Bán nhà cho Việt kiều và người nước ngoài: Rắc rối trăm bề

Tâm An| 14/03/2023 06:00

Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, việc bán nhà cho Việt kiều và người nước ngoài được xem là một cách giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, phương án này đang gặp rất nhiều trở ngại.

Bán nhà cho Việt kiều và người nước ngoài: Rắc rối trăm bề

Nhu cầu rất lớn về căn hộ

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư vốn và Bất động sản DT24.VN, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam, mỗi năm lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam rất lớn, từ đó các nhà đầu tư nước ngoài cũng đến Việt Nam sinh sống và làm việc ngày một nhiều. Trong quá trình sinh sống, họ cần nhà ở và đầu tư bất động sản sinh lời.

Bên cạnh đó, người Việt Nam sinh sống ở các quốc gia trên thế giới là khoảng 5 triệu. Trong đó, không ít người đã đến tuổi nghỉ hưu và muốn quay về quê hương. Nhóm người này có tài chính tích lũy có thể mua được căn hộ giá từ 2-20 tỷ đồng, cộng với số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam cần mua căn nhà thứ hai thì nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo phân tích: “Nếu bán được nhà cho nhóm người này thì sẽ thu được số tiền khổng lồ để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”. 

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam, khoảng 45% khách hàng của ông là người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là Hồng Kông (25%), Đài Loan (16%), Hàn Quốc (12%), Singapore (10%), Trung Quốc (8%), sau đó là Mỹ và người các nước châu Âu. 

Thêm nữa, hiện nay du lịch Việt Nam đang phục hồi, khách du lịch và Việt kiều về thăm quê hương dịp Tết Nguyên đán vừa qua rất đông. Trong đó, rất nhiều người không muốn thuê khách sạn hay ở nhà người quen mà muốn có không gian riêng, nên nhu cầu nhà ở là khá lớn. 

Muôn vàn trở ngại

Theo TS-LS. Lê Minh Phiếu - Công ty TNHH LMP, tính từ ngày 1/7/2015 (thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) đến nay, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,85% trong giai đoạn 2015-2020. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, như chỉ được sở hữu căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong khu nhà ở thương mại; không được phép sở hữu nhà ở tại các khu vực ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; bắt buộc phải mua nhà ở từ chủ đầu tư hoặc từ người nước ngoài khác; chỉ được sở hữu trong giới hạn 50 năm.

Link bài viết

Đối với chung cư, người nước ngoài không được sở hữu quá 30% số căn hộ và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả tòa nhà chung cư trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường. Đối với nhà ở riêng lẻ, người nước ngoài bị giới hạn tỷ lệ sở hữu cố định tùy theo quy mô, thông thường xấp xỉ 10% tổng số lượng nhà ở khu đó và không quá 250 căn. Đó là chưa kể những quy định trong luật và nghị định về nhà ở còn chồng chéo, xung đột, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, tạo tâm lý e ngại đối với người nước ngoài vốn không hiểu rõ pháp luật Việt Nam. 

Ông Nguyễn Sơn Tùng - Chủ tịch Công ty Luật Legal United Law cho biết: “Có rất nhiều thách thức về mặt pháp lý đối với người nước ngoài và Việt kiều khi muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thách thức đầu tiên là sự thiếu vắng các quy định pháp luật cần thiết và quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước vận dụng trong thực tiễn, nhất là với người nước ngoài. Việc thiếu công bố thông tin và quy hoạch về khu vực nào mà người nước ngoài được và không được sở hữu nhà ở đã dẫn đến việc bên bán - thường là các chủ đầu tư nhà ở thương mại không xác định được người nước ngoài được sở hữu hay không, bên mua cũng không biết khu nhà nào được phép bán cho người nước ngoài để mua. Thách thức thứ hai là các quy định pháp luật hiện thời không chỉ nằm trong Luật Nhà ở mà còn ở các quy định, văn bản pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Quốc tịch, rồi các luật thuế lẫn các quy định về xuất nhập cảnh. Người muốn hiểu biết những quy định ấy phải có khả năng tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn trong vận dụng pháp luật Việt Nam”.

Ông Tùng cho biết thêm, về mặt vận dụng pháp luật trong thực tiễn xuất phát từ các cơ quan nhà nước, tổ chức hành nghề công chứng còn nhiều bất cập. Ở những địa phương chưa có kinh nghiệm giải quyết việc mua nhà của người nước ngoài, người dân phải mang hồ sơ của các vụ việc tương tự đã được giải quyết thành công ở địa phương khác đến cho họ nghiên cứu hay phải chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành trung ương.

Có địa phương cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai cho Việt kiều, người nước ngoài, có địa phương lại không cho phép mà yêu cầu phải chờ đến khi nhà ở được cấp giấy chứng nhận. Nhà nước còn quy định người nước ngoài không được kinh doanh nhà ở theo kiểu bán nhà ở để kiếm lời, việc cho người nước ngoài vay vốn để mua nhà tại các ngân hàng thương mại còn nhiều rắc rối, việc đăng ký, hoàn thiện thêm thủ tục đủ điều kiện bán nhà cho người nước ngoài hay Việt kiều cũng còn nhiều bất cập.

Gỡ rối bằng cách khơi thông luật

Để tạo điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài dễ dàng sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo ông Lê Minh Phiếu, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp: chỉnh sửa Luật Đất đai để cho người nước ngoài được phép có quyền sử dụng đất khi họ mua nhà; đơn giản quy định về tỷ lệ sở hữu trong một khu nhà hay khu dân cư. Với những khu vực người nước ngoài không được mua nhà, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cần công bố rộng rãi trước khi có giấy phép xây dựng.  

Ông Peter Hồng - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài:

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD trong năm 2022, lượng tiền đó nếu dành để mua bất động sản thì sẽ tiêu thụ được một lượng căn hộ rất lớn. Năm qua có khoảng 277.000 người Việt Nam về quê đón Tết, trong đó chắc chắn có rất nhiều người muốn có căn hộ riêng. Bạn bè người Việt của tôi ở các nước Âu, Mỹ rất muốn an cư, lạc nghiệp tại Việt Nam. Bản thân tôi mua nhà ở Việt Nam đã 30 năm giờ mới được cấp sổ hồng. Nhiều Việt kiều mua nhà nhưng nhờ người thân đứng tên, dẫn đến rắc rối pháp lý nếu có tranh chấp.

Theo tôi, nên sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài cho phù hợp với sự phát triển của tình hình, góp phần phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Kenneth M Atkinson - Chủ tịch Grant Thorton Việt Nam:

Hiện có khoảng 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nếu tính cả những người có visa tạm thời ba tháng thì con số này lên tới 300.000 người. Việt Nam nằm trong top 7 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới. So với Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, giá nhà ở Việt Nam ổn, tuy nhiên người nước ngoài gặp khá nhiều vấn đề pháp lý khi mua nhà tại Việt Nam.

Tôi rất may là đã mua được căn chung cư ở Bình Thạnh và có sổ hồng. Tuy nhiên, tôi không được bán căn hộ đó cho người nước ngoài mà chỉ được bán cho người Việt Nam. Hiện tại, người nước ngoài không chỉ có nhu cầu mua nhà để ở mà còn muốn đầu tư sinh lời, nhưng việc không được bán lại cho người nước ngoài khiến họ khó tiếp cận các loại bất động sản ở Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán nhà cho Việt kiều và người nước ngoài: Rắc rối trăm bề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO