Những cuốn sách làm thay đổi cuộc đời tôi

Lê Thị Thanh Lâm (*)| 20/05/2023 01:00

Học nghề, tôi nghĩ mình có thể học từ mỗi quyển sách một ít và học qua trải nghiệm nhiều hơn, còn học làm người thì học cả đời và càng học càng thấy mình còn thiếu, mà sách luôn là người bạn đồng hành.

-8578-1683624826.jpg

Tháng 4 vừa rồi, tôi có dịp về thăm trường cũ, thăm lại bạn bè, trước hết là thăm thầy cô giáo. 

Thật không sao diễn tả hết cảm xúc khi có được buổi hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ, được ôn lại biết bao kỷ niệm đẹp thời niên thiếu, được nói, được cười, được khóc trong vòng tay yêu thương...

Tôi đã học nhiều trường nhưng có lẽ Trường Trung học Bảo Định, Mỹ Tho để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Thời trung học, tâm hồn chúng tôi trong sáng như tờ giấy trắng, thầy cô luôn là thần tượng. Một trong những thần tượng mà tôi yêu quý nhất là cô giáo dạy văn, người đã cho tôi niềm đam mê và nuôi dưỡng ước mơ lớn lên học văn khoa để ra trường đi dạy học. Còn nhớ những năm học với cô, tôi luôn cố gắng học thật giỏi môn văn và đọc thật nhiều sách.

Thời ấy, những quyển sách mà tôi đọc chủ yếu là tác phẩm văn chương của Tự lực Văn đoàn, như Nửa chừng Xuân, Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt, Đôi bạn... Tôi đọc vì hiếu kỳ chứ chưa có tác động gì lớn đến tâm hồn của tôi lúc đó. Có điều phương pháp học văn thời đó rất khác sau này. Chúng tôi được tự do tìm hiểu tác phẩm mình ưa thích, rồi cử người thuyết trình trước lớp. Tôi là người hay xung phong thuyết trình.

Cho đến ngày 30/4/1975 là thời điểm tôi bắt đầu trưởng thành và may mắn là những tác phẩm nổi tiếng nước ngoài như làn gió mới làm thay đổi cuộc đời tôi. Trong những tác phẩm ấy có ảnh hưởng lớn nhất với tôi là Thép đã tôi thế đấy. 

Vào cái thời tuổi mới lớn, những thông điệp của Thép đã tôi thế đấy đối với chúng tôi quý như vàng: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Có thể không làm nên nghiệp lớn nhưng tư tưởng ấy đã kịp thời đánh thức những tiềm năng trong mỗi chúng tôi, thôi thúc những người trẻ như tôi sống có ước mơ, có hoài bão và luôn vượt khó, nỗ lực hết mình. 

Một cô gái quê lên Sài Gòn với vốn kiến thức lõm bõm, chật vật về vật chất, tình cảm thiếu thốn, khó khăn trăm bề cho nên có thể nói những tác phẩm văn học có giá trị soi đường như Thép đã tôi thế đấy đã lay động và thức tỉnh tôi, là người thầy dẫn dắt, người bạn chân tình chia sẻ buồn vui, giúp tôi không chùn bước và luôn tiến về phía trước. 

Còn nhiều sách khác nữa nhưng với tôi, hai tác phẩm sau đây thì không sao quên được. Những con chim ẩn mình chờ chết với thông điệp sống là phải yêu, phải tin và hy vọng. Đúng là khi có niềm tin và hy vọng, cuộc sống luôn có ý nghĩa và tạo động lực. Đúng là khi có niềm tin và hy vọng, cuộc sống luôn có ý nghĩa để vượt qua khó khăn. Đó là điều tôi học được từ quyển sách này.

Thứ hai là Cuốn theo chiều gió với thông điệp sau tất cả ngày mai là ngày mới. Điều tôi tâm đắc nhất là tinh thần lạc quan, tin tưởng, sức sống mạnh mẽ, quật cường, vượt qua nghịch cảnh. Là phụ nữ, tôi vô cùng ấn tượng với tư tưởng của nhân vật chính: “Phụ nữ có thể làm được bất cứ điều gì mà không cần tới đàn ông, trừ chuyện đẻ con”... 

Có một điều thú vị là ngoài Thép đã tôi thế đấy, hai tác phẩm tôi yêu thích nhất là của nhà văn nữ và nhân vật chính là những phụ nữ rất mạnh mẽ, kiên cường. Cuộc đời tôi may mắn khi có những tấm gương trong đời thực là bà ngoại, là mẹ - những phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn sống đàng hoàng, tử tế và những phụ nữ dũng cảm bản lĩnh trong các tác phẩm văn học nổi tiếng mà tôi được biết trên từng trang giấy, đã tưới tắm tâm hồn ngây thơ của tôi những dưỡng chất tinh anh nhất và bồi đắp dần dần để có một tôi không kém phần vững chãi, bản lĩnh vượt qua bao thăng trầm của cuộc đời doanh nhân và dũng cảm đương đầu với bao biến cố gai góc của cuộc sống.

Sau này, khi đi làm và mãi đến bây giờ, cuốn sách gối đầu giường và ứng dụng nhiều nhất với tôi là Đắc nhân tâm. Đây là tác phẩm mà tôi đã đọc đi đọc lại nhiều nhất, mỗi lần đọc lại khám phá thêm bao điều thú vị, nhưng xuyên suốt là hai quan điểm sống mà tôi luôn đeo đuổi. Đó là “những thứ bạn có, bạn là ai, bạn ở đâu hay bạn đang làm gì không phải những điều làm nên hạnh phúc, mà là ở cách suy nghĩ của bạn” và “nếu như có một bí quyết nào để thành công, thì nó nằm ở khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của người khác và nhìn sự việc theo góc độ của người ấy, cũng như theo góc độ của chính mình”.

Học nghề, tôi nghĩ mình có thể học từ mỗi quyển sách một ít và học qua trải nghiệm nhiều hơn, còn học làm người thì học cả đời và càng học càng thấy mình còn thiếu, mà sách luôn là người bạn đồng hành. Vì lẽ đó, hôm rồi khi Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn mời tôi đến chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin nhân Ngày Văn hóa đọc, tôi đã chọn chủ đề “Sách - Mentor vĩ đại”.

Người xưa có câu Sách là người thầy vĩ đại của con người” vì sách thánh hiền dạy điều hay lẽ phải. Sách giúp con người có thêm bao nhiêu là kiến thức, những giá trị nhân văn cao cả, sách là kho tàng kiến thức của nhân loại. 

Trong cuộc sống, sách đồng hành, gần gũi với chúng ta như người bạn chia sẻ buồn vui. Sách giúp ta biết làm cha, làm mẹ và làm người. Hơn thế, sách luôn tử tế, nhẫn nại, chờ đợi, an ủi, chia sẻ và xoa dịu nỗi đau của chúng ta một cách thầm lặng và sâu sắc. Hơn cả người bạn, sách còn là tri kỷ, tri âm. 

Giờ đây, có một người vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là tri kỷ, đó là “mentor sách”.  Vậy là tôi có dịp chia sẻ về mentoring và tặng sách cho các bạn sinh viên.  

(*) Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Thành viên Hội đồng Sách doanh nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cuốn sách làm thay đổi cuộc đời tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO