Nhiều kịch bản đón công nhân trở lại nhà máy

Hồng Nga| 19/08/2021 05:14

Với mục tiêu nâng tỷ lệ từ 5-10% doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn phòng dịch, TP.HCM đã đưa ra 4 phương án sản xuất. Nhiều DN đã lên kịch bản đón công nhân trở lại nhà máy.

Nhiều kịch bản đón công nhân trở lại nhà máy

Linh hoạt các phương án

Trong buổi tọa đàm "Doanh nghiệp tái hoạt động như thế nào trong điều kiện dịch bệnh còn tiếp diễn” do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế tổ chức tối 18/8, các chuyên gia, DN đã nêu ra khá nhiều giải pháp, từ ngắn hạn đến dài hạn, giúp DN khôi phục lại sản xuất. 

Chia sẻ thực tế tại DN, ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt, cho biết trước đây công ty làm về du lịch với 600 nhân sự nhưng nay giảm còn 30 người. Năm 2020, công ty đã đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ… với khoảng 300 công nhân.

Thế nhưng từ khi thực hiện 3T, công nhân đã nghỉ nhiều. Vì thiếu công nhân nên công ty tạm dừng đơn hàng xuất khẩu, chỉ lo cung ứng nội địa nhưng cũng không đáp ứng đủ. Hiện tại, công ty đang tuyển dụng công nhân nhưng có nhiều vấn đề mà ông Long còn lúng túng như mức lương trả cho người lao động, lo 3T cho họ thế nào, cam kết tiêm chủng vaccine cho họ đầy đủ có thực hiện được không…

Bà Hồ Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam, thông tin: "Hiện nay các DN đang găp khó về nguồn lao động. Tại Khu công nghệ cao TP.HCM trước đây có hơn 52.000 lao động nhưng nay chỉ còn 10.000 người đang làm việc để bảo đảm chuỗi cung ứng không đứt gãy nhưng chi phí phát sinh rất lớn. Riêng với Intel, hơn một tháng qua, công ty phải thuê khách sạn cho nhân viên ở nhưng đây cũng chỉ là phương án ngắn hạn, khó trụ lâu dài.  

Intel đang thí điểm mô hình “2 tại chỗ - 1 vùng xanh” với 30 người. Cụ thể, những người lao động này ở những vùng không bị phong toả, kết quả xét nghiệm âm tính, được bố trí khu vực làm việc riêng, phương tiện đưa đón riêng. Công ty còn cẩn thận xét nghiệm cho thân nhân của nhân viên, để bảo đảm người lao động sống trong môi trường xanh, tiếp xúc với "người xanh". 

Uyen-Ho-9087-1629353121.jpg

Bà Hồ Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho biết công ty đang thí điểm “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” với 30 người

Ở lĩnh vực cơ khí, Công ty cơ khí Duy Khanh đã áp dụng phương án 3T trước khi có chỉ thị của TP.HCM cả tháng với 50% lao động, sau đó tăng lên 90% và duy trì đến hôm nay. Hiện công suất nhà máy vẫn bảo đảm, công ty có đơn hàng thường xuyên nên phải bảo vệ nguồn nhân lực bằng mọi cách.  

“Công ty xác định áp dụng 3T đến ngày 15/9, sau đó, tuỳ tình hình thực tế sẽ chọn phương án sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, để giảm bớt áp lực về chỗ ở tại nhà máy cũng như tạo sự thoải mái cho người lao động, Duy Khanh đang xây thêm khu lưu trú cho công nhân ở gần nhà máy”, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, cho biết. 

Phương án "4 xanh" cần hướng dẫn cụ thể

Bà Hồ Uyên cho rằng, phương án “4 xanh” của TP cũng tương tự như mô hình sản xuất đang được thí điểm tại công ty. Tuy nhiên, có những điểm chưa rõ ràng trong phương án này. Chẳng hạn như tiêu chuẩn “nơi ở xanh” được xác định như thế nào? “Nơi ở xanh” đó có an toàn không nếu người lao động đang chia sẻ phòng trọ với người khác? Rồi “vùng xanh” thì như thế nào, khi hiện tại có thể “xanh” nhưng một tuần sau đã xuất hiện F0? Cung đường liệu có “xanh” không khi người lao động vẫn đi làm bằng phương tiện cá nhân và không biết được họ dừng ở đâu… 

“Thời gian qua chúng tôi chưa thấy sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với DN về việc bảo vệ nơi ở xanh cho công nhân. Tôi cho rằng hai bên phải chia sẻ thông tin thường xuyên thì chúng ta mới bảo vệ được nơi ở xanh cho công nhân”, bà Uyên kiến nghị. 

Cũng theo bà Hồ Uyên, TP cần có những hướng dẫn chi tiết để các DN đang thực hiện 3T và “1 cung đường - 2 địa điểm” có thể chuyển qua phương án 4 xanh. Bà Uyên cũng kiến nghị trong thời điểm khó khăn này, nhà nước nên giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động.

Bà giải thích: “Để người lao động đang đi làm trong thời gian này có thêm động lực, cần giảm thuế thu nhập cho họ, như vậy cũng là bảo vệ nguồn thu thuế trong tương lai. Vì khi người lao động giảm được thuế thu nhập cá nhân thì họ không chỉ trang trải cho cá nhân và gia đình mà còn có thể giúp đỡ  những người đang gặp khó khăn trong cộng đồng”. 

Be-BQL-kcx-6829-1629353277.jpg

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM, đề nghị nên có giải pháp mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ"

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM, cũng đồng tình với bà Uyên và đề nghị thêm: “Chính quyền nên có giải pháp mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ. Cần có sự kết hợp giữa DN và chính quyền địa phương, DN và khu phố, DN và nhà trọ để phát triển vùng xanh. Như vậy chi phí sẽ giảm rất nhiều so với việc DN phải đi mướn khách sạn cho công nhân ở hay sản xuất theo kiểu 3T. Bên cạnh đó, cần thành lập các BV dã chiến ở các KCX, KCN”.

Phủ vaccine cho toàn bộ người lao động, dù đang làm việc hay đã tạm nghỉ

Hầu hết các chuyên gia và doanh nhân đều cho rằng, dù áp dụng phương án sản xuất nào thì công nhân đều phải được tiêm đủ vaccine, đây chính là giải pháp căn bản giúp khôi phục sản xuất.  

TS. Huỳnh Thanh Điền - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: “Nên ưu tiên tiêm chủng đủ 2 liều vaccine cho người lao động, như vậy DN có thể yên tâm tổ chức sản xuất. Trong quá trình sản xuất, nếu không có ca nhiễm thì nhà máy hoạt động theo tiêu chuẩn 5K. Nếu xét nghiệm có ca nhiễm thì tổ chức cách ly, điều trị và khu có F1 cho sản xuất tại chỗ. Sau đó tiếp tục xét nghiệm, nếu sạch thì cho sản xuất bình thường”.

Cùng quan điểm, bà Hồ Uyên còn đề nghị TP sớm có phương án tiêm chủng đủ 2 liều vaccine cho những người lao động phải nghỉ việc vì nhà máy đóng cửa. Thời gian qua có nhiều lao động đã tiêm mũi 1, sau đó DN đóng cửa nên  đến thời hạn tiêm mũi 2 thì TP phải ưu tiên tiêm chủng cho họ.

Không chỉ vậy,  theo bà Uyên, những lao động tạm nghỉ không sản xuất theo 3T cũng nên được tiêm đủ 2 liều vaccine để họ có thể quay trở lại nhà máy sau ngày 15/9. Bà Uyên cam kết: “Chúng tôi sẵn sàng đưa tất cả những người lao động đang tạm nghỉ vào nhà máy để tiêm khi Thành phố cung cấp vaccine”.

Ông Trần Văn Long còn đề nghị tiêm chủng đủ 2 liều cho cả những công nhân đã nghỉ việc về quê. Ông đề xuất: “Các DN phải có văn bản yêu cầu Sở Y tế TP.HCM, các hiệp hội ngành nghề can thiệp bằng các văn bản gửi các địa phương có người lao động đã nghỉ việc, đề nghị ưu tiêm tiêm chủng đủ vaccine cho lực lượng lao động tạm nghỉ này".

Tran-Van-Long-8779-1629353122.jpg

Ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt,  đề nghị tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine cho cả những lao động đã về quê để đón họ trở về nhà máy

Ông Đỗ Phước Tống bày tỏ mong muốn lớn nhất của các DN ngành cơ khí điện là toàn bộ công nhân ở ngoài khu công nghiệp đều được tiêm chủng đủ 2 liều vaccine.  Hiện tại, Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP.HCM đã chuẩn bị mọi thứ - từ chi phí, địa điểm đến hợp đồng với các đơn vị y tế tổ chức tiêm chủng - và đang chờ TP cung cấp vaccine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều kịch bản đón công nhân trở lại nhà máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO