Vốn ngoại tiếp tục chảy vào bất động sản

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 24/11/2016 03:39

Với tiềm năng của một thị trường mới nổi, bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục hút dòng vốn đầu tư ngoại trong năm 2017.

Vốn ngoại tiếp tục chảy vào bất động sản

Với tiềm năng của một thị trường mới nổi, bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục hút dòng vốn đầu tư ngoại trong năm 2017. 

Đọc E-paper

Năm 2015 - 2016, bắt đà hồi phục của thị trường bất động sản (BĐS), dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào lĩnh vực này thông qua đầu tư trực tiếp (FDI) lẫn gián tiếp (FII). Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó BĐS đứng thứ hai về mức độ hấp dẫn, với 46 dự án có tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 982,59 triệu USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Riêng TP.HCM, theo ghi nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tuy kinh doanh BĐS có tỷ trọng vốn giảm hơn 77% so với cùng kỳ 10 tháng năm 2015 nhưng vẫn là ngành thu hút vốn đầu tư nhiều nhất, với 326,12 triệu USD (chiếm 40,8% tổng vốn ngoại vào TP.HCM).

Điều đáng nói, các khoản đầu tư này tập trung chủ yếu ở quận 2, quận 7 và trung tâm quận 1 - những khu vực điểm của thị trường BĐS xét ở mức độ nguồn cung, loại hình lẫn tỷ lệ hấp thụ thuộc hàng cao của TP.HCM.

Chỉ tính ở phân khúc nhà ở, thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, quý III/2016, khu Đông và Nam tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung nhà ở (căn hộ), chiếm khoảng 68% tổng nguồn cung tại TP.HCM.

Thêm nữa, xét theo giá trị lũy kế, khu vực FDI đóng góp 212.648 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP.HCM. Đầu tư FDI tăng về giá trị, từ 31.489 tỷ đồng năm 2011 lên 51.800 tỷ đồng năm 2015 và tỷ trọng tăng từ 15,5% lên 18,2%. Tính đến nay, TP.HCM có 6.382 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 40,86 tỷ USD và đầu tư BĐS cũng đang dẫn đầu về vốn, chiếm tỷ trọng 35,01%.

Hơn thế, từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ mua bán - sáp nhập (M&A), hợp tác đầu tư diễn ra giữa các nhà phát triển trong nước lẫn nước ngoài. Điển hình như 3 thương vụ M&A nổi bật trong quý III/2016 được Công ty Nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle (JLL Vietnam) nhắc đến là CapitaLand (Singapore) chi 52 triệu USD mua lại khu đất vàng ở phường Cầu Kho, quận 1, Mitsubishi (Nhật Bản) góp vốn liên doanh với Bitexco Group để phát triển khu đô thị The Manor Central Park và việc VinaCapital mua lại cao ốc văn phòng International Centre Building của Keppel Land.

Hay việc nhiều quỹ đầu tư tài chính, công ty đến từ Nhật Bản, Singapore đã mua cổ phần tại dự án để cùng phát triển các BĐS nhà ở, công nghiệp, lẫn các khu phức hợp cao ốc văn phòng.

Xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS tại châu Á thường được các nhà đầu tư chia theo 2 nhóm: nhóm thị trường chính (core market) gồm Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Úc và nhóm thị trường mới nổi (emerging market). Nhóm thị trường chính thường dành cho những nhà đầu tư không thích mạo hiểm, ít rủi ro, dù tỷ suất lợi nhuận không cao, thường dưới 3%. Trong khi đó, nhóm thị trường mới nổi gồm Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan là lựa chọn của những nhà đầu tư mong muốn dòng vốn được lưu chuyển nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao, song rủi ro thường cao hơn nhóm đầu.

Cùng với dòng vốn trong nước, nguồn lực từ bên ngoài (tài chính, kinh nghiệm) được xác định là nhân tố quan trọng để thị trường BĐS Việt Nam phát triển, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM - những đô thị được các nhà đầu tư BĐS ngoại đánh giá còn dư địa rất lớn để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở.

Đánh giá tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, bên cạnh các nhà đầu tư ngoại thực thụ, thì nguồn lực từ khu vực người Việt Nam ở nước ngoài là không nhỏ.

Liên quan đến dòng vốn này, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM viện dẫn, theo dự báo của ngành ngân hàng, 71,9% kiều hối được dùng để đưa vào đầu tư sản xuất (kể cả ngắn hạn và trung dài hạn), 21,6% đưa vào lĩnh vực BĐS, phần còn lại là hỗ trợ người thân. Cùng với đầu tư, Việt kiều cũng gửi một lượng kiều hối nhất định về nước.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức từ năm 1993 - 2015 đạt 50 tỷ USD.

Ngoài việc đầu tư vào dự án lớn, kể từ sau khi Luật Nhà ở 2014 thực thi (ngày 1/7/2015), vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ từ bên ngoài cũng được nhận định là khả quan, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp. Ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ, qua tiếp xúc với kiều bào ở Đức, Mỹ, Ba Lan, Úc, cho thấy kiều bào đang có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư về nước để tham gia vào lĩnh vực BĐS vì hiện nay so với nhiều nước, Việt Nam chưa đánh thuế BĐS nên tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn.

Thực tế, từ nửa cuối 2015, đã có một vài khu nhà ở cao cấp thu hút được khá đông lượng khách ngoại mua, như Gateway Thảo Điền, The Nassim, Estella Heights (quận 2), Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh). Đáng chú ý tại một khu nhà do Vingroup phát triển đã có trên 300 căn hộ được người nước ngoài, Việt kiều đặt mua.

Hay với Estella Heights do Keppel Land phát triển, tỷ lệ người nước ngoài, Việt kiều mua căn hộ đạt 25 - 26% trên tổng số 870 căn, tăng mạnh so với tỷ lệ 18 - 20% so của The Estella giai đoạn 1 (đã đưa vào sử dụng).

Theo chia sẻ của một khách hàng sở hữu căn hộ có giá 200.000 USD (trên 4 tỷ đồng) tại The Estella giai đoạn 1, tỷ suất sinh lợi từ cho thuê hằng năm dao động từ 6 - 7%, khá hấp dẫn so với lãi suất nếu gửi tiền ở Nhật hay Singapore (đôi khi không có lãi).

Trong khi đó, với các nhà đầu tư tài chính hay doanh nghiệp ngoại khi mang vốn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận bình quân dao động trong khoảng 30%, nhưng thực tế, theo một chủ đầu tư, mức lãi này cũng phải cán mốc trên 50%.

>"Áo mới" vốn ngoại: Khéo co vẫn ấm

>Bất động sản Việt Nam: Rộng cửa chờ vốn ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ngoại tiếp tục chảy vào bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO