán thực phẩm, trái cây cũng đã quay trở lại tìm khách trong các con hẻm.
Được kiếm sống là mong ước của người lao động tự do, làm ngày nào ăn ngày nấy ở thành phố này. Số lao động tự do chủ yếu chọn buôn bán vặt vãnh hay phụ hồ, tuy không có bảo hiểm xã hội nhưng phần đông đã biết “lận lưng” cái thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện phòng khi ốm đau.
Những con đường, góc phố của Sài Gòn đang hồi sinh từng ngày và nhìn sự hăm hở kiếm sống của người dân, tôi chỉ mong cơn khủng hoảng dịch bệnh này đừng bao giờ quay trở lại.