Hoạt động

Nhiều giải pháp giúp chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh

Tâm An 28/08/2024 15:06

Sáng 28/8, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học TP.HCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp cho nhà máy thông minh".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA, nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Ông cho rằng, các giải pháp công nghệ sẽ là động lực và cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng do doanh nghiệp. Vì vậy, ông Hòa hy vọng Hội thảo sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu để giúp các doanh nghiệp duy trì và phát triển trong thời gian tới.

“Hội thảo là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động trong Diễn đàn kinh tế năm 2024 với Chủ đề: Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững”, ông Hòa thông tin.

giaiphap1.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA chia sẻ tại Hội thảo

PGS-TS. Thoại Nam - Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, thị trường sản xuất thông minh dự kiến ​sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,1% trong 7 năm tới, đạt tổng trị giá 658,41 tỷ USD vào năm 2030. Theo cuộc khảo sát năm 2022 của doanh nghiệp SMEs và CESMII, 77% số người được hỏi tin rằng công nghệ thông minh sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho tổ chức của họ, nhưng chỉ một nửa sẵn sàng đầu tư vào những sáng kiến ​này.

“Nhiều người tin rằng, chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể tiếp cận hoặc hưởng lợi từ công nghệ này, nhưng sản xuất thông minh đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp SMEs trong những năm gần đây”, ông Nam cho biết.

Nhưng theo PGS-TS. Thoại Nam không phải mọi giải pháp đều phù hợp với doanh nghiệp, các doanh nghiệp SMEs đang gặp phải khi ứng dụng AI vào sản xuất như: Thiếu dữ liệu, thiếu kiến ​thức và kỹ năng, hạn chế về ngân sách, độ phức tạp của giải pháp, thiếu sự tham gia và chiến lược quản lý, Khó đáp ứng yêu cầu của các giải pháp "end-to-end", Khó khăn trong việc xác định giải pháp phù hợp và các vấn đề liên quan đến con người.

Để giải quyết vấn đề này, theo PGS-TS. Thoại Nam cần tổ chức các triển lãm, khảo sát, chia sẻ các bài học thành công; xây dựng tiêu chuẩn nhà máy thông minh, chứng nhận mức độ trưởng thành của nhà máy thông minh; phát triển các giải pháp nhà máy thông minh (cho doanh nghiệp SMEs) và các công nghệ quan trọng; triển khai nhà máy thông minh tiêu biểu; phải tạo môi trường triển khai thử nghiệm; có các chương trình đào tạo về nhà máy thông minh trong đại học, tổ chức các khóa huấn luyện cho CEO, nhân viên, kỹ sư và nhà tư vấn.

giaiphap3.jpg
PGS.TS Thoại Nam - Đại học Quốc gia TP.HCM nói về giải pháp cho nhà máy thông minh

Để hỗ trợ doanh nghiệp về mô hình nhà máy thông minh, ông Phan Quốc Tuấn - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, giai đoạn 2020-2025, Thành phố tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng thành phố thông minh. Hiện nay, về cơ bản, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành các chỉ tiêu về khoa học công nghệ đã đặt ra trong giai đoạn 2020-2025.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, chia sẻ, TP.HCM khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp Thành phố ngày càng xanh sạch và đạt hiệu quả cao.

giaiphap2.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM phát biểu

Thành phố hiện có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố với mức vay tối đa 200 tỷ đồng/dự án.

Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ về những khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh.

Theo ông Nguyễn Đình Quý - đại diện Nhà máy Unilever Củ Chi, khi thực hiện nhà máy thông minh, công ty gặp nhiều khó khăn về nền tảng công nghệ và năng lực nhà cung cấp/ tích hợp trong nước, khó đánh giá được bài toán lợi ích từ sớm với các công nghệ quá mới và tiên phong.

Ông Jang Yoon Ho - Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác Samsung điện tử Việt Nam cho biết, Samsung đang triển khai các nhà máy thông minh tại Việt Nam cũng như hỗ trợ hơn 50 doanh nghiệp xây dựng các nhà máy thông minh. Để được lựa chọn tham gia vào dự án nhà máy thông minh, các doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện như: phải cải tiến, tối ưu quy trình để các dữ liệu sẽ được thu thập và xử lý theo thời gian thực.

Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều giải pháp giúp chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO