Khu công nghiệp: Những cuộc đua ngầm

HẢI ÂU| 28/02/2014 07:54

Khi những chính sách ưu đãi chung trong thu hút đầu tư không còn, các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tìm mọi cách để tăng lợi thế cạnh tranh.

Khu công nghiệp: Những cuộc đua ngầm

Khi những chính sách ưu đãi chung trong thu hút đầu tư không còn, các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tìm mọi cách để tăng lợi thế cạnh tranh.

Đọc E-paper

Ưu đãi làm khó doanh nghiệp

Năm 2012, các KCN do Tín Nghĩa Corp. đầu tư tại Đồng Nai rơi vào cảnh thưa khách chưa từng có kể từ năm 2009, thời điểm mà các chính sách ưu đãi đầu tư vào các KCN không còn hiệu lực. Nhưng sang năm 2013, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Quản lý các KCN Tín Nghĩa, cho biết, tình hình đã được cải thiện.

Điền hình, số lượng nhà đầu tư (NĐT) đến tham quan và tìm hiểu môi trường đầu tư tại KCN Nhơn Trạch 3 gia tăng, dù thực tế, việc triển khai thuê đất chưa nhiều. Trong số đó, 80% là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của Nhật Bản, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Do quy mô tương đối nhỏ nên diện tích đất thuê cũng giới hạn từ 1-2 ha trở lại.

Đề đáp ứng nhu cầu của NĐT, Tín Nghĩa đã hợp tác với một tập đoàn của Nhật xây dựng khu nhà xưởng cho thuê với diện tích khoảng 18ha đặt tại KCN Nhơn Trạch 3. Hiện tại, đã có 110.000m2 nhà xưởng đi vào khai thác với 15 NĐT đang sử dụng dịch vụ này và 10 NĐT khác đã ký hợp đồng thuê xưởng.

Theo ông Bình, các NĐT hiện rất cẩn trọng trong việc tìm địa điểm đầu tư, so sánh chi tiết giá thuê đất, hạ tầng kết nối và khả năng cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ nên họ không vội để ra quyết định. Hơn nữa, thời điểm này, chỉ những NĐT đã hoạt động có hiệu quả tại thị trường Việt Nam mới có kế hoạch thuê thêm đất với quy mô lớn để mở rộng cơ sở.

Trong khi, những DN mới lại đi từ quy mô nhỏ hơn. Việc xây nhà xưởng cho thuê cũng là giải pháp để thu hút NĐT, tăng tỷ lệ lấp đầy và tạo lợi điểm cạnh tranh cho mỗi KCN.

Theo đó, từ 45% diện tích đất đã cho thuê của KCN Nhơn Trạch 3 - giai đoạn 2 (năm 2013), đến nay, tỷ lệ này là 65%. Ngoài ra, nếu xét về giá cho thuê, mỗi m2 nhà xưởng cũng ở mức 4USD/m2/tháng, cao gấp 1,5 lần so với cho thuê đất thông thường.

Tuy nhiên, xu hướng xây dựng chính sách một cửa về thủ tục, hình thành nhà xưởng cho thuê tại các KCN phía Nam đang "nở rộ” nên sẽ không tránh khỏi sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển KCN giữa các địa phương trong việc thu hút NĐT.

Chẳng hạn, ngay tại Đồng Nai, KCN Long Đức, với ưu thế là có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản Sojitz trong vai trò chủ đầu tư kết hợp cùng vị trí thuận lợi, KCN Long Đức đã trở thành điểm đến của các NĐT Nhật Bản dù giá thuê đất cao hơn KCN Nhơn Trạch 3.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, vì "lợi ích chung", cả hai nhà phát triển KCN Long Đức và KCN Nhơn Trạch 3 đã "bắt tay" để giữ chân NĐT, tư vấn NĐT chọn vị trí đặt cơ sở sản xuất phù hợp năng lực tài chính của họ.

Dù tình hình không dễ thở như trước nhưng đại diện Tín Nghĩa cho rằng, bên cạnh 7 KCN tại Đồng Nai, Công ty cũng đã hoàn tất công đoạn giải phóng mặt bằng KCN 500 ha ở Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu vì tiềm năng phát triển dài hạn của khu vực này.

Trong khi đó, tại Bình Dương, với lợi thế về thương hiệu và kinh nghiệm tiếp thị quốc tế của SembCorp., Singapore (thuộc liên doanh KCN Việt Nam - Singapore, VSIP), VSIP vẫn thu hút được các nhà đầu tư lớn đến thuê đất.

VSIP vừa trao giấy phép cho 6 NĐT có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (với diện tích đất thuê gần 50 ha và tổng vốn đăng ký trên 500 triệu USD), bên cạnh 365 dự án đã đăng ký đầu tư vào các KCN của VSIP tại Bình Dương (tính đến quý IV/2013). Con số này tuy cao hơn 2 năm trước nhưng dĩ nhiên sẽ không thể sánh kịp với thời điểm 2006-2007.

Nói về thu hút đầu tư vào các KCN, ông Trần Văn Liễu, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương từng chia sẻ, khi chính sách ưu đãi về thuế đã không còn, cộng với tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục thì các KCN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ trở nên "bão hòa" hơn so với những KCN phía Bắc hoặc miền Trung.

Người sau chạy nhanh hơn kẻ trước?

Thực tế, đó cũng là lý do mà không ít nhà phát triển KCN phía Nam "Bắc tiến". Cụ thể như Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc với khoảng 7 KCN (Tràng Duệ, Quế Võ...), trong khi VSIP, sau khi vững vàng ở Bình Dương, đến tháng 4/2012, với sự kiện Khu phức hợp - Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã đánh dấu sự có mặt của thương hiệu VSIP ở cả 3 miền với 5 KCN.

Chiến lược mở rộng này cũng phần nào tận dụng các chính sách ưu đãi về đầu tư từ những khu vực được xác định là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, hơn nữa, cũng để tăng sức cạnh tranh về mặt thu hút đầu tư.

Thực tế cho thấy, không ít NĐT ở Bình Dương, sau thời gian hoạt động đã mở rộng quy mô. Điền hình như Công ty TNHH URC Miền Trung vừa ký hợp đồng thuê 5ha đất tại VSIP Quảng Quãi để triển khai nhà máy sản xuất nước uống, bánh kẹo..., bên cạnh nhà máy ở Bình Dương.

Ngoài ra, từ năm 2013 cho đến đầu năm 2014 đã có khá nhiều thông tin cho thấy, những nhà sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại với quy mô lớn đã dịch chuyển ra các KCN phía Bắc.

Còn nhớ hiện tượng Samsung, các nhà môi giới đầu tư chắc chắn không quên trước khi đầu tư tổ hợp Công nghệ cao Samsung với nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của họ tại Thái Nguyên, NĐT này đã có vài năm tìm hiểu tại các KCN ở Nhơn Trạch, TP.HCM.

Một chủ đầu tư KCN ở phía Nam cho rằng, giá thuê đất "mềm" cùng với những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp... là điều mà họ không thể có trong cuộc chạy đua với Thái Nguyên.

Dù để vuột những dự án lớn như Samsung, Nokia hay LG nhưng chủ đầu tư này cũng cho rằng, vấn đề quan trọng đằng sau mỗi dự án lớn là NĐT sẽ phân bổ lợi nhuận như thế nào cho địa phương, nó không đơn thuần là chuyện nhà phát triển KCN đã kéo được ai hoặc cho thuê bao nhiêu diện tích đất!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khu công nghiệp: Những cuộc đua ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO