Trong nước

Nhiều tổ chức và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thanh An 13/12/2023 15:23

Tại lễ phát động triển khai đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sáng ngày 12/12 tại Hậu Giang, nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã cam kết đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án này.

canh-dong-lua-tham-gia-de-an-1-trieu-ha-hau-giang.jpg
Cánh đồng tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hậu Giang

Được biết, Đồng bằng sông Cửu Long luôn là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm hơn 50% sản lượng lúa sản xuất và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Tuy nhiên, hiện toàn vùng đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới khiến cho yêu cầu của thị trường về lúa gạo ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Trước thực tế trên, Chính phủ đã quyết định triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, với mục tiêu hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Cụ thể, quá trình triển khai Đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo...

Thông qua các thí điểm thành công tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

giam-doc-wb-ba-carolin-turk-1.jpg
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Đến dự lễ phát động triển khai Đề án, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho biết đã WB cam kết đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, bà cũng bày tỏ tin tưởng Đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho ngành kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân.

Cùng với đó, TS. Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhiệt liệt nhiệt liệt hoan nghênh chính phủ Việt Nam đã khởi động triển khai dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Theo đó, IRRI cam kết sẽ luôn tiếp tục phối hợp với các tổ chức khoa học của Việt Nam nghiên cứu cải tiến các quy trình canh tác, cải tiến công cụ phục vụ canh tác lúa, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Được biết, IRRI đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam. Gần đây nhất đã phối hợp nghiên cứu các quy trình canh tác lúa, xử lý rơm rạ giảm phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính từ ruộng lúa để tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm lúa gạo và tín chỉ các bon được tạo ra.

ky-ket.jpg
Tập đoàn PAN ký kết với các đơn vị xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau lễ phát động Đề án, hai đơn vị thành viên Tập đoàn PAN (PAN Group) gồm Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) và Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFC), cùng với Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II đã ký kết biên bản hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều tổ chức và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO