Giao dịch qua sàn sẽ hạn chế “loạn” giá?

VŨ HOÀNG| 14/05/2010 08:46

Nhằm giúp thị trường có nhiều thông tin hơn, minh bạch hơn, Nhà nước đã dùng giải pháp bắt buộc mọi giao dịch phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Song đáng tiếc là kỳ vọng đó vẫn chưa thành hiện thực sau nhiều năm triển khai thực hiện.

Giao dịch qua sàn sẽ hạn chế “loạn” giá?

Nhằm giúp thị trường có nhiều thông tin hơn, minh bạch hơn, Nhà nước đã dùng giải pháp bắt buộc mọi giao dịch phải thông qua sàn giao dịch bất động sản (BĐS). Song đáng tiếc là kỳ vọng đó vẫn chưa thành hiện thực sau nhiều năm triển khai thực hiện.

Sàn không “thông”

BĐS giao dịch qua sàn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư dự án. Ai cũng biết vậy, song nếu so sánh giao dịch của 368 sàn giao dịch BĐS với những gì diễn ra trên thực tế mới thấy, mọi việc đang trái ngược với mong đợi. Nói như thế bởi nhìn chung, lượng giao dịch BĐS qua sàn trong thời gian qua vẫn đạt thấp, chỉ khoảng 20% và tập trung chủ yếu tại TP.HCM.

Sàn BĐS Tín Nghĩa - Anh: M.T

Hiện những người có nhu cầu thực sự vẫn không thể mua BĐS trực tiếp từ chủ đầu tư, mà phải qua rất nhiều trung gian. Do vậy, họ rất kỳ vọng vào việc giao dịch BĐS qua các sàn giao dịch, vì sẽ giúp cho hoạt động này minh bạch, ngăn chặn đầu cơ, tích trữ, tạo ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường. Ngoài ra, giao dịch qua sàn cũng hạn chế được tình trạng trốn thuế của các chủ đầu tư cũng như những tiêu cực trong hoạt động mua bán BĐS.

Thế nhưng, chính chủ đầu tư và khách hàng là người trực tiếp tham gia sàn giao dịch, sau nhiều năm vẫn không hề muốn “thông” sàn. Bởi chính bản thân họ cũng có vô vàn lý do để “ngại” giao dịch qua sàn.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, nói rằng, trước nay Phát Đạt luôn chủ động tài chính nên chưa bao giờ làm điều gì trái với pháp luật. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Đạt cho rằng, về mặt nào đấy cũng cần phải “cảm thông” cho các chủ đầu tư, vì không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ vốn để đầu tư một dự án.

Do đó, khi pháp luật không cấm, ngoài việc huy động vốn từ ngân hàng, các chủ đầu tư thường trông chờ vào nguồn vốn của chính những khách hàng sẽ mua sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, trong kinh doanh, tất yếu doanh nghiệp (DN) phải có những mối quan hệ, do vậy, việc dành ra một tỷ lệ nhất định để bán cho các đối tác, cổ đông chiến lược theo kiểu “không qua sàn” cũng là điều bình thường.

Về phía khách hàng, ông Cao Văn Ngọ (Q.4, TP.HCM) có ý định mua căn hộ tại quận 2 và quận 7, nhưng ông tự mình tìm kiếm, chứ không hề có ý định lên sàn tìm mua. Bởi vì lên sàn giá có thể đắt hơn và chi phí phải trả cũng không ít. “Trước đây, có người nhờ tôi hỏi mua dự án ở quận 4 sau khi đã được một sàn giới thiệu, nhưng tôi hỏi chủ đầu tư thì dự án đó chưa triển khai và cũng chưa giới thiệu trên các sàn”, ông Ngọ chia sẻ. Vì thế, theo ông, trước hết các sàn phải làm ăn nghiêm túc, uy tín thì khách hàng mới tìm đến.

Lỗi tại ai?

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản, cũng thừa nhận, giao dịch qua sàn hiệu quả chưa cao là do tính chuyên nghiệp của các sàn còn yếu. Phần lớn các sàn giao dịch do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của chính mình. Vì vậy tính cạnh tranh thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin chưa cao, thêm vào đó là các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài.

Theo quy định, đến năm 2009, các DN kinh doanh BĐS bắt buộc phải đưa sản phẩm của mình vào sàn giao dịch. Nhưng đến nay, các sàn có hoạt động đúng theo quy định hay không? Các thông tin được sàn cung cấp có minh bạch hay không cũng chưa có những quy định và chế tài cụ thể. Chính những điều đó khiến thị trường luôn luôn thiếu thông tin, dẫn đến thị trường BĐS thời gian qua đã liên tiếp xảy ra những đợt “nóng - lạnh” thất thường.

Trả lời báo chí, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Phân tích chiến lược của Công ty Bất động sản Jones Lang LaSalle Việt Nam, đã nói, một khi những hạn chế về việc thiếu thông tin như đã đề cập ở trên chưa được khắc phục thì tính ổn định và sự đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhà đầu tư vẫn là bài toán chưa thể có lời giải. Bằng chứng được vị này dẫn ra là giá BĐS không thể trở về giá trị thực không hẳn là thiếu nguồn cung, mà chính là vẫn thiếu thông tin.

Thực tế hiện nay, nhiều người muốn mua nhà, căn hộ không biết gặp gỡ ai để tìm hiểu thông tin, mà cũng không biết ở đâu bán trực tiếp nên phải đi vòng vèo qua nhiều con đường khác nhau... Suy cho cùng, cũng chỉ vì họ thiếu thông tin. Thông thường, mua một căn hộ thì phải mua cả hệ thống quản lý của nó, quyền được sử dụng tiện nghi xung quanh.

Tuy nhiên, những quyền đó được nhắc đến một cách mơ hồ và thực tế trên thị trường đã xảy ra không ít vụ tranh cãi việc khách hàng được dùng những gì, phải trả tiền những gì, cái nào chung và cái nào riêng, nên đã xảy ra những vụ việc như ở Phú Mỹ Hưng, The Manor...

Có thể nói, về lý thuyết, giá thực là giá được giao dịch trên thị trường. Tất nhiên, trên thực tế có rất nhiều kỹ thuật bán hàng của các chủ đầu tư. Nhiều DN bán căn hộ với giá X, sau đó ngay lập tức người vừa mới mua của chủ đầu tư đã bán chênh ra được X+. Các chủ đầu tư đều biết điều này và có hàng tá lý do được liệt kê.

Tuy nhiên, một lợi ích có thể thấy rõ từ việc giao dịch qua sàn là giá trị BĐS sẽ không còn bị thổi phồng quá nhiều và cạnh tranh dịch vụ sẽ tốt hơn. Vậy nên chăng, Bộ Xây dựng và các nhà quản lý cần có những động thái để hạn chế những hoạt động này, đồng thời phải tạo một hành lang pháp lý để những người đầu tư có những cơ chế an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao dịch qua sàn sẽ hạn chế “loạn” giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO