Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều

Tâm An| 25/02/2023 02:54

Ngày 24/2, Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) và Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC) phối hợp tổ chức hội thảo “Nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều”. Tại đây, các ý kiến đều tập trung việc tháo gỡ khó khăn và kết nối cung - cầu về nhà ở cho Việt kiều và người nước ngoài và tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều

Theo ông Quốc Bảo - Chủ tịch CTCP Đầu ư vốn và Bất động sản DT24.VN, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, hiện có trên 10 triệu người Việt Nam sinh sống ở trên 200 quốc gia trên thế giới. Trong số này, có 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu và muốn quay về quê hương. Nhóm người này có tài chính tích luỹ lớn, có thể mua được căn hộ giá 20-30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam có nhu cầu mua "căn nhà thứ 2" là khoảng 1 triệu người. Như vậy, tổng số Việt kiều và người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam là khoảng 4 triệu người. Nên theo ông Bảo, nếu bán được nhà cho nhóm người này thì sẽ thu được một số tiền lớn. "Giá bình quân một căn hộ hiện 2-3 tỷ đồng, nếu phát triển phân khúc này sẽ mang về doanh thu rất "khủng", lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm và đặc biệt, nếu dùng số tiền này để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thì sẽ rất hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam cho biết, người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam rất cao. Khoảng 45% khách hàng của ông là người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là Hồng Kông (25%, Đài Loan (16%), Hàn Quốc (12%), Singapore (10%), Trung Quốc (8%)..., sau đó là châu Âu, Mỹ.

Theo ông Kiệt, khách hàng ở phân khúc này đang có sự chuyển dịch rất rõ. Ở TP.HCM, trên 75% nhu cầu ở khu Đông. hiện đang chuyển dịch sang phía Nam và khu trung tâm. “Trước đây, khách nước ngoài thích căn hộ 1 phòng ngủ, nhưng giờ đây, họ chuyển sang những căn hộ lớn hơn, có 2-3 phòng ngủ. Đặc biệt, khách nước ngoài giờ không chỉ quan tâm đến việc mua để ở mà họ cũng có nhu cầu đầu tư căn hộ để sinh lời”, ông Kiệt chia sẻ.

-1306-1677296928.jpg

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam chia sẻ tại buổi thảo luận

Là người nước ngoài sinh sống lâu tại Việt Nam, ông Kennth M Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, cho biết, hiện có khoảng 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nếu tính cả những người có visa tạm thời 3 tháng thì con số này lên tới 300.000 người. So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, giá nhà ở Việt Nam khá ổn. Tuy nhiên, người nước ngoài gặp khá nhiều vấn đề pháp lý khi mua nhà tại Việt Nam như khó có sổ đỏ, khó chuyển nhượng cho người nước ngoài khác và bị hạn chế việc mua nhà trong một dự án (người nước ngoài chỉ được mua tối đa 30% căn hộ trong một dự án).

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Sơn Tùng - Chủ tịch Công ty Luật Legal United Law, cho rằng, bản thân ông là người Việt cũng thấy việc mua nhà của người nước ngoài và Việt kiều quá khó khăn, trong đó các vướng mắc chủ yếu nằm ở việc ra sổ đỏ. “Nên đề xuất với Chính phủ cho phép người nước ngoài thoả mãn các điều kiện thì được quyền sở hữu nhà”, ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Kiệt nêu thực trạng để người nước ngoài được cấp sổ đỏ khi mua nhà tại Việt Nam là căn hộ đó phải nằm trong danh sách dự án được bán cho người nước ngoài được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Với nhà liền thổ thì không được bán quá 10% một dự án và trong một phường không được bán quá 250 sản phẩm cho người nước ngoài. "Luật về mua nhà đối với người nước ngoài tại Việt Nam còn hạn chế, giới hạn trong khu vực, khiến người nước ngoài khó tiếp cận các sản phẩm bất động sản tại Việt Nam. Các quy trình bán nhà cho người nước ngoài của các chủ đầu tư  còn nhiều vấn đề. Chính phủ muốn quản lý nhà cho người nước ngoài chặt chẽ, vì thế cần thời gian để hoàn thiện Luật bất động sản", ông Kiệt đề xuất. 

Còn theo ông Bảo, Việt Nam nên tham khảo các nước trong khu vực cho người nước ngoài sở hữu bất động sản trong 20-30 năm. “Nếu làm tốt điều này, chúng ta có nguồn lực để phát triển các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp", ông Bảo nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO