Mỗi năm các cơ sở lưu trú cần khoảng 60.000 lao động
Trong phiên tọa đàm về định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức sáng ngày 9/8 tại Dinh Độc Lập (TP.HCM) trong khuôn khổ sự kiện “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam”, bà Bình cho rằng, hiện nay nhân lực cơ sở lưu trú du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo bà Bình, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động cho các cơ sở lưu trú du lịch với công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. “Đến nay, sau 4 tháng mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch, khách du lịch nội địa đã vượt mức chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022, du lịch quốc tế từng bước được phục hồi, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước đã hoạt động bình thường”, bà Bình chia sẻ.
Tháng 6, 7 vừa qua là mùa cao điểm đón khách nội địa. Hiện nay, công suất phòng các ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25% đến 50%. Khu vực nghỉ dưỡng biển công suất bình quân trên 60%, cuối tuần từ 70 đến 95%, một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%. Dự báo quý 4 sẽ tăng số khách quốc tế lưu trú so với thời điểm hiện nay.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết hiện nay nhiều khách sạn đang thiếu hụt nhân lực nhưng khó kiếm được người có kỹ năng và chuyên môn tốt - Ảnh: Trần Lợi |
Cũng theo bà Bình, cơ sở lưu trú du lịch cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung, liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề, thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ cao. Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch phụ thuộc nhiều vào năng lực của người lao động.
“Nhiều bộ phận không đòi hỏi trình độ văn hóa cao, như phục vụ buồng, tạp vụ, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, bảo vệ... Nhóm này chiếm tỷ trọng lớn và cần được đào tạo nghề. Những bộ phận cần chuyên môn sâu là quản lý, lễ tân, bếp, pha chế, kinh doanh, tin học, kỹ thuật. Những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách nước ngoài yêu cầu có ngoại ngữ”, bà Bình cho biết.
“Đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu; giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động”, bà Bình dự báo.
Những thách thức trong việc tuyển dụng nhân sự ngành lưu trú
Theo chia sẻ của bà Bình, một trong những thách thức đối với nhân sự ngành khách sạn chính là ảnh hưởng của hội nhập quốc tế. Bà thông tin: “Các nước ASEAN đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong du lịch, lao động các nước ASEAN có chung bộ tiêu chuẩn nghề và có thể tự do đi làm việc trong khu vực” và cho rằng điều này sẽ hạn chế cơ hội đối với lao động Việt Nam nếu người Việt không cải thiện được chuyên môn nghiệp vụ và năng suất lao động.
Tọa đàm về định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch khách sạn. Ảnh: Trần Lợi |
Bà Bình cho biết hiện nay nhiều khách sạn đang thiếu hụt nhân lực nhưng khó kiếm được người có kỹ năng và chuyên môn phù hợp. “Việc tuyển lao động có kinh nghiệm, có chuyên môn tốt rất khó khăn, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ”, bà Bình thừa nhận.
Do khó tuyển được lao động có chuyên môn, các cơ sở lưu trú buộc phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó vừa đào tạo vừa phục vụ khách, thậm chí một số nơi buộc phải sử dụng sinh viên bán thời gian, khiến công việc không suôn sẻ, khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ lưu trú.
Ngoài ra, theo đánh giá của Vụ Khách sạn, ở một số nơi, người lao động chưa được coi trọng, chế độ lương, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc chưa được chủ đầu tư quan tâm đầy đủ, nên khó tuyển nhân sự.
Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, việc phát triển nguồn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng được nhu cầu của khách lưu trú quốc tế ở các cấp độ khác nhau đang là việc hết sức cấp bách, cần sự phối hợp của từ các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định, đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ lưu trú.