Triển vọng của mô hình co-working space ở Hà Nội và TP.HCM

NGUYÊN BẢO| 05/02/2018 06:37

Năm 2018, nhu cầu về văn phòng tại các đô thị lớn được dự báo tiếp tục tăng, điều này sẽ tác động tích cực đến mô hình "co-working space" (không gian làm việc chung).

Triển vọng của mô hình co-working space ở Hà Nội và TP.HCM

Giới trẻ thích làm việc trong không gian chung đầy đủ tiện nghi

Giữa năm 2017, một báo cáo do CBRE Việt Nam thực hiện cho thấy, co-working space đang dần phổ biến tại Việt Nam.

Xuất hiện từ năm 2012, đến tháng 6/2017 có 17 đơn vị tham gia đầu tư co-working space, cung cấp khoảng 12.500m2 diện tích văn phòng, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Từ bước đầu tiên...

Thời điểm 2007 - 2008, tại Hà Nội và TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc nhu cầu ngắn hạn của các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam thực hiện dự án, một vài chủ đầu tư như Regus, Lạc Việt, Công ty CP Mạng Truyền thông Quốc tế IncomNet đã phát triển loại hình "văn phòng ảo" ở các quận trung tâm với giá cho thuê từ 12 - 13 triệu đồng/tháng.

Sau này, các chủ đầu tư bất động sản phát triển thêm loại hình Office-tel (căn hộ có diện tích khoảng 30m2, chủ nhân vừa sử dụng để ở vừa làm văn phòng). Và trong hơn 2 năm trở lại đây, mô hình không gian làm việc chung bắt đầu hình thành và nhắm đến cộng đồng startup (khởi nghiệp).

Link bài viết

Tại TP.HCM, Dreamplex - một co-working space gồm 3 tầng với diện tích khoảng 1.500m2 gồm 35 phòng với hơn 10 tỷ đồng đầu tư, tọa lạc tại tòa nhà Miss Áo Dài (quận 1) ra mắt giữa tháng 11/2015 do CEO Nguyễn Trung Tín của Trung Thủy Group đầu tư đã mở ra xu hướng mới về không gian làm việc sau buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ Barack Obama với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại đây hồi tháng 5/2016.

Trước Dreamplex, tháng 9/2015, tại Hà Nội, một co-working space có tên là Toong (viết tắt của từ "tổ ong") đã ra đời với không gian 750m2 ở phố Tràng Thi. Toong gồm 2 tầng với mức giá thuê từ 4 USD/3 giờ đồng hồ và 446 USD/tháng.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, nguồn cung co-working space tại Việt Nam tăng trung bình 58%/năm.

Các nhà đầu tư khá lạc quan về co-working space tại Việt Nam, một số quỹ xác nhận rót vốn vào các chuỗi hiện hữu và một số công ty nước ngoài khác đang có ý định thâm nhập thị trường này. Hiện OpenAsia đã đầu tư vào Toong và Gaw Capitals đầu tư vào Naked Hub.

Tính đến tháng 6 năm ngoái, phân khúc co-working space chiếm khoảng 0,5% diện tích văn phòng truyền thống hạng A và B tại Hà Nội và TP.HCM, nếu tăng trưởng duy trì 50% mỗi năm như hiện tại thì tổng diện tích cũng chỉ chiếm 2% vào năm 2020. CBRE dự báo những đơn vị vận hành co-working space như Toong, Dreamplex và Up sẽ tiếp tục mở thêm nhiều địa điểm mới để tăng thị phần.

... đến xu hướng mở rộng

Ông Nguyễn Trung Tín cho biết, cùng với Dreamplex 1 tại tòa nhà Miss Áo Dài và Dreamplex 2 trên đường Điện Biên Phủ, trong năm 2018 sẽ có thêm một Dreamplex nữa tại trung tâm TP.HCM. Đây là lĩnh vực tiềm năng vì xu hướng tìm nơi làm việc của giới trẻ hiện nay là không gian chung với đầy đủ tiện ích và được trang bị công nghệ hiện đại.

Bên cạnh các đơn vị trong nước, được biết Keppel Land Việt Nam (Singapore) đang phát triển mô hình Kloud serviced Co-office tại tòa nhà Saigon Centre (quận 1), giai đoạn 2. Đây được xem là mô hình co-working space nhưng định vị ở phân khúc cao cấp mà Keppel Land đã triển khai thành công tại Singapore. Cùng với đó, một thương hiệu quản lý bất động sản lớn ở châu Âu cũng chuẩn bị ra mắt khu co-working và co-living tại một tòa nhà thuộc trung tâm quận 1, TP.HCM.

Liên quan đến tiềm năng của mô hình co-working space, ông Jeremy Sheldon - Giám đốc Điều hành Dịch vụ thương mại và tích hợp châu Á - Thái Bình Dương của Jones Lang Lasalle (JLL) cho rằng, các tổ chức sử dụng không gian làm việc để thúc đẩy hiệu suất của nhân viên cũng như thu hút và giữ chân người tài, co-working space sẽ tiếp tục là lựa chọn của họ trong năm 2018.

Những nơi có công nghệ cao, cá nhân hóa không gian làm việc kết hợp khu ăn uống, chăm sóc sức khoẻ, phòng gym tạo ra những trải nghiệm cho nhân viên sẽ thành công hơn trong "cuộc chiến" giành tài năng.

Thực tế cho thấy, khách hàng của các khu co-working space thường làm công việc độc lập, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử... Họ thường được nhắc đến với tên gọi "thế hệ millennials" (là thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000, không có khoảng cách giữa công việc và hưởng thụ, làm và chơi).

Thế hệ này luôn tìm kiếm sự trải nghiệm khi được hòa nhập vào cộng đồng. Nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, đến năm 2020, millennials sẽ chiếm 50% lực lượng lao động toàn cầu. Tại các đô thị như TP.HCM, thế hệ này đang gia tăng và phần nào giải thích vì sao mô hình co-working space có nhiều dư địa để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng của mô hình co-working space ở Hà Nội và TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO