Những chủ đề nổi bật tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78
Kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức khai mạc ở New York, Mỹ vào ngày 19/9/2023 (theo giờ địa phương), với sự tham gia của hơn 150 đại diện các nước trên thế giới. Theo đó, các nước tham dự sẽ cùng nhau bàn về một số vấn đề đang diễn ra trên thế giới, có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân loại.
Với chủ đề của kỳ họp năm nay là “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người” cùng với hàng loạt vấn đề nóng đang diễn ra trên thế giới trong thời gian qua.
Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78 sẽ được tổ chức từ ngày 19-26/9/2023, sự kiện là tâm điểm của ngoại giao đa phương ở cấp độ và tần suất hoạt động cao nhất trên thế giới. Cuộc họp năm nay được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các nước tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế, cam kết đối với chủ nghĩa đa phương với Liên Hiệp Quốc là trung tâm.
Đối với các nước đang phát triển, cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ là cơ hội để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhằm đạt được 17 mục tiêu toàn cầu trên phạm vi rộng vào năm 2030. Ngoài việc chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực, các mục tiêu còn bao gồm đảm bảo giáo dục trung học có chất lượng cho mọi trẻ em, đạt được bình đẳng giới và thực hiện các hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu. Với tốc độ hiện tại, các mục tiêu trên có thể sẽ không đạt được đúng kỳ hạn. Cùng với đó, các cuộc họp cấp cao về những vấn đề bao gồm phòng chống đại dịch và chăm sóc sức khỏe toàn cầu cũng đang diễn ra tại Liên Hiệp Quốc.
Đặc biệt, trong thời gian qua, có 4 vấn đề nóng đang diễn ra từng ngày trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ toàn nhân loại mà còn là mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa các cường quốc trên thế giới.
Vực dậy các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)
Hiện nay, việc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhiều hơn để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu năm 2030 đang bị tụt hậu trầm trọng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước đang phát triển. Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 2023, dự kiến sẽ có hơn 140 nhà lãnh đạo các quốc gia lên tiếng về vấn đề liên quan đến SDG.
Thực tế trong thời gian qua, trên thế giới đã diễn ra vô số biến động chính trị - kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến 17 mục tiêu SDG. Trong phiên họp công bố bản báo cáo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 10/7/2023, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thừa nhận: “Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ SDG”.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Liên Hiệp Quốc thừa nhận nguy cơ này, dù nó đã được cảnh báo từ lâu. 8 năm trước, khi thế giới chính thức khép lại những mục tiêu thiên niên kỷ (MDG), nhiều tuyên bố tương tự cũng đã được đưa ra. Ở thời điểm đó, khi MDG đã không còn khả năng thực thi, trở nên lỗi thời, người ta mới quyết định xây dựng SDG. SDG ban đầu được ca ngợi với những mục tiêu và giải pháp sâu rộng hơn, nhưng thực tế cũng chỉ là giải pháp thay thế cho MDG không thành công.
Vì thế, trong cuộc họp năm nay, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra một kế hoạch vực dậy các mục tiêu SDG. Kế hoạch này sẽ đánh giá tiến độ một cách thực tế và chỉ rõ vai trò của các quốc gia trong thúc đẩy các mục tiêu chung. Tuy nhiên, để tạo nên sự thống nhất chung giữa các quốc gia cho mục tiêu SDG không hề dễ dàng, trước thềm hội nghị thượng đỉnh năm nay, các cuộc đàm phán ngoại giao đã gặp nhiều khó khăn trong một môi trường chính trị mà các cường quốc như Mỹ, EU hay Trung Quốc đều không đạt được các tiếng nói chung.
Mang lại tiếng nói cho Nam bán cầu
Trong trật tự toàn cầu đương đại, cụm từ “Nam bán cầu” đề cập đến một loạt quốc gia phía Nam từ các khu vực địa lý của châu Phi, Trung Mỹ và Mỹ Latinh cùng một phần lớn của châu Á, đến cả các nước phía Bắc nhưng còn đang phát triển như Địa Trung Hải và Đông Âu.
Thời gian trôi qua, vị thế quốc tế và vai trò toàn cầu của các quốc gia Nam bán cầu đã được cải thiện đáng kể. Nhiều nước đã đi từ chỗ có năng lực hạn chế trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; từ việc hạn chế các cam kết quốc tế sang thúc đẩy các cam kết ngoại giao đa chiều; từ một người tuân thủ quy tắc miễn cưỡng trở thành một người xây dựng quy tắc thực dụng; và từ việc công khai khẳng định quyền tự chủ chiến lược đến khám phá các cơ hội địa chính trị đa dạng dưới ảnh hưởng của cân bằng chiến lược.
Sự trỗi dậy của khối BRICS, bao gồm 4 quốc gia Nam bán cầu là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng với Nga, thành viên không thuộc phương Tây của Bắc bán cầu đang tìm cách thiết lập nền tảng trật tự thế giới đa cực, đang làm dấy lên nhiều hy vọng. Trong đó, giới chuyên gia nhận định rằng tình trạng mất cân bằng và bất bình đẳng về kinh tế - xã hội hiện nay giữa Bắc và Nam bán cầu có thể dần được giải quyết thông qua những lựa chọn thay thế cho các thể chế và liên minh do phương Tây thiết lập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sự độc lập của các quốc gia Nam bán cầu.
Thông điệp của Mỹ dành cho thế giới
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Joe Biden đã có nhiều động thái tích cực để thể hiện Mỹ là một đối tác phát triển có trách nhiệm và uy tín, với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ra nhiều khu vực trên thế giới thông qua các hoạt động chính trị và các cuộc gặp mặt lãnh đạo nhiều quốc gia.
Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 2023, Tổng thống Joe Biden sẽ có cơ hội quảng bá vai trò của Mỹ trong thúc đẩy SDG với sự vắng mặt của nhiều nguyên thủ các cường quốc hàng đầu, dù trước đây chính phủ Mỹ hầu như không xem trọng SDG như một khuôn khổ chính sách có ý nghĩa kể từ khi ra mắt và là một trong 5 quốc gia duy nhất chưa nộp bản đánh giá chính thức tại Liên Hiệp Quốc về tiến độ thực hiện SDG.
Đây sẽ là cơ hội cho Mỹ thiết lập vai trò lãnh đạo và thu hút các đối tác mới trong hợp tác giải quyết các vấn đề đang là ưu tiên của nhiều nước như xóa đói giảm nghèo hay chống biến đổi khí hậu.
Vấn đề chiến sự giữa Nga và Ukraine
Một vấn đề nóng khác đang được dư luận quốc tế quan tâm là tình hình chiến sự của Nga và Ukraine thời gian qua. Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, các nước trên thế giới cần tiếp tục các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine, thiết lập hòa bình ở Ukraine, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.
Tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định rằng, Liên Hiệp Quốc sẽ không từ bỏ các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu trên. Đặc biệt, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng, thế giới cần các sản phẩm thực phẩm của Ukraine, đồng thời cũng cần thực phẩm và phân bón của Nga để ổn định thị trường và đảm bảo an ninh lương thực.
Ngoài ra, Tổng thư ký cũng tuyên bố sẽ sẵn sàng đóng vai trò trung gian để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng ông tin rằng thời điểm này sẽ không đến sớm. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực nhiều hơn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn, nhằm kéo các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán, đồng thời các bên cần có sự nhân nhượng, thỏa hiệp để có thể giải quyết cuộc xung đột này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78
Trong khuôn khổ chương trình công tác dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao đại hội đồng; dự và phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch…
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các cuộc gặp song phương với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc; Chủ tịch khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế khác.