Nhà Trắng muốn có cuộc điều tra 'quyết liệt và rõ ràng' nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc

Khởi Vũ| 28/01/2021 01:30

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, chính quyền Biden muốn có cuộc điều tra quyết liệt và rõ ràng về nguồn gốc Covid-19, trong bối cảnh các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ bắt đầu điều tra nguồn gốc virus vào hôm nay.

Theo CNN, một nhóm gồm 13 chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ kết thúc thời gian cách ly 2 tuần vào hôm nay - 28/1/2021, và bắt đầu điều tra nguồn gốc của virus gây Covid-19, hơn 1 năm sau khi những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán.

Xe chở nhóm chuyên gia WHO đến điều tra nguồn gốc Covid-19 rời sân bay tại Vũ Hán hôm 14/1. Ảnh: Reuters.

Xe chở nhóm chuyên gia WHO đến điều tra nguồn gốc Covid-19 rời sân bay tại Vũ Hán hôm 14/1. Ảnh: Reuters.

Chuẩn bị cho các cuộc họp cuối trước khi rời khu vực cách ly, nữ chuyên gia virus học người Hà Lan Marion Koopmans nhấn mạnh, cả nhóm sẽ luôn tập trung vào công tác chuyên môn.

"Chúng tôi là các nhà khoa học, không phải chính trị gia, chúng tôi đang cố gắng nhìn nhận việc này từ góc độ khoa học", bà Koopmans nói, đồng thời bổ sung rằng, nhóm sẽ loại bỏ mọi phỏng đoán về phương thức virus xuất hiện cũng như lây lan, mà sẽ chỉ xem xét các chứng cứ và bắt đầu điều tra từ đó.

WHO nhấn mạnh, mục tiêu của họ không phải là tìm bên đổ lỗi. Bản thân Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Mike Ryan hôm 22/1 cũng tuyên bố "tất cả giả thuyết đều đang được đặt ra, và chắc chắn vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về nơi mà loại virus này khởi phát, trong hay ngoài Trung Quốc".

Link bài viết

Theo South China Morning Post, nhóm chuyên gia WHO sẽ làm việc với các đồng nghiệp tại Trung Quốc nghiên cứu về những bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh, cũng như điều tra chợ hải sản có dính dáng đến các ca mắc Covid-19 ban đầu. Trong bối cảnh này, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki hôm 27/1 (giờ Mỹ) cho biết, Mỹ muốn có một cuộc điều tra quốc tế "quyết liệt và rõ ràng" về nguồn gốc của Covid-19, với các ca bệnh đầu tiên ghi nhận ở Trung Quốc.

Cụ thể, theo bản tóm tắt cuộc họp báo của Nhà Trắng, phóng viên đã hỏi bà Psaki: "Về nguồn gốc của virus gây ra Covid-19, chính quyền (Trump) đã cho rằng, nó thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Song, thông tin này chưa bao giờ được khẳng định. Vậy, về việc này, hoặc về tiến trình điều tra của chúng ta, bà có thông tin cập nhật nào không?"

"Trước tiên, đương nhiên đây là thông tin gây hiểu nhầm, chúng tôi cũng thấy thông tin này từ một số nguồn ở Trung Quốc và đây là mối quan tâm lớn đối với chúng tôi. Điều cần thiết là chúng ta phải đi đến tận cùng của vụ việc đã xảy ra vào những ngày đầu đại dịch bùng phát ở Trung Quốc. Vả, chúng tôi vẫn đã và đang ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế mà chúng tôi cảm thấy cần phải quyết liệt và rõ ràng".

Trước đó, Washington cách đây 10 ngày từng kêu gọi Bắc Kinh cho phép nhóm chuyên gia WHO được phỏng vấn các người chăm sóc và các bệnh nhân đã khỏi bệnh cũng như nhân viên phòng thí nghiệm tại Vũ Hán - hành động đã vấp phải sự chỉ trích của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc lập luận rằng, Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đây.

Theo bà Psaki, chính quyền Biden đang dành những nguồn lực đáng kể để tìm hiểu những gì đã diễn ra và sẽ không xem báo cáo của WHO là sự hiển nhiên mà không bao giờ hoài nghi. Nữ phát ngôn viên nói, Washington sẽ sử dụng "thông tin được thu thập và phân tích bởi cộng đồng tình báo của chúng tôi", đồng thời hợp tác với các đồng minh để đánh giá "độ đáng tin cậy" của báo cáo quốc tế.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh:AP

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh:AP

Đến nay, không ít nghi vấn đã được đặt ra về mức độ tiếp cận của nhóm chuyên gia WHO đối với một số địa điểm nhất định, cũng như dữ liệu do phía Trung Quốc cung cấp. Peter Daszak - một thành viên của nhóm chuyên gia, cho biết phía Trung Quốc đang chia sẻ với họ dữ liệu chưa được công bố trước đây.

"Đây là một sứ mệnh khoa học, phải thừa nhận rằng nó liên quan nhiều đến chính trị và cuộc chiến quy trách nhiệm, song khoa học mới là yếu tố tiên quyết. Dữ liệu không nói dối", Daszak nhấn mạnh. 

Trong khi đó, trưởng nhóm chuyên gia WHO Peter Ben Embarek nói sẽ xem xét cả giả thuyết rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, dù phần lớn giới khoa học đều cho rằng, SARS-CoV-2 xuất hiện từ thiên nhiên.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/1 đã công bố một bản ghi nhớ, cho biết nhân viên tại phòng thí nghiệm thuộc Viện Virus học Vũ Hán đã có triệu chứng của Covid-19 từ mùa thu 2019. Song, chưa có bằng chứng nào được đưa ra. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi thông tin Mỹ đưa ra là "thuyết âm mưu và dối trá", kêu gọi điều tra phòng thí nghiệm quân sự Fort Detrick của Mỹ thay vì Viện Virus học Vũ Hán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà Trắng muốn có cuộc điều tra 'quyết liệt và rõ ràng' nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO