Những cuộc "chuyển lái" trên thị trường nhà ở

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 15/12/2016 08:26

Năm 2017, thị trường bất động sản TP.HCM được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Do đó, một số doanh nghiệp đã bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm.

Những cuộc

Bước sang năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn nữa. Để đảm bảo các chỉ tiêu về kinh doanh cũng như sự phát triển của thương hiệu, một số doanh nghiệp đã bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm.

Đọc E-paper

Đầu tháng 12, Tập đoàn Vingroup công bố thương hiệu BĐS đại chúng VinCity. Theo đó, mỗi nhà ở mang thương hiệu này sẽ có giá bình quân từ 700 triệu đồng. Thông tin này khiến thị trường BĐS tại TP.HCM thêm phần chộn rộn. Bởi từ trước đến nay, Vingroup tập trung chủ yếu vào phân khúc cao cấp, với nhiều khu nhà ở lớn cả về diện tích lẫn quy mô sản phẩm.

Với kế hoạch đã công bố, trong giai đoạn đầu, thương hiệu VinCity sẽ được đồng loạt triển khai tại Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa.

Trong vòng 5 năm tới, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, các chung cư được xây dựng ở một số khu vực ngoại thành.

Theo nhận định của một số chuyên gia BĐS, với việc công bố thương hiệu mới này, Vingroup tái khẳng định chiến lược phát triển toàn diện của một nhà phát triển BĐS ở hầu hết các phân khúc.

Đồng thời sự xuất hiện của VinCity sẽ góp phần tạo sự sôi động cho thị trường thuộc phân khúc nhà ở ít tiền vốn lâu nay là "sân chơi" của số ít doanh nghiệp như Nam Long (NLG) - đi tiên phong với thương hiệu EHome, Thuduc House (TDH) với tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ dao động quanh mức từ 25 - 28%, thấp hơn 35 - 50% của phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, nếu xét về mặt thị trường, rõ ràng dòng căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng đang có dư địa khá lớn cho nhà phát triển BĐS.

>>5 cách tăng giá trị căn hộ trước khi bán

Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại một hội thảo về BĐS gần đây tại TP.HCM nhận định rằng, năm 2017 cân đối cung - cầu và nhịp độ bán hàng trên thị trường nhà ở sẽ không nhiều biến động. Nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, mỗi năm cần 100 triệu mét vuông, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo mỗi năm có khoảng 1 triệu dân chuyển từ nông thôn ra thành thị.

Song, vấn đề là thị trường nhà ở đang có dấu hiệu lệch pha giữa nguồn cung và khả năng thanh toán của người dân. Ở phân khúc căn hộ, 70 - 80% người mua có nhu cầu về dòng bình dân (giá khoảng 800 USD/m2), nhưng cung nhà ở từ cuối năm 2014 đến nay đang nghiêng về phân khúc trung - cao cấp (giá bán từ 800 - 1.500 USD/m2 và từ 1.500 - 3.500 USD/m2) chiếm trên 80%.

Tính đến tháng 9/2016, tại TP.HCM có 540 dự án đang xây dựng (nhà ở, văn phòng, bán lẻ), trong đó BĐS nhà ở có 282 dự án. 

Nguồn cung nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2016 theo số liệu của Sở Xây dựng đã công nhận 47 dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với quy mô 24.461 căn, bao gồm 23.462 căn hộ chung cư (tỷ lệ 96,6%).

Từ quý IV/2016 đến 2018, hơn 50.000 căn hộ sẽ gia nhập thị trường.

Nhân buổi chia sẻ thông tin mới đây nhằm chuẩn bị cho sự kiện niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối tháng 12 này, ông Phan Lê Hòa - Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ đầu tư của Novaland Group nhấn mạnh, tỷ lệ tăng trưởng về dân số và tầng lớp trung lưu là 2 yếu tố quan trọng đối với thị trường BĐS.Trái với Vingroup, một "ông lớn" khác trong lĩnh vực BĐS là Novaland Group mới đây đã bày tỏ chiến lược phát triển trong những năm tiếp theo là vẫn trung thành với dòng sản phẩm nhà ở trung - cao cấp. Vì sao?

Hiện Việt Nam có 12 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu và dự báo sẽ tăng mạnh vào năm 2020, là khách hàng mục tiêu mà Novaland tập trung khai thác.

Bên cạnh sản phẩm truyền thống là căn hộ phát triển chủ yếu tại TP.HCM, đại diện của Novaland cũng cho rằng, Novaland đã bước sang giai đoạn 2 trong chiến lược phát triển, cụ thể là mở rộng đầu tư cả về mặt địa lý lẫn danh mục sản phẩm (BĐS nghỉ dưỡng, nhà liền đất). Novaland đang phát triển khoảng 40 dự án BĐS tại TP.HCM và hợp tác đầu tư xây dựng các dự án ở Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Song song đó, năm 2016, hơn 30ha Lakeview City ở khu Đông TP.HCM đã đánh dấu sự tham gia của nhà phát triển này vào hạng mục nhà liền đất (dự kiến quý II/2017 sẽ hoàn tất việc bán hàng và cuối năm nay sẽ bàn giao 100 căn nhà cho khách hàng).

Với nguồn cung hạn chế, cộng với tâm lý vẫn chuộng đất của người Việt Nam thì phân khúc nhà liền đất (nhà phố, biệt thự) luôn đảm bảo tính thanh khoản cao và vòng quay vốn ngắn hơn căn hộ.

>>5 lưu ý khi đầu tư nhà phố xây sẵn vùng ngoại thành

Trong khi đó, ở khu Nam TP.HCM, năm 2016, Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng đã "thoát ly" khỏi khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện hữu với khu căn hộ đầu tiên Saigon South Residences (1.840 căn hộ), có diện tích vừa phải (gần 70% là căn hộ hai phòng ngủ), giá từ 20 triệu đồng/m2. Đến nay, sau 2 đợt mở bán, khoảng 900 căn hộ của Saigon South Residences đã được thị trường hấp thụ.

Được biết, Saigon South Residences cũng là một trong 5 khu nhà mà Công ty Phú Mỹ Hưng tung ra thị trường vào năm 2016 này (bên cạnh Scenic Valley 2, Le Jardin, River Park Premier, khu phức hợp Phú Mỹ Hưng Midtown).

Nói về chiến lược phát triển của Phú Mỹ Hưng, ông Trương Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, từ trước đến nay, dù thị trường lên hay xuống, bình quân mỗi năm Phú Mỹ Hưng bán khoảng 1.500 sản phẩm không thông qua đại lý để đảm bảo tốt dịch vụ hậu mãi. Theo kế hoạch, năm tới, Công ty sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của Saigon South Residences (xấp xỉ 900 căn) và một vài dự án trong khu đô thị hiện hữu.

Đại diện Công ty cũng cho biết thêm, với khu đô thị hiện hữu, do quỹ đất còn ít nên sẽ chỉ tập trung phát triển những khu nhà cao cấp, hiện đại, trong khi những khu bên ngoài khu đô thị hiện hữu sẽ nhắm đến dòng sản phẩm đại chúng. Tính đến nay, doanh nghiệp này đã cung ứng ra thị trường khoảng 18.000 - 19.000 căn hộ các loại.

>>Xu hướng hồi sinh, "làm đẹp" sản phẩm nhà ở

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cuộc "chuyển lái" trên thị trường nhà ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO