Đây là dự báo của IEA trong báo cáo thị trường trung hạn Oil 2023 công bố ngày 14/6/2023. Trong báo cáo này, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ hằng năm sẽ giảm mạnh trong 5 năm tới, từ mức tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023 xuống mức tăng còn 400.000 thùng/ngày vào năm 2028.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, sự chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc với đỉnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt trước cuối thập niên này trong bối cảnh xe điện, tiết kiệm năng lượng và các công nghệ khác phát triển. Ông nhấn mạnh các nước sản xuất dầu mỏ cần đặc biệt chú ý đến tốc độ thay đổi nhanh chóng và cân nhắc quyết định đầu tư để đảm bảo chuyển đổi có trật tự.
Giá năng lượng trên thế giới đã tăng vọt trong năm 2022 sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp cấm nhập khẩu, cũng như áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, giá dầu mỏ và khí đốt đã giảm trong vài tháng gần đây.
Tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu toàn cầu sẽ giảm và giá dầu Brent giao ngay tăng cao hơn trong năm 2023 và 2024, giữa bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng nhưng yếu hơn so với các dự báo trước đó.
Báo cáo của EIA được đưa ra sau thông báo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) về việc gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô đến năm sau. Trong báo cáo hằng tháng về Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO), EIA dự đoán rằng dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm nhẹ theo từng quý trong 5 quý tới. Những đợt giảm kho dự trữ này sẽ gây áp lực giúp tăng giá dầu thô, đặc biệt là vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Bất chấp sự suy yếu gần đây của giá dầu, với mức trung bình 76 USD/thùng, EIA hiện kỳ vọng giá dầu thô Brent sẽ tăng từ mức trung bình 79 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023 lên mức trung bình 84 USD/thùng năm 2024. Các mức dự báo trên lần lượt cao hơn 1 USD/thùng và 9 USD/thùng so với ước tính hồi tháng 5 của cơ quan này.
Hồi tháng 2/2023, OPEC đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sau khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, chấm dứt chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,87 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó vốn đã cao hơn mức trước đại dịch.
Trong báo cáo thị trường hằng tháng, OPEC cho rằng chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 sẽ là việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại bắt buộc và tác động của biện pháp này đối với Trung Quốc, khu vực và thế giới. Sau gần 3 năm thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp vào tháng 12/2022.
Trong quý IV/2022, nhu cầu dầu mỏ thế giới đã tăng lên 101,17 triệu thùng/ngày, cao hơn so với mức 100,79 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm 2019. Bất chấp nhu cầu tăng cao, OPEC và 10 đối tác do Nga đứng đầu (OPEC+) hồi tháng 10 năm ngoái đã nhất trí giảm sản lượng ở mức 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.