Diện mạo mới của văn phòng cho thuê

07/05/2010 08:41

Thị trường văn phòng cho thuê cần có thêm thời gian trước khi đưa ra nhận định có khủng hoảng thừa ở khu vực phía Tây không.

Diện mạo mới của văn phòng cho thuê

Thị trường văn phòng cho thuê cần có thêm thời gian trước khi đưa ra nhận định có khủng hoảng thừa ở khu vực phía Tây không. Song có một điều chắc chắn rằng, nó đang làm thay đổi diện mạo cả từ phía khách hàng và chủ đầu tư.

Phía Tây có khủng hoảng thừa?

Nghiên cứu của Công ty Bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) cho thấy, các khu văn phòng nằm ở phía tây dọc đường Phạm Hùng, Nguyễn Phong Sắc, Mỹ Đình đang bổ sung nguồn cung lớn cho thị trường.

Con số này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng diện tích nguồn cung văn phòng hạng A dự kiến của Hà Nội trong năm 2010 khoảng 170.000-180.000 m2. (Năm 2009, nguồn cung văn phòng hạng A chỉ khoảng 116.000m2). Chỉ tính riêng khu vực Nguyễn Phong Sắc cũng đã có hơn 20 tòa nhà đi vào hoạt động.

Nếu như văn phòng khu gần trung tâm Hà Nội có thể lên tới 47 USD mỗi m2 thì giá cả phía Tây chỉ bằng một phần ba, dao động chủ yếu quanh mức trung bình ở mức 13-17 USD.

Trong khi đó, chất lượng văn phòng và các dịch vụ ở đây đang ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách thuê. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều khu vực phía Tây thành phố như đường Phạm Hùng, Nguyễn Phong Sắc, lượng khách thuê hiện nay tăng tới 20-25% so với quý I/2010.

Tuy nhiên, nếu so với nguồn cung đang tạo ra dồn dập ở phía Tây thì lượng khách thuê hiện thời còn quá khiêm tốn. Thậm chí, nó còn bị báo động là sẽ khủng hoảng thừa!

Về vấn đề này, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE cho rằng: cần có thêm thời gian để thị trường chín muồi, lúc đó mới có thể đưa ra nhận định đúng.

Đây cũng là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ. Theo ông Võ, câu chuyện về thị trường văn phòng ở Hà Nội nói chung phải cần có thêm thời gian do phụ thuộc vào đồ án quy hoạch chung của Hà Nội.

Một lý do nữa là, tại khu vực phía Tây, có đến 40% diện tích xây mới là của các công ty, doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng để làm văn phòng, trụ sở của mình. 60% còn lại là của các nhà đầu tư xây dựng với hy vọng sau này sẽ thu hút được khách đến thuê.

“Với cách phát triển như thế, để nói là thị trường có khủng hoảng thừa hay không thì có thể đúng trong một thời điểm nào đó và với một số dự án cụ thể nào đó. Có thể thừa chỗ này nhưng với chỗ khác nó không thừa” - ông Marc Townsend khẳng định.

Giá không bao giờ là hợp lý

Từ khi Hà Nội mở rộng về phía Tây, khu vực này trở thành điểm “ngắm” của nhiều nhà đầu tư. Trong khi đó, giá thuê văn phòng ở khu vực trung tâm quá cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người, họ sẽ tìm đến những văn phòng có giá thấp hơn mà vẫn đảm bảo những điều kiện sống, trong đó có khu vực phía Tây.

Và chắc chắn rằng, sự tranh chấp về khách hàng giữa khu vực trung tâm và khu vực phía Tây sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều thuận lợi cho người đi thuê. Hiện nay, hầu hết các khách hàng đều công nhận rằng họ đang ngày càng cảm thấy hài lòng về chất lượng dịch vụ cũng như về giá cả các văn phòng cho thuê.

Chẳng hạn như cũng là văn phòng hạng A nhưng tại thời điểm này, khách hàng sẽ được hưởng lợi thêm nhiều tiện ích cùng với các thiết bị phụ trợ tốt hơn nếu so với thời điểm cách đây một vài năm trong khi giá lại được giảm.

Về giá cho thuê, không phủ nhận thị trường Hà Nội đã chứng kiến mức giá quá cao trong vài năm qua. Tuy nhiên, theo ông Marc Townsend, có lẽ cả người đầu tư và khách hàng đều không bao giờ cảm thấy giá thuê hợp lý cả. Người cho thuê thì lúc nào cũng muốn giá cao, còn người đi thuê thì lúc nào cũng muốn giá thấp hơn.

“Nhưng nhìn vào thị trường nói chung, tôi thấy điều quan trọng là chúng ta cung cấp được cho khách đi thuê nhiều sự lựa chọn và lúc nào họ cũng muốn cải thiện điều kiện làm việc.

Đối với những người đầu tư tham gia vào lĩnh vực cho thuê văn phòng thì cho họ được nhiều cơ hội hơn với cảm giác luôn luôn tạo điều kiện cho người đi thuê” - ông Marc Townsend nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diện mạo mới của văn phòng cho thuê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO